Tử vong do bệnh dại tăng, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành rất lớn
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức hôm nay 24/1, TS.BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022.
Các địa phương ghi nhận số trường hợp tử vong cao là Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).
"Đặc biệt theo thống kê có gần 500.000 người dân phải tiêm vaccine phòng dại, với giá mỗi liều từ 1,2 triệu -1,5 triệu đồng. Đồng thời, chúng ta phải tiêm phòng bệnh dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng. Như vậy, dù số tử vong là 82 ca nhưng tổng kinh phí phải chi trả cho bệnh dại rất lớn" - TS Đức nói.
Về tình hình dịch bệnh khác, TS Đức cũng cho biết cơ bản ổn định và được kiểm soát. Tuy nhiên, ông Đức nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn.
Các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024
Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát như cúm, tay chân miệng... Bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ chủ yếu tập trung ở TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam nhưng có nguy cơ lan ra các tỉnh khác trong cả nước. "Năm 2022, nước ta chỉ ghi nhận vài ca nhập cảnh nhưng đến nay đã ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Vì thế, các địa phương cần hết sức lưu ý"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Với các bệnh có vaccine phòng, tỷ lệ tiêm chủng chưa đầy đủ nên vẫn có nguy cơ bùng phát. Các yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân góp phần làm dịch bệnh lan truyền nhanh hơn. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế để chủ động trong công tác phòng chống dịch. Cục Y tế Dự phòng cần phân tích kỹ vì sao bệnh bạch hầu vẫn xảy ra, sốt xuất huyết tăng ở Hà Nội, từ đó xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2024 sát với thực tế, rõ ràng, trong đó củng cố, kiện toàn lại hệ thống giám sát dịch bệnh.
Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng đề nghị cần nhanh chóng tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đồng thời, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở ngành liên quan phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người...
Cùng đó, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus...
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng; khẩn trương lên kế hoạch, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm...
Ngoài ra, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe...