Ngày 14/8/2015, tại Brussels, các Bộ trưởng Tài chính của khối đồng euro đã chấp thuận kế hoạch trợ giúp Hy Lạp. Gói cứu trợ lên tới 86 tỉ euro trải dài trong vòng 3 năm, trong đó có 10 tỉ euro để tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.
Eurogroupe đã thông qua, như dự kiến, biên bản ghi nhớ giữa Athens và các chủ nợ quốc tế. Trước đó, văn bản này đã được Nghị viện Hy Lạp phê chuẩn bất chấp những bất đồng trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền. Trên nguyên tắc, văn bản này còn phải được Quốc hội Đức và một vài nước khác phê chuẩn. Thế nhưng, ngày 19/8 tới, Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (MES) có thể phê duyệt được đợt hỗ trợ đầu tiên 26 tỉ euro. Như vậy, ngày 20/8, Athens sẽ có 13 tỉ euro để có thể thanh toán những khoản nợ đáo hạn khẩn cấp, trong đó phải trả 3,2 tỉ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE).
Kế hoạch trợ giúp của Eurogroupe là một hình thức giám hộ mà trước đó người dân Hy Lạp đã xuống đường phản đối. Biên bản ghi nhớ gồm 400 trang nêu rất chi tiết những điều kiện cải cách mà Athens phải thực hiện, như giảm bớt chi phí hệ thống hưu trí, tăng thuế, tự do hóa nền kinh tế hay tăng thu cho ngân sách thông qua việc tư nhân hóa một số lĩnh vực. Ngoài ra, các chủ nợ tỏ ra chính xác hơn trong việc ấn định các biện pháp và lịch trình tiến hành. Bốn tổ chức gồm EU, BCE, MES và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ trực tiếp giám sát và kiểm tra.
Tổng thống Pháp François Hollande đánh giá đây là “bằng chứng chỉ rõ châu Âu có khả năng phát triển dựa trên cơ sở nguyên tắc đoàn kết và trách nhiệm”. Điện Elysée đánh giá đây là “bước tiến quyết định mà Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đạt được nhờ tinh thần quyết đoán thực hiện các biện pháp cải cách dũng cảm”. Trái ngược với sự hài lòng tại Eurogroupe và của phe đối lập bảo thủ ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras là sự tức giận của một số nghị sĩ đảng Syriza. Họ chỉ trích người đứng đầu Chính phủ đã từ bỏ những lời hứa chấm dứt chính sách khắc khổ được áp dụng tại Hy Lạp từ 5 năm nay.
Trước đó, ngày 11/8/2015, Hy Lạp đạt được thỏa thuận về kế hoạch cứu trợ thứ ba 82 tỉ euro. Đây là kết quả của hai tuần thương lượng gay go với các chủ nợ (EU, BCE, IMF, MES). Chỉ còn một số chi tiết phải bàn bạc thêm, nhưng các đối tác đã đồng thuận về những điểm chính. “Hy Lạp và các chủ nợ đã thỏa thuận được về khung ngân sách, nhưng các mục tiêu ấn định trước đây đã được hạ xuống. Nếu thặng dư ngân sách cơ bản (có nghĩa là chưa tính đến số tiền để trả nợ) trong ba năm tới vẫn được giữ ở mức 3,5% tổng sản phẩm nội địa, thì các giai đoạn đã dễ thở hơn so với những gì được bàn bạc cho đến nay. Một ví dụ là mức thặng dư cơ bản ấn định cho năm nay chỉ 0,25% so với 1% lúc ban đầu. Việc áp dụng kế hoạch như vậy sẽ bớt ngặt nghèo hơn. Nhưng nhất là, các chủ nợ chấp nhận tính đến những vấn đề kinh tế của Hy Lạp, hiện vẫn đang chậm lại kể từ đầu cuộc thương lượng vào tháng Giêng năm nay.
Chính phủ Alexis Tsipras đã đạt được một thỏa thuận cho toàn bộ những cải cách, vốn là điều kiện của kế hoạch cứu trợ. Văn kiện này sẽ được đưa ra Quốc hội trong tuần, trước khi được Hội đồng Bộ trưởng khu vực đồng euro thông qua vào cuối tuần. Mục tiêu là giúp giải ngân đợt đầu tiên trước ngày 20/8, thời điểm mà Hy Lạp phải hoàn trả trên 3 tỉ euro cho BCE. Hy Lạp và các nhà tài trợ còn đồng ý về việc tư nhân hóa và về phương thức quản lý nợ xấu ngân hàng, hai hồ sơ từ lâu vẫn gây trở ngại trong thương lượng. Các ngân hàng Hy Lạp có thể nhanh chóng được bơm số tiền mặt có thể lên đến 10 tỉ euro.
(Theo AFP, Reuters, RFI)
Quỳnh Anh