Phát biểu tại buổi lễ Lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022 được tổ chức tại UBND quận Hoàn Kiếm sáng 28/5, bà Lê Thị Thu - Quản lý chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới (với hơn 16 triệu người hút), trong đó 42,3% nam giới và 1,7% nữ giới hút thuốc lá, 28,5 triệu người không hút thuốc lá (với tỷ lệ 53,5%) thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 90% người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi công cộng như nhà hàng, quán bar...; 30,9% phơi nhiễm tại nới làm việc; 47,7% học sinh từ 13-15 tuổi thường xuyên bị hút thuốc lá thụ động tại nhà.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 loại bệnh; 96,8% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, số người tử vong do hút thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam là 40.000 người và con số này có thể gia tăng đến 70.000 vào năm 2030 nếu không có biện pháp hữu hiệu nào được thực thi nhằm ngăn chặn đại dịch này.
Với những người trồng cây thuốc lá, tỷ lệ mắc triệu chứng các bệnh về hô hấp, nôn, đau đầu cũng cao hơn rất nhiều so với những người tiếp xúc với thuốc lá trong quá trình thu hái.
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị liên quan đến hút thuốc lá, giảm sút mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm.
Ở Việt Nam gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá lên tới 25.4000 tỷ đồng (gần 1% GDP cả nước năm 2011), đây là tổng chi phí cho điều trị mà mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Thêm vào đó, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, nung nóng) chưa được phép lưu hành ở Việt Nam nhưng đã thâm nhập vào giới trẻ, nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 2,6% học sinh 13-17 tuổi đang sử dụng các sản phẩm này.
Không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề về sức khỏe, gây gánh nặng về kinh tế, hút thuốc lá còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
"Để sản xuất được 300 bao thuốc lá thì phải mất một cây xanh để có nguyên liệu chế tạo giấy bọc thuốc lá, đầu lọc… Riêng Việt Nam một năm sản xuất 4 tỷ bao thuốc lá, với 4 tỷ bao đó không biết bao nhiêu cây xanh đã bị chặt hạ. Đây là vấn đề môi trường rất lớn trong quá trình sản xuất thuốc lá" bà Thu chia sẻ.
Ngoài ra, các chất thải từ đầu lọc thuốc lá, quá trình phân hủy mất rất nhiều thời gian. Các chất thải từ các loại thuốc lá điện tử rất nguy hại gồm các loại nhựa, kim loại nặng khó phân hủy làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể khói thuốc lá cũng gây ô nhiễm môi trường, gây rất nhiều bệnh tật cho người hít phải.
Một năm có 80 triệu tấn carbon dioxide từ sản xuất thuốc lá thải ra môi trường góp phần rất lớn vào quá trình hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường… Do vậy, tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá để nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu số lượng người hút cần được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.