Hà Nội

80% BN viêm cơ tim cấp được cứu sống bằng ECMO, không để lại di chứng

18-09-2015 08:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong 2 năm gần đây, ECMO đã cứu sống nhiều trường hợp 'thập tử nhất sinh', trong đó có những ca bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, suy hô hấp cấp rất nặng, biến chứng tràn khí màng phổi… BN hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng.

Với những bệnh nhân suy tuần hoàn cấp tính ‘thập tử nhất sinh’, cơ hội sống sót gần như không có thì ECMO là cứu cánh cuối cùng cho họ. Trong 2 năm gần đây, kỹ thuật rất khó này đã cứu sống 60 người, trong đó có những ca bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, suy hô hấp cấp rất nặng, biến chứng tràn khí màng phổi… đã hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng.

 

Vừa ép tim vừa làm ECMO cho bệnh nhân viêm cơ tim cấp biến chứng sốc tim.

Thông tin tại Hội thảo giới thiệu kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) trong hồi sức tim - phổi, GS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai cho biết, ở Việt Nam kỹ thuật ECMO chưa được áp dụng rộng rãi, mới chỉ được triển khai tại một số đơn vị hồi sức lớn như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức. Từ năm 2010, khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đã bắt đầu nghiên cứu áp dụng kỹ thuật này. Trong hai năm gần đây, kỹ thuật này đã được tiến hành thường quy hơn nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị của bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp tính.

“Số lượng bệnh nhân sốc tim nặng do viêm cơ tim cấp, nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng đã được tiến hành gần 60 người, trong đó khoảng 80% số bệnh nhân viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim (đặc biệt một số bệnh nhân đã ngừng tim vừa tiến hành ép tim vừa thực hiện ECMO) đã được cứu sống mà không để lại di chứng gì. Khoảng gần 40% số bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp đã được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO kết hợp với các biện pháp can thiệp mạch vành. 8 trường hợp suy hô hấp cấp rất nặng, biến chứng tràn khí màng phổi mà không đáp ứng với các biện pháp thở máy (những trường hợp này trước đây chắc chắn tử vong) thì có 4 trường hợp đã được cứu sống, hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng”- GS. Châu cho hay.

Có thể tiến hành cùng lúc 4 ca ECMO, chi phí thấp

Tuy là một kỹ thuật khá khó và phức tạp, chi phí điều trị rất lớn trên thế giới nhưng theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, các y bác sĩ BV Bạch Mai đã nghiên cứu áp dụng thành công trong hoàn cảnh Việt Nam với chi phí thấp hơn nước ngoài. Sau 3 năm triển khai kỹ thuật thành thường quy, khoa Hồi sức tích cực có đủ phương tiện để tiến hành đồng thời 4 ca ECMO một cách thuận tiện.

“Ngoài các thành công điều trị, nghiên cứu bước đầu trong điều trị cho thấy ECMO có thể áp dụng tốt ở Việt Nam với mức chi phí giảm hơn nhiều so với các nước Âu Mỹ (giá thành tại Việt Nam khoảng 800 triệu – 1 tỉ/ca so với 10-20 tỉ đồng ở Mỹ). Kết quả ban đầu này được chuyên gia hồi sức trên thế giới đánh giá cao khi tham gia báo cáo tại Hội nghị Hồi sức thế giới tháng 9/2015 tại Hàn Quốc”- PGS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

80% BN viêm cơ tim cấp được cứu sống bằng ECMO, không để lại di chứng

Bệnh nhân suy tạng được cứu sống nhờ ECMO, với rất nhiều phương tiện hỗ trợ.

Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi hơn nữa kỹ thuật ECMO, giúp cứu sống nhiều người bệnh, các chuyên gia hồi sức cho rằng, hiện nay trên thế giới đều thống nhất tiến hành kỹ thuật này sớm, ngay sau khi đã áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực mà không hiệu quả, tình trạng hô hấp hay tuần hoàn vẫn trong tình trạng nguy kịch; cần tiến hành ngay khi chưa có suy đa tạng vì nếu để muộn hơn, tỉ lệ thành công thấp và nhiều biến chứng, tốn kém hơn.

Đây là kỹ thuật cao, khó khăn và phức tạp nên đòi hỏi phải có đội ngũ có hiểu biết sâu sắc về bệnh học, am hiểu và nhạy bén trong xử lý các tình huống mới có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời. Phải có đội ngũ tập hợp thành nhóm gồm bác sĩ, điều dưỡng, hồi sức, phẫu thuật tim mạch, huyết học, chống nhiễm khuẩn, siêu âm…

Đồng thời, kỹ thuật này phải được tập huấn thành thạo cho nhiều người, các bác sĩ và điều đưỡng vì kỹ thuật này tiến hành trong nhiều ngày, nhiều tuần. Tiến hành ở nơi có điều kiện đồng bộ, máy, trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ, con người luôn sẵn sàng 24/24h. Thêm nữa, kỹ thuật ECMO đòi hỏi chi phí lớn, BHYT cần tham gia chi trả kỹ thuật cao này (tuy kỹ thuật này đã có trong danh mục chi trả từ năm 2013 nhưng cho đến nay chưa thực hiện).

Vài nét về kỹ thuật ECMO

Theo TS. Đào Xuân Cơ, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, mỗi năm có hàng trăm bệnh nhân nặng tử vong vì suy tuần hoàn cấp tính mà sau khi đã sử dụng nhiều thuốc trợ tim, hoặc tử vong do thiếu oxy nặng (suy hô hấp cấp đặc biệt là trong các vụ dịch cúm) tại các khoa Hồi sức. Biện pháp kỹ thuật cao cuối cùng để chữa cho các bệnh nhân này là kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể hay còn gọi là tim phổi nhân tạo (ECMO), đã được áp dụng trên thế giới từ hơn 30 năm nay.

Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật này là máu được hút ra từ một tĩnh mạch lớn sau đó được bơm (đóng vai trò tim nhân tạo) đến màng trao đổi oxy (phổi nhân tạo), máu giàu oxy trở về cơ thể qua tĩnh mạch hoặc động mạch lớn, đồng thời khí CO2 được thải ra ngoài. Trong trường hợp áp dụng kỹ thuật này, tim, phổi được nghỉ để chờ chữa trị nguyên nhân và hồi phục. Sau khi tim phổi hồi phục tiến hành cai dần và rút hệ thống ECMO.

Dương Hải

 


Ý kiến của bạn