Hà Nội

8 xu hướng về dân số và sức khỏe trong thế kỷ 21

20-04-2023 08:57 | Quốc tế
google news

SKĐS - Dân số thế giới tiếp tục tăng từ con số 8 tỷ người. Con người sẽ ngày càng sống lâu hơn, đẻ ít hơn, già hóa dân số,... là một số xu hướng về dân số và sức khỏe trong kỷ nguyên chúng ta đang sống.

Việt Nam gia nhập các quốc gia có dân số trên 100 triệu người: Cơ hội nào cho các quốc gia đông dân?Việt Nam gia nhập các quốc gia có dân số trên 100 triệu người: Cơ hội nào cho các quốc gia đông dân?

SKĐS - Theo LHQ, dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Top 14 quốc gia đông dân nhất (trên 100 triệu dân) hiện nay gồm những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga và Nhật Bản.

Những xu hướng sau về dân số và phát triển là những điều mà ít nhất 8 tỷ người trên hành tinh của chúng ta hiện nay đang và/hoặc sẽ trải qua trong thế kỷ 21.

1. Nhịp độ tăng dân số thế giới sẽ chậm lại

Dân số thế giới sau khi đạt mốc 8 tỷ người sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ tỷ lệ sinh giảm xuống trên toàn cầu, tỷ lệ tăng dân số đang chậm lại.

Sự thay đổi dân số toàn cầu là do hai yếu tố: mức sinh và mức tử vong. Nếu số ca sinh hàng năm nhiều hơn số ca tử vong, thì dân số sẽ tăng lên.

Trong khi sự cân bằng dân số phụ thuộc vào bối cảnh - bao gồm các yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế và chính trị - sự thay đổi dân số tuân theo các mô hình nhất định, được gọi là quá trình chuyển đổi nhân khẩu học.

Quá trình chuyển đổi nhân khẩu học bắt đầu khi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống và giáo dục được cải thiện (và mở rộng các lựa chọn, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái) dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp hơn, tuổi thọ cao hơn và tỷ lệ sinh con ít hơn.

Ban đầu, nhờ điều kiện sống và chăm sóc y tế tốt hơn, tỷ lệ tử vong giảm đã thúc đẩy gia tăng dân số ngoạn mục, với tỷ lệ tăng dân số đạt đỉnh 2,1%/năm từ năm 1962-1965. Từ năm 1950-1987, dân số thế giới tăng gấp đôi từ 2,5 tỷ lên 5 tỷ người.

8 xu hướng về dân số và sức khỏe trong thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Trong thế kỷ 21, người dân sẽ sống thọ hơn, phụ nữ sinh ít con hơn,... là những xu hướng về dân số và phát triển.

Khi tỷ lệ sinh con của mỗi gia đình bắt đầu giảm xuống từ thế hệ này sang thế hệ khác, tốc độ gia tăng dân số bắt đầu chậm lại. Vào năm 2020, lần đầu tiên tỷ lệ gia tăng dân số giảm xuống dưới 1%/năm kể từ những năm 1950.

Trong vài thập kỷ tới, đà tăng dân số sẽ giúp dân số thế giới tiếp tục tăng. Mặc dù tỷ lệ sinh con trên mỗi phụ nữ ít hơn nhưng thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến số ca sinh nhiều hơn số ca tử vong hàng năm.

Ngay cả khi mức sinh giảm xuống mức thay thế (2 con/phụ nữ) ở tất cả các quốc gia hiện nay có mức sinh cao hơn thế, thì vẫn có đủ trẻ em sinh ra giúp dân số thế giới gia tăng đến ít nhất năm 2060.

8 xu hướng về sức khỏe và dân số cho thế giới 8 tỷ người - Ảnh 1.

Sau 60 năm, tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,3% xuống còn 0,8%.

Tuy nhiên, khi mức sinh tiếp tục giảm, và tuổi thọ tăng lên, người cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong dân số của chúng ta.

UNFPA dự đoán, dân số thế giới sẽ đạt mức cao nhất là 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến cuối thế kỷ này.

2. Phụ nữ sinh ít con hơn

Tỷ lệ sinh toàn cầu - số ca sinh trung bình trên một phụ nữ - đã giảm trong nhiều thập kỷ.

Những yếu tố tác động đến giảm tỷ lệ sinh nở là do phụ nữ ngày càng học cao lên (đại học, cao học, tiến sĩ,..), tham gia lực lượng lao động, trì hoãn kết hôn và sinh con và dễ dàng tiếp cận với các biện pháp tránh thai.

Trở lại những năm 1950, mức sinh toàn cầu là 5 ca sinh trên một phụ nữ. Tính đến năm 2022, tỷ lệ này là 2,3 con/phụ nữ và dự kiến sẽ giảm xuống 2,1 ca sinh/phụ nữ vào năm 2050.

Do số trẻ em sinh ra tương đối ít hơn, trong khi tuổi thọ trung bình cao hơn thúc đẩy dân số thế giới ngày càng già đi, thì tỷ lệ trẻ em (độ tuổi từ 0-14) trong dân số toàn cầu đang giảm xuống.

Trên toàn cầu, chúng ta đang tiến gần đến mức sinh thay thế, nghĩa là về lâu dài, dân số thế giới không còn tăng nữa mà giữ nguyên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tỷ suất sinh để dân số giữ nguyên (không tăng) là khoảng 2,1 ca sinh trên một phụ nữ.

Ở một số quốc gia có mức sinh thấp, dân số vẫn đang tăng lên do đà tăng dân số. Đây là trường hợp của Ấn Độ, quốc gia vào năm 2023 vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, mặc dù mức sinh đã dưới 2,1 ca sinh trên một phụ nữ và đang giảm xuống.

Ở các quốc gia khác, dân số đang giảm sau nhiều thập kỷ có mức sinh thấp, trong một số trường hợp, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do mức độ di cư cao. Ở 17 quốc gia Đông Âu, hai yếu tố này đã góp phần làm giảm dân số kể từ những năm 1990.

Sắp tới, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam Âu và Đông Á (trong đó có Trung Quốc), bắt đầu chứng kiến dân số giảm kể từ đầu năm 2023.

Từ năm 2022-2050, dân số của 61 quốc gia dự kiến sẽ giảm hơn 1%.

3. Loài người sống thọ hơn

Nhìn chung, con người sẽ sống lâu hơn. Năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu ở mức 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990. Và dự kiến, tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên 77,2 tuổi vào năm 2050.

Trong khi tuổi thọ trung bình toàn cầu vào năm 1950 chỉ là 46,6 tuổi, thì tuổi thọ trung bình toàn cầu vào năm 2019 là 72,8 tuổi.

4. Tình trạng di cư

Di cư tạo nên sự thay đổi dân số, bên cạnh mức sinh và mức tử.

Tính đến năm 2020, ước tính khoảng 281 triệu người sống bên ngoài quốc gia nơi họ sinh ra, gấp 3 lần so với năm 1970. Gần 2/3 là người di cư lao động. Tính đến năm 2021, người di cư quốc tế cũng bao gồm 31,7 triệu người tị nạn và người xin tị nạn.

Từ năm 2010 đến năm 2021, có 40 quốc gia và khu vực đã chứng kiến dòng người di cư trên 200.000 người đến mỗi quốc gia. 17 quốc gia trong số đó có hơn 1 triệu người tới nhập cư.

5. Già hóa dân số

Dân số toàn cầu đang ngày một già hóa. Từ năm 1950-1990, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong dân số tăng từ khoảng 5% lên 6%. Tính đến năm 2022, tỷ lệ này ở mức 10% và dự kiến sẽ tăng lên 16% vào năm 2050.

