Hà Nội

"80% thành công chuyển đổi số trong ngành y tế bắt nguồn từ yếu tố phi công nghệ"

26-02-2021 18:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Mỗi người dân sẽ sở hữu một “trợ lý sức khỏe”, việc khám, chữa bệnh sẽ có sự kết hợp của nhiều công nghệ mới như AI. Ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ sẽ giúp tạo ra diện mạo mới cho ngành y tế Việt Nam.

“Những thay đổi của ngành y tế thể hiện sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo Bộ. Đó là người rất cởi mở, tiên tiến, tâm huyết, mong muốn thay đổi ngành bằng công nghệ. Cùng với sự đồng hành của Viettel, ngành y tế đã, đang và sẽ áp dụng rất nhiều công nghệ mới”.

Đó là nhận định của ông Khổng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) sau gần 10 năm các kỹ sư công nghệ đồng hành cùng ngành y tế để tạo ra những thay đổi khó tin về chuyển đổi số cho ngành y.

 

Là một chuyên gia trong việc xây dựng các nền tảng số trong ngành y tế, ông có nhận xét gì về những thay đổi trong việc áp dụng công nghệ 4.0 của ngành y tế trong năm 2020?

Trong năm qua, hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được kết nối. Hệ thống này đang tiếp tục được đầu tư để phát triển và hoàn thiện hơn nữa.

Bên cạnh đó, ứng dụng trong hệ thống tiêm chủng quốc gia không chỉ có tác dụng loại bỏ các giấy tờ thủ tục hành chính mà còn xác định được các vùng lõm tiêm chủng để lên kế hoạch tiêm bù, tiêm ghép.

Đối với dịch vụ đăng ký thuốc của ngành y tế, khi sử dụng AI, hệ thống đăng ký online đã được xây dựng. Hệ thống có thể kiểm tra được toàn bộ hồ sơ doạnh nghiệp đáp ứng hay không đáp ứng. Nếu chưa đáp ứng thì trả lại data cho doanh nghiệp và yêu cầu bổ sung.

Liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, ngành y tế đã áp dụng công nghệ AI trong quá trình chụp X-quang lồng ngực, nhận diện 20 dấu hiệu bệnh. Việc ứng dụng công nghệ trong tầm soát ung thư tuyến giáp cho người dân cũng đang được triển khai tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội…

Nhìn vào những thay đổi đó, có thể thấy ngành y tế đã có một diện mạo mới về công nghệ.

 

Trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi số áp dụng nhiều công nghệ 4.0 trong ngành y, Viettel là một đơn vị chủ lực và thực hiện rất thần tốc, suôn sẻ. Điều gì đã giúp Viettel làm được điều đó?

Đầu tiên và quan trọng nhất trong các dự án chuyển đổi số là quyết tâm của người đứng đầu và các cấp lãnh đạo ngành y tế. Họ là những người cởi mở, tiên tiến và tâm huyết với việc đổi mới ngành y tế bằng công nghệ. Đây là nhân tố giúp không chỉ Viettel mà các công ty công nghệ khác có thể thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số thành công.

Thứ hai, đó là sự hỗ trợ về mặt nghiệp vụ và quy trình của các đơn vị trong ngành y khi thực hiện các dự án chuyển đổi số, bởi khó khăn lớn nhất là về nghiệp vụ cũng như quy trình.

Về mặt bối cảnh khách quan thì khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu như ai cũng nhận thức được rằng nhiều vấn đề sẽ bất khả thi nếu không áp dụng công nghệ. Đây cũng là tác nhân giúp cho các dự án áp dụng công nghệ 4.0 cho các nền tảng số ngành y tế được thúc đẩy nhanh hơn.

Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy các dự án chuyển đổi số nói chung, trong đó có ngành y tế nói riêng cũng tác động rất lớn đến quá trình tiến hành dự án. Các đối tác của ngành y tế cũng rất tích cực đóng góp khi chuyển đổi số.

Về phía Viettel, để thực hiện thần tốc các dự án chuyển đổi số cho ngành y tế, nhiều công nghệ 4.0 và những nền tảng số đã được Viettel chuẩn bị từ trước đó vài năm và đến năm 2020, vào đúng lúc xảy ra đại dịch Covid-19 thì sự chuẩn bị này được đưa vào thực tế với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây.

 

Các công nghệ và nền tảng về Cloud, IoT, Big Data, AI, thực tế ảo, các công nghệ  xác thực, Telehealth, nhận dạng giọng nói, hình ảnh… đã được thử nghiệm và xây dựng từ trước nên khi vận hành mới nhanh và trơn tru như vậy. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ và phối hợp nhiệt tình của các chuyên gia y tế chiếm vai trò rất quan trọng để có thể thực hiện các dự án thần tốc và suôn sẻ.

Chưa hết, chúng tôi không đi một mình mà còn kết hợp với các tổ chức y tế của Pháp, Mỹ. Những chuyên gia này đều trực tiếp tham gia làm nghiệp vụ cùng Viettel và ngành y tế. Đó cũng là điểm sáng giúp Viettel đi nhanh hơn.

Do vậy, nếu nói một cách khách quan, 80% thành công trong các dự án chuyển đổi số ngành y tế xuất phát từ những chuyển đổi quan trọng không phải công nghệ của các y bác sĩ; Viettel chỉ đóng góp 20% còn lại với các giải pháp mang tính kỹ thuật mà thôi.

