Cụ Nhẫn bước đi hơi liêu xiêu, có lúc phải dìu, song thần thái cụ còn tụ cả trong đôi mắt, đôi mắt to sáng và trí nhớ thì vẫn rất mẫn tiệp. Cụ bị nặng tai, phải dùng máy trợ thính. Cụ đưa cho người viết bài này một cuốn sổ và cây bút, bảo anh hỏi gì cứ viết vào đây. Và dưới đây là cuộc bút đàm ngay tại nhà cụ.
- Xin cụ nói qua về truyền thống học của gia đình.
- Ông nội tôi tên là Kinh, đỗ tú tài, gọi là Tú Kinh. Hồi đó, ở Quảng Nam quê tôi có 5 “ông lớn” nổi tiếng chống thuế của Pháp, gọi là “Ngũ hổ bình Liêu”, nội tôi trong số đó. Cha tôi tên là Trương Gia Thọ, học Quốc học Huế, thân với ông Phạm Văn Đồng bởi cùng sở thích yêu môn bóng đá, rồi hai người còn học với nhau 2 năm ở Trường Bưởi, Hà Nội. Ông tham gia phong trào bãi khóa ủng hộ cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu, bị đuổi học. Bác tôi lúc đó đang hành nghề y ở Đà Lạt liền viết thư phản kháng tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, tại sao các ông bảo khai hóa mà không cho em tôi học? Cuối cùng nó trả lời, nếu học ở Đông Dương không trường nào dám nhận, sang Pháp học thì đồng ý. Thế là ông già tôi sang Lyon học nghề y, là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Về nước, dịp Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ông đi theo cách mạng, làm Giám đốc Quân y Quảng Nam, hòa bình lập lại trên miền Bắc, làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Cụ Trương Gia Nhẫn ngồi tại nhà sinh hoạt cộng đồng còn tranh thủ học.
- Được biết cụ có 30 năm làm phiên dịch ở Bộ Ngoại giao, rồi 10 năm làm việc cho Tổ chức UNICEF của Liên hợp quốc, vậy nguyên cớ nào đưa đẩy cụ vào ngành ngoại giao?
- Hồi bé tôi học Quốc học Huế, lớn lên đi kháng chiến, làm việc ở Đài phát thanh Nam Trung Bộ. Tôi được kết nạp Đảng thời kỳ lên chiến khu, ở tuổi 21. Một bước ngoặt đã đến trong đời tôi. Ấy là vào tháng 7/1954, tôi được cử ra Bắc học y sĩ. Tôi đi bộ một tháng rưỡi trên dãy Trường Sơn, tựu trường tại Nông Cống, Thanh Hóa. Hiệp định Genève ký kết, một ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định ở Việt Nam được thành lập, gồm các sĩ quan quân đội Ấn Độ, Ba Lan, Canada. Bộ Tổng tư lệnh quân đội ta tìm gấp người biết tiếng Anh để làm phiên dịch, nhắm vào các trường mới mở trên miền Bắc. Họ thấy lý lịch tôi thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, lại đã tham gia kháng chiến thì lấy liền. Tôi được phân công về các tổ đóng ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lao Cai. Từ bé tôi vốn ham thích ngoại ngữ, lại được học ở các trường dùng toàn tiếng Pháp, tiếng Anh. Hồi lên núi theo cách mạng, lúc nào trong ba lô cũng có một quyển sách hay tạp chí tiếng Anh. Ông già tôi có 6 năm học bên Pháp, về nhà ông còn kèm thêm cho tôi. Như trên đã nói, bỗng dưng phải bỏ nghề y, gọi đi phiên dịch là bước ngoặt trong đời vì sau khi Ủy ban quốc tế giải tán, tôi chuyển hẳn sang ngành ngoại giao. Nếu tôi ở các ngành khác, sao có nhiều điều kiện ra nước ngoài, tiếp cận với các ngôn ngữ khác được.
- Xin cụ nói cụ thể việc học mới từng thứ tiếng nước ngoài.
