Suy giảm thính giác là một trong những chứng bệnh bị tác động bởi khá nhiều nguyên nhân khách quan và các yếu tố của môi trường sống. Để hạn chế sự tác động có hại này, các nhà khoa học thuộc Trường đại học Queen Elizabeth - Birmingham - Anh đã thống kê một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới tình trạng suy giảm thính giác phổ biến cần sớm được nhận biết.
Lạm dụng thuốc Tây
Bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những tác dụng và tác hại nhất định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau ibuprofen, aspirin..., thuốc kháng sinh và một số thuốc có chứa platinum khác có thể gây ra ảnh hưởng tới thính giác. Một bệnh nhân người Mỹ tên là Shannon Menosky trong quá trình điều trị bệnh đã phải uống tới 50 viên thuốc điều trị và thuốc giảm đau mỗi ngày. Sau một thời gian, bệnh nhân này tìm đến các bác sĩ điều trị với dấu hiệu gần như bị điếc. Kiểm tra tác dụng của thuốc mà bệnh nhân đã uống, các bác sĩ cho biết: chính các thành phần trong thuốc đã phá hủy các tế bào lông cảm nhận âm thanh trong tai trong của bệnh nhân và gây ra tình trạng điếc.
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân khác, các nhà khoa học thuộc Khoa dược Trường đại học tổng hợp Harvard - Mỹ cũng tìm thấy các thành phần của một số loại thuốc Tây có ảnh hưởng hạn chế thính giác của người bệnh, đặc biệt là các thành phần như aminoglycoside (dạng phổ biến trong các loại thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng). Với một liều lượng cao hơn mức bình thường và sử dụng trong thời gian dài có thể khiến người bệnh bị mất chức năng thính giác vĩnh viễn.
Thuốc lá - Kẻ thù của sức khỏe
Không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư, thuốc lá còn có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới các mạch máu bên trong ốc tai, khiến cho quá trình lưu thông máu trong tai bị cản trở, kèm theo tình trạng thiếu ôxy. Ngoài ra, chất nicotin có trong khói thuốc lá có thể gây ra hiện tượng co nhẹ mạch máu, tạo ra hiện tượng ù tai, giảm chức năng nghe. Những người có thói quen nghiện thuốc lá, khi già thường có tỷ lệ mắc bệnh điếc cao hơn người bình thường.
Tác động của nghề nghiệp
Công việc có ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là những người làm việc trong những môi trường độc hại, nhiều tiếng ồn. Theo thống kê của các tổ chức chăm sóc sức khỏe thì những người làm việc trong các lĩnh vực âm nhạc, công nhân xây dựng, công nhân trong các xí nghiệp sản xuất và các đội cứu hỏa là những người có tỷ lệ mắc chứng suy giảm thính giác cao nhất do thường xuyên phải tiếp cận với tiếng ồn. Với những loại tiếng ồn có cường độ lên tới 70 - 90db (decibels) có tác hại rất lớn tới tai người nghe. Những âm thanh này có thể gây tổn thương cho các tế bào thính giác bên trong tai.
Tai nghe
Các bác sĩ chuyên khoa và một số nhà thần kinh học tại Mỹ đã chỉ ra rằng: việc nghe nhạc bằng tai nghe trong hàng giờ đồng hồ có thể gây ảnh hưởng và gây ra tình trạng suy giảm thính giác. Các biểu hiện phổ biến của việc lạm dụng tai nghe đó là hiện tượng ù tai, mất tập trung khi nghe. Ngoài ra, nhiều nghiêu cứu còn chỉ ra rằng: việc nghe tai phone trong khi làm việc hoặc lái xe cũng khiến mất tập trung và dễ gây ra tai nạn. Đặc biệt, trong trường hợp nghe với cường độ âm thanh lớn, hoặc các loại nhạc mạnh như rock... rất dễ làm thay đổi cảm nhận về âm thanh của người nghe và khiến cho bệnh nhân khó nhận biết âm thanh hơn, sau khi bỏ tai nghe.
Đái tháo đường
Đái tháo đường gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể người bệnh, trong đó có cả ảnh hưởng gây suy giảm thính giác. Nguyên nhân là vì căn bệnh này có thể khiến cho các mạch máu bên trong tai hoạt động không bình thường, máu khó lưu thông, hoặc các mạch máu bị thu hẹp gây cản trở máu cung cấp cho vùng tai trong, cũng như cản trở quá trình loại bỏ chất độc trong máu, từ đó gây tổn thương các tế bào trong tai. Biến chứng của đái tháo đường có thể khiến cho người bệnh bị mất đi chức năng thính giác vĩnh viễn.
Chứng bệnh thiếu máu
Bệnh nhân bị mắc chứng thiếu máu không chỉ rơi vào tình trạng mệt mỏi mà còn bị nhiều ảnh hưởng xấu khác. Khi thiếu máu, các tế bào hồng cầu (vốn có nhiệm vụ đem ôxy và dinh dưỡng tới các tế bào sống trong cơ thể) cũng bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng. Điều này dẫn tới việc các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu và ôxy, đồng thời khó loại bỏ các chất thải độc trong máu hơn.
Tiếp xúc với môi trường tiếng ồn
Không chỉ có công việc mà ngay cả những âm thanh ở những khu vực công cộng, chẳng hạn như ở nhà ga, sân bay, tàu điện ngầm... cũng tác động đến thính giác của con người. Tại các khu vực này, âm thanh thường rất hỗn tạp, cường độ cao, rất dễ gây căng thẳng thần kinh. Đây cũng chính là lý do khiến cho tai rất dễ bị ù, mất tập trung và bị tổn thương.
Lái xe với tốc độ cao
Khi đi trên đường cao tốc, đặc biệt là khi điều khiển các loại xe mui trần, tốc độ gió và ma sát với không khí rất lớn. Đây là một trong những yếu tố khá phổ biến gây ù tai và nhức đầu cho người điều khiển phương tiện giao thông. Nghiên cứu cho biết, với tốc độ từ 80 - 112km/giờ có thể khiến cho tai bị tác động tương đương với những âm thanh có cường độ lên tới 70db. Tác động của âm thanh với cường độ này sẽ gây ra hiện tượng ù tai, khó nghe. Với cường độ lớn hơn một chút, mức trung bình khoảng 85db đã có thể gây mất khả năng nghe của tai.
Lê Huyền (Theo ABC News)