 

Theo ông, hiệu quả lớn nhất mà ngành y tế sẽ nhìn thấy rõ khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là gì?

Mỗi người từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến lúc qua đời đều có liên quan đến ngành y tế. Vì vậy, đây là ngành tác động sâu, rộng đến cuộc sống của từng cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề năng suất lao động trong ngành y lại ít được đề cập đến.

Ví dụ, mỗi bác sĩ siêu âm cần một điều dưỡng ghi lại kết quả của bệnh nhân trên máy tính. Hoặc các số liệu để xây dựng mô hình bệnh tật của Việt Nam được cập nhật có độ trễ rất lớn (2 năm). Thậm chí, số liệu do con người báo cáo và chỉnh sửa nhiều cấp nên rất dễ dẫn đến tình huống đưa ra quyết định sai nếu dựa trên các số liệu này.

Với việc áp dụng công nghệ 4.0, những bài toán này và nhiều vấn đề phức tạp hơn nữa của ngành y tế sẽ được giải quyết tốt hơn, giúp nâng cao năng suất lao động của nhân viên toàn ngành. Ví dụ khi nhập liệu, bác sĩ chỉ cần đọc kết quả, hệ thống sẽ tự động chuyển âm thanh thành văn bản; nhờ đó năng suất sẽ cao hơn rất nhiều

Ngoài ra, công nghệ còn giúp ngành y tế xóa nhòa khoảng cách bởi ưu điểm kết nối nhanh và tăng cường khả năng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, với Telehealth là một ví dụ điển hình.

Trong năm 2021, các dự án chuyển đổi số nào sẽ được Viettel phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh?

Trong năm 2021, nhiều dự án sẽ được đẩy mạnh và củng cố, đặc biệt là Telehealth. Thứ hai là hồ sơ sức khỏe cá nhân, đảm bảo quản lý được hơn 90 triệu dân. Thứ ba là đẩy mạnh hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về Dược, về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng. Ngoài ra, các nền tảng về hệ thống thông tin cho trạm y tế xã, bệnh viện sẽ có cổng AI hỗ trợ, ứng dụng mạnh công nghệ IoT, đưa các thiết bị y tế đến với người dân.

 

Mục tiêu tiếp theo của Viettel trong việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ cho ngành y tế là gì?

Với vai trò là đơn vị công nghệ, sở hữu hạ tầng kết nối và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực y tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành y trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0 với giấc mơ mỗi người dân chủ động chăm sóc sức khỏe và vì một Việt Nam luôn khỏe mạnh.

Thứ nhất, chúng tôi mong muốn tạo ra “trợ lý sức khỏe” cho người dân. Họ có thể sử dụng công nghệ để kết nối với bác sĩ, cơ sở y tế để được tư vấn. “Trợ lý” này có thể giải quyết được việc tầm soát, sàng lọc bệnh cho người dùng. Ví dụ, một người khi nhập các chỉ số tiền sử gia đình sẽ ra tỷ lệ mắc bệnh, nhập thêm chỉ số BMI, các chỉ số sinh tồn, huyết áp, hành vi lối sống sẽ cho ra tỷ lệ nào đó. Từ đó, trợ lý này sẽ khuyên họ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nào hay phải đến bệnh viện.

Thứ 2, chúng tôi sẽ xây dựng “trợ lý” cho bác sĩ, cho ngành y tế. Ngành y tế có rất nhiều các trường hơp điển hình về ca mổ, dấu hiệu bệnh, thông tin tiền sử bệnh tật, thông tin liên quan chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, chỉ số sinh tồn. Để khám, chữa bệnh hiệu quả, các bác sĩ phải tra cứu được những thông tin này. Ngoài ra, trợ lý có thể đưa ra gợi ý về sự tương tác, phản ứng phụ nếu kết hợp các loại thuốc khi kê đơn. Chúng tôi rất muốn công nghệ sẽ giúp các bác sĩ những công việc này.

Thứ ba là xây dựng trợ lý đối với ngành y tế từ cấp xã, huyện, tỉnh đến trung ương. Công nghệ sẽ giúp tầm soát, sàng lọc từng khu dân cư. Muốn xây dựng mô hình bệnh tật cho từng khu vực, chúng ta cần phân tích dữ liệu rất rõ ràng bằng con số, kết hợp các ngưỡng. Ví dụ, trong lĩnh vực tiêm chủng, công nghệ phải chỉ được ra thế nào là vùng lõm tiêm chủng, vùng này đang có vấn đề gì, phương án giải quyết ra sao.

Làm thế nào có thể đảm bảo cho việc vận hành hiệu quả, an toàn các công nghệ 4.0 trong ngành y tế?

Việc xây dựng các ứng dụng chỉ là một giai đoạn. Tiếp sau đó, chúng tôi cần có các giai đoạn triển khai, đào tạo, duy trì, đảm bảo an ninh, an toàn. Đó là hành trình dài và chúng tôi xác định cần phải làm thường xuyên. Đặc biệt là việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống dữ liệu.


 


Thu Hằng (thực hiện)
Ý kiến của bạn