- Tiếng Pháp, tiếng Anh thì tôi có căn bản rất tốt rồi, ngôn ngữ đầu tiên tôi học thêm là tiếng Nga. Hồi ở Lạng Sơn, đi trên đường số 4 tôi kiếm được cuốn từ điển Le Russe của Nina Potapova, tôi ngấu nghiến đọc, ghi nhớ được nhiều từ vựng tiếng Nga và suốt gần 10 năm ở Ủy ban quốc tế tôi kiên trì học văn phạm, phát âm tiếng Nga. Còn biết tiếng Trung là vào năm 1963, Bộ Ngoại giao cử tôi sang Trung Quốc bổ túc thêm tiếng Anh. Cô giáo dạy tôi người Bắc Kinh, thế là tôi học theo tiếng Bắc Kinh. Có anh cũng trong ngành ngoại giao của bạn ngạc nhiên bảo, anh nói tiếng Bắc Kinh hệt như chúng tôi, vì người Thượng Hải mà nói tiếng Bắc Kinh nhiều khi tôi cũng không nghe nổi. Những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, tôi làm phiên dịch tiếng Anh cho sứ quán ta tại Thụy Điển, tôi tranh thủ buổi tối học lớp miễn phí tiếng Thụy Điển. Tôi ở nước bạn 3 năm, mỗi năm đều có Tuần lễ Việt Nam, sứ quán cử tôi đi 7 ngày qua 7 thành phố, thời gian đó tôi đọc các bài diễn văn bằng tiếng Thụy Điển và có dịp giao tiếp với công chúng. Ngày tôi dự lễ đại sứ ta vào hoàng cung trình quốc thư. Tôi ở dưới đang đứng nói chuyện với mấy quan đại thần, sau buổi lễ tôi được họ đưa vào phòng để chào nhà vua. Họ nói, tôi mới sang có mấy tháng mà nói khá sõi tiếng Thụy Điển, thế là nhà vua hỏi chuyện, tôi trả lời những câu ngài hỏi một cách lưu loát. Thực ra tiếng nước này rất gần tiếng Đức, tiếng Anh, phát âm dễ hơn, nếu được thầy bản xứ dạy cho thì càng “ngon”. Tôi học tiếng Đức trong hoàn cảnh “trong rủi có cái may”. Hồi năm 1972, đang làm ở sứ quán Thụy Điển, một lần chơi bóng đá, tôi bị đứt gân đầu gối, không đi lại được, sứ quán cho sang Đức chữa trị. Đức có Bệnh viện Charite giỏi chữa các chấn thương thể thao. May nữa là ngày đó có anh bạn bác sĩ trong nước vừa chân ướt chân ráo sang bệnh viện bạn thực tập. Thế là tôi nhờ anh mua cho bộ sách tự học tiếng Đức. Ở bệnh viện hơn 1 tháng, mổ khớp gối thành công cũng là lúc tôi nắm được cái cơ bản trong ngôn ngữ Đức. Rồi lại có thêm 1 tháng chữa răng giúp tôi giao tiếp được nhiều hơn. Tôi cũng có một nhiệm kỳ làm việc ở sứ quán ta tại Ai Cập, ngoài phiên dịch còn kiêm việc lễ tân, lãnh sự, tôi càng có điều kiện học thêm tiếng A Rập. Ngôn ngữ nước này có hai loại, dùng cho trí thức và dùng cho bình dân. Có điều ông tổng thống nói ngôn ngữ hoàng tộc thì người dân thường không hiểu được. Tôi học thứ tiếng bình dân trong giao tiếp. Lần ấy đoàn Quốc hội ta sang Koweit, khi đi thăm quan, người phiên dịch của ta nói tiếng Anh, anh lái taxi không hiểu, tôi liền dùng tiếng A Rập dân dã và chỉ dẫn anh đến những nơi đoàn cần đến.
Cụ Nhẫn (bên phải) cùng bạn thăm khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (năm 2012).
