Thất bại điều trị có thể được phân loại là do virus (liên quan đến virus), do miễn dịch (liên quan đến hệ thống miễn dịch) hoặc cả hai. Nếu điều trị thất bại, bước đầu tiên là xác định các yếu tố có thể góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trong hầu hết các trường hợp, sự thất bại sẽ là kết quả của việc tuân thủ thuốc kém, trong đó liều thuốc thường xuyên bị bỏ sót hoặc việc điều trị bị gián đoạn.
1. Bỏ liều thuốc có thể dẫn đến thất bại điều trị HIV
Thuốc trị HIV hoạt động bằng cách làm chậm tốc độ virus có thể tạo ra các bản sao của chính nó trong cơ thể. Khi bạn bỏ qua một liều thuốc, sẽ tạo cơ hội cho HIV tăng số lượng, nhân bản trong cơ thể.
Càng tạo ra nhiều bản sao thì khả năng virus sẽ biến đổi thành loại có thể kháng thuốc càng lớn, nghĩa là thuốc điều trị HIV hiện tại sẽ không còn tác dụng nữa.
Bỏ liều thuốc điều trị HIV có thể gây kháng thuốc, khiến bạn có ít lựa chọn điều trị hơn.
2. Kháng chéo
Khi virus chuyển sang dạng kháng lại thuốc điều trị HIV, nó cũng có thể chống lại các loại thuốc điều trị HIV khác, ngay cả khi bạn chưa từng dùng chúng trước đây. Điều này được gọi là kháng chéo. Đây là một lý do khác khiến bạn không nên bỏ liều, vì nó có thể mang lại cho bạn ít lựa chọn điều trị hiệu quả hơn.
3. Thực phẩm ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị HIV
Một số loại thuốc điều trị HIV di chuyển vào máu dễ dàng hơn nếu uống thuốc khi bụng đói, trong khi những loại khác hoạt động tốt hơn khi được uống cùng thức ăn.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về thời điểm uống thuốc. Ngoài ra, người có HIV cũng nên thảo luận với bác sĩ xem có cần tránh thực phẩm nào không.
Một số thực phẩm như nước ép bưởi, có thể cản trở hiệu quả hoạt động của thuốc điều trị HIV.
Nước ép bưởi ảnh hưởng tới hoạt động của thuốc.
4. Lạm dụng rượu
Gan giúp cơ thể loại bỏ chất thải từ thuốc trị HIV. Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương gan, khiến gan không thể thực hiện tốt chức năng của mình.
Nếu bạn dùng chung kim tiêm, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng gây viêm gan, một tình trạng khác gây tổn thương gan.
Say rượu cũng có thể khiến bạn khó uống thuốc đúng cách hơn.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc điều trị HIV có thể gây ra các vấn đề khác như tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu hoặc đau nhức cơ thể. Nếu các tình trạng này đủ trầm trọng có thể khiến bạn không muốn dùng thuốc.
Tuy nhiên, có những cách để khắc phục các bất lợi này. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm cách quản lý chúng. Bạn hãy tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ và không được tự ý ngừng dùng thuốc.
6. Tương tác thuốc
Các loại thuốc khác bạn dùng có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị HIV. Điều này bao gồm thuốc theo toa, thuốc bạn mua không cần kê đơn để trị các chứng bệnh thông thường, thảo mộc và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Chúng có thể khiến việc điều trị của bạn không còn hiệu quả hoặc việc kết hợp các loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ mới. Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn dùng, thậm chí ngay cả đó chỉ là vitamin. Đừng bắt đầu dùng thứ gì mà không hỏi bác sĩ xem nó có ảnh hưởng đến việc điều trị HIV của bạn hay không.
7. Mệt mỏi
Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi phải uống thuốc mỗi ngày, đặc biệt nếu bạn đã dùng thuốc trong thời gian dài. Điều này được gọi là "mệt mỏi do dùng thuốc" hoặc "mệt mỏi do điều trị".
Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra cách dùng thuốc để nó trở thành thói quen và không cảm thấy phiền phức. Ngoài ra, nếu bạn đang uống vài loại thuốc điều trị HIV mỗi ngày, hãy trao đổi với bác sĩ xem có thể đơn giản hóa hơn không, như dùng viên phối hợp, thuốc tác dụng kéo dài hay thuốc tiêm… để hạn chế số viên thuốc và số lần dùng thuốc trong ngày.
8. Căng thẳng
Căng thẳng, trầm cảm, các bệnh tâm thần khác và thậm chí cả cảm giác xấu hổ, tự kỳ thị về việc nhiễm HIV… có thể khiến bạn khó tiếp tục điều trị.
Điều trị và hỗ trợ sức khỏe tâm thần có thể mang lại sự tự tin và nhẹ nhõm hơn cho bạn. Điều này cũng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng nhiễm HIV của mình. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc, liệu pháp và các nguồn lực khác có thể giúp ích cho bạn.
Thất bại điều trị cũng có thể xảy ra ở những người tuân thủ đầy đủ, thường là sau nhiều năm điều trị. Tuy nhiên, nếu thất bại điều trị xảy ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn thì việc tuân thủ điều trị kém hầu như luôn đóng vai trò quan trọng.
Thuốc điều trị HIV có thể giúp bạn khỏe mạnh, sống lâu và giúp ngăn chặn virus lây lan sang người khác qua quan hệ tình dục. Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo thuốc điều trị HIV sẽ hoạt động tốt là tuân thủ lịch trình điều trị của bạn. Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Bạn có thể đặt báo thức để nhắc nhở mình hoặc kết hợp báo thức với một phần khác trong thói quen của bạn, như đánh răng hoặc pha cà phê. Sử dụng hộp thuốc để giúp bạn theo dõi liều lượng của mình.
Ngoài ra, luôn mang thêm thuốc bên mình trong trường hợp bạn đi ra ngoài khi đến lúc phải uống thuốc.
Mời độc giả xem thêm video:
Báo Động Lây Nhiễm HIV Đang Gia Tăng Trong Nhóm MSM |SKĐS