Do mức sinh giảm đồng thời với việc người dân sống lâu hơn nên cơ cấu tuổi của dân số đang có sự dịch chuyển. Năm 2018, lần đầu tiên số người từ 65 tuổi trở lên đông hơn trẻ em dưới 5 tuổi.

Châu Âu và Bắc Mỹ có dân số già nhất, với gần 19% người từ 65 tuổi trở lên, tiếp theo là Australia và New Zealand với tỷ lệ 16,6%. Đến năm 2050, cứ 4 người ở châu Âu và Bắc Mỹ thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên.

Các khu vực khác cũng sẽ chứng kiến tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng nhanh, ví dụ ở châu Mỹ Latin tăng lên từ 9% vào năm 2022 lên 19% vào năm 2050, ở Đông Á và Đông Nam Á tăng từ 13% lên 26% từ năm 2022 tới năm 2050.

6. Phụ nữ sống lâu hơn nam giới

Trên toàn cầu, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có tới gần 106 bé trai. Về bình quân, phụ nữ sống lâu hơn nam giới.

Đến năm 2050, số lượng nam giới và nữ giới được dự báo là bằng nhau.

7. Hai đại dịch gây ảnh hưởng tới thế giới

Hai đại dịch gây ảnh hưởng lớn tới kỷ nguyên chúng ta đang sống hiện nay là COVID-19HIV/AIDS.

Chỉ trong vòng 2 năm, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động lớn đối với người dân thế giới. Vào năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14,9 triệu người trên toàn thế giới.

Trên toàn thế giới, bệnh AIDS đã khiến hơn 40 triệu người tử vong kể từ năm 1981 tới nay. Mặc dầu ban đầu nhiễm HIV bị coi là căn bệnh chết người, nhưng việc áp dụng liệu pháp kháng virus (ART) đã giúp giảm 68% số ca tử vong do AIDS.

HIV/AIDS đã làm giảm tuổi thọ của người dân ở phía nam của châu Phi. Từ năm 1990 đến 2005, tuổi thọ trung bình của người dân nơi đây giảm từ 63,1 xuống 53,1.

8. Dịch chuyển khu vực đông dân nhất thế giới trong thế kỷ 21

Tính đến năm 2022, hơn một nửa dân số thế giới sống ở châu Á. Hai khu vực đông dân nhất thế giới là Đông Á - Đông Nam Á với 2,3 tỷ người và Trung Á - Nam Á với 2,1 tỷ người.

Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi nước có hơn 1,4 tỷ người, chiếm phần lớn dân số ở hai khu vực này. Dân số Trung Quốc không còn tăng nữa và bắt đầu giảm vào đầu năm 2023, trong khi dân số Ấn Độ vẫn tăng 0,7% mỗi năm và vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

Ở khu vực Đông Á - Đông Nam Á, mức sinh đã giảm nhanh kể từ những năm 1960, đạt đến mức sinh thay thế vào đầu những năm 1990, tới năm 2022 đạt mức tăng dân số 0,2% mỗi năm. Dân số của khu vực này dự đoán đạt đỉnh vào giữa những năm 2030, vào khoảng 2,4 tỷ người.

Ở Trung Á - Nam Á, mức sinh giảm chậm hơn và dân số tăng 0,9% mỗi năm. Khu vực này dự kiến trở thành khu vực đông dân nhất thế giới vào năm 2037 và tiếp tục tăng cho tới khi đạt đỉnh khoảng 2,7 tỷ người vào khoảng năm 2072.

Dân số của khu vực châu Phi cận Sahara được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi từ năm 2022 tới năm 2050, và đạt hơn 2 tỷ người vào cuối những năm 2040. Tới năm 2060, đây sẽ trở thành khu vực đông dân nhất thế giới. Tới năm 2100, dân số của khu vực này có thể lên tới 3,44 tỷ người.


Nguyễn Vân
(theo UNFPA)
Ý kiến của bạn