Tôi dịch cabin cho hai đời Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Cơ Thạch. Tôi có người bạn từng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo, bảo là trong tù được chính ông Nguyễn Duy Trinh dạy tiếng Anh. Nhưng khi giao thiệp với bên ngoài tôi chưa thấy khi nào ông nói tiếng Anh, còn tiếng Pháp ông sử dụng tốt. Ông Nguyễn Cơ Thạch thì quá giỏi, nghe bọn Mỹ nói rồi trả lời còn rành rẽ hơn cả chúng tôi đi theo thông dịch. Mà tiếng Anh ông hoàn toàn là tự học.
Ngoài dịch cho Bộ Ngoại giao, tôi còn có những lần dịch trực tiếp cho Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong các hội nghị quốc tế lớn. Hồi năm 1964, tôi mới về Phòng Phiên dịch của Bộ được 1 năm, đi dịch cho đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu sang Bắc Kinh dự hội nghị khoa học của khối Á-Phi. Tại cuộc mít-tinh nói chuyện với các nhà khoa học và chính khách của nhiều nước, ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu bằng tiếng Pháp, còn tôi dịch “đuổi” tiếng Anh. Đến câu “thế cài răng lược giữa ta và địch”, ông hơi ngập ngừng khi lựa chọn từ tiếng Pháp chevaucher hoặc empiéter, còn tôi lúc đó bỗng “bật” ra được câu tiếng Anh đúng ý: imbricate. Biết được nhiều thứ tiếng cũng rất lợi cho công việc. Một lần nhà ngoại giao của ta và của Trung Quốc nói với nhau bằng tiếng Pháp, tôi cũng có mặt lúc ấy. Bỗng anh bạn Trung Quốc bí một chữ tiếng Pháp, tôi biết và nhắc anh chữ tiếng Pháp ấy, tiện thể tôi nói luôn tiếng Trung về từ đó. Đó là từ mật ong “miel”, tiếng Trung phát âm là “phưng mí”. Một hôm, trong buổi biểu diễn văn nghệ thính phòng chào mừng ông Tổng Giám đốc UNICEF, tôi phải dịch từ “khập khiễng” trong lời bình vở diễn cảnh chồng già vợ trẻ. Nghệ sĩ Đàm Liên đeo trên lưng cái hình nộm bằng vải, tượng trưng cho một ông già ngồi lắc lư trên lưng bà vợ, trông khá là hài hước. Tôi dịch từ trên bằng cả hai thứ tiếng: Anh “ill-assorted” và Pháp “mal-assorti”, các vị khách có mặt hài lòng tán thưởng vì cả hai chữ đó lột tả khá đúng cảnh người vợ trẻ phải cõng ông chồng già đi chơi...
- Đến giờ cụ vẫn miệt mài học thêm mấy ngoại ngữ nữa, mục tiêu của việc học thế để làm gì?
- Lúc anh vào, bà vợ tôi chẳng đã nói luôn với anh là ông nhà tôi biết nhiều ngoại ngữ chẳng để làm gì. Bà ấy chỉ kém tôi có 3 tuổi, đến tuổi già có khi chưa hiểu hết thói quen của nhau đâu anh ạ. Tôi cũng từng tự hỏi cái câu anh hỏi, với tôi có lẽ xuất phát từ hai điểm: Thứ nhất, thói quen say sưa học do đã có chút năng khiếu lại được đi vào ngành nghề phải dùng nhiều ngoại ngữ nên việc học đã trở thành “quán tính” cho đến tận ngày hôm nay. Thứ hai, đây có lẽ là thói quen của riêng tôi, hễ bập vào sách vở, ngoại ngữ là tôi cảm thấy như quên hết những chuyện đời phiền toái, bệnh tật dày vò, cho nên đó còn là liều thuốc bổ, là cơm ăn nước uống hằng ngày. Thêm ngoại ngữ là thêm sự sống khỏe, sống vui. Trước cái đầu gối tôi còn tốt thì hay đi đây đó, thăm thú bạn bè, nay đi lại khó khăn, tai không nghe được nữa, nhưng may mà mắt còn đọc được, đầu óc còn tiếp thu được, tôi ngồi nhà chỉ còn biết đến niềm vui ngoại ngữ thôi anh ạ...
Tạm biệt cụ già khả kính, thầm chúc cụ giữ được sức khỏe cùng sự minh mẫn để tiếp tục học nữa, học mãi!