Hà Nội

80% bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép ven sông: Đe dọa an toàn đê điều trước mùa mưa bão

28-05-2020 10:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất thải lớn đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê điều, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ bãi, cản trở dòng chảy, tác động tiêu cực đến khả năng phòng chống lũ trên các tuyến sông.

Trên toàn địa bàn thành phố có 205 bãi tập kết vật liệu xây dựng ven các sông, trong đó có 169 bãi tập kết vật liệu xây dựng đang hoạt động. Qua kiểm tra, rà soát, có đến 135/169 bãi không có phép.

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê điều

Đó là phát biểu của ông Trần Thanh Mẫn - Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngày 26/5/2020 liên quan đến những công trình vi phạm đê điều, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ trên địa bàn thành phố. Theo ông Trần Thanh Mẫn, trên toàn địa bàn thành phố có 205 bãi tập kết vật liệu xây dựng ven các sông, trong đó có 169 bãi tập kết vật liệu xây dựng đang hoạt động. Qua kiểm tra, rà soát, có đến 135/169 bãi không có phép.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Theo báo cáo của Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội, chiếm số lượng nhiều nhất là các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dọc sông Hồng với tổng số 132 bãi; tiếp đến là các tuyến sông Đuống (37 bãi), sông Cà Lồ (6 bãi), sông Cầu (4 bãi), sông Vân Cốc (7 bãi) và sông Đà (2 bãi).

Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông chính trên, hiện nay trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa phận các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa tồn tại 15 điểm tập kết nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê. Huyện Ba Vì, trên tuyến đê cấp IV thuộc địa phận xã Minh Quang - Khánh Thượng, hiện cũng có 7 điểm kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng. Trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã đảo Minh Châu hiện có 1 điểm tập kết. Qua kiểm tra, toàn bộ 8 điểm tập kết này đều hoạt động không phép.

Ông Trần Thanh Mẫn đánh giá, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất thải lớn đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê điều, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ bãi sông, cản trở dòng chảy của lòng sông, tác động tiêu cực đến khả năng phòng chống lũ trên các tuyến sông, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Cùng với đó, Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020. Trên cơ sở đó, xác định được 4 điểm trọng điểm, 12 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê, phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2020.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có đến hơn 625km đê điều, bằng số lượng của 8 tỉnh phía Bắc cộng lại, nên có nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan

Thông tin về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên toàn địa bàn thành phố, nhất là mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định tình hình thời tiết thủy văn năm nay sẽ diễn biến khó lường, trong đó đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, lũ lớn, lũ muộn... gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị kiện toàn các tổ chức phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả với mọi diễn biến thiên tai có thể xảy ra.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành điều tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố; quy trình tích nước và vận hành; các vấn đề hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứ trong mùa lũ năm 2020. Xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2020.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn