80% bệnh nhân đột quỵ gánh di chứng nặng nề về chức năng vận động

13-04-2016 09:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên khả năng hồi phục của chi trên sau đột quỵ rất thấp

Hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên khả năng hồi phục của chi trên sau đột quỵ rất thấp

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ diễn ra tại Hà Nội ngày 12/4.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ chung toàn cầu tăng tăng lên, kéo theo đó, nguy cơ đột quỵ và các bệnh thoái hóa thần kinh cũng gia tăng theo tuổi tác. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và gây ra những hậu quả khuyết tật nghiêm trọng cho người bệnh.

“Tương tự tại Việt Nam, với sự tiến bộ về y học cùng các phương tiện chẩn đoán và trang thiết bị điều trị hiện đại, số người bị đột quỵ được cứu sống ngày càng nhiều. Đồng nghĩa với tỷ lệ người bị di chứng và tàn tật do đột quỵ cũng tăng lên”- TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai nói

Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 200.000 người bị tình trạng này, khoảng 50% số họ tử vong. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ thì vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có thể mang di chứng. “Nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng vận động như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt cảm xúc ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống”- TS Khanh thông tin.

Theo TS Andreas Winkler, Chủ tịch hội nghiên cứu lâm sàng trong phục hồi chức năng thần kinh Áo, Giám đốc, trưởng khoa phục hồi chức năng thần kinh, Viện Bad Pirawarth Áo cũng nhấn mạnh, việc dự phòng đột quỵ là biện pháp tốt nhất nhưng hàng năm trên thế giới có trên 11,5 triệu bệnh nhân đột quỵ. Vì thế, việc phục hồi chức năng sau đột quỵ cấp rất cần được quan tâm.

Chăm sóc người bệnh bị đột quỵ

Theo chuyên gia này, hiện nay 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động/di chuyển, nhất là chi trên, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên khả năng hồi phục của chi trên sau đột quỵ rất thấp.

Một tuần sau đột quỵ, 60% bệnh nhân bị mất chức năng của chi trên chưa thể hồi phục; 18 tháng sau hơn một nửa bệnh nhân có chức năng hoạt động của tay bị hạn chế và sau 4 năm chỉ 50% có chức năng tương đối tốt.

Theo TS Lương Tuấn Khanh cho biết, để có hiệu quả cao việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân cần được thực hiện sớm nhất có thể, tốt nhất là bắt đầu sau 3 ngày bệnh nhân được cấp cứu đột quỵ. Tuy nhiên, điều này thực hiện không phải dễ trong điều kiện của các bệnh viện trong nước còn quá tải.

Phục hồi chức năng là một nhu cầu cấp bách nhằm giảm tối đa các di chứng. Một chương trình hợp tác giữa các chuyên gia hai nước Việt Nam và Áo được thực hiện nhằm đào tạo kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ đến tận tuyến y tế cơ sở và cả những người trực tiếp chăm sóc phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở gia đình. Việc phục hồi phải toàn diện, phối hợp nhiều lĩnh vực: y học (như điều trị co cứng, điều trị hội chứng loạn dưỡng, phòng và điều trị các biến chứng do rối loạn nuốt…), vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, chỉnh hình, tư vấn tâm lý, xã hội học…

Quá trình phục hồi vận động xảy ra phần lớn trong 3- 6 tháng đầu, và có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng.

Thái Bình
Ý kiến của bạn