Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một một chứng rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến trẻ em ở độ tuổi đi học. ADHD khiến trẻ khó kiểm soát những phản ứng tự phát của mình. ADHD được đặc trưng bởi sự kém tập trung chú ý, bốc đồng và hiếu động thái quá.
Có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả có thể giúp trẻ ADHD cải thiện khả năng chú ý, kiểm soát hành vi bốc đồng và kiềm chế chứng tăng động.
Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, thuốc điều trị ADHD cũng có các tác dụng phụ. Vì vậy, nhiều gia đình đã tìm đến các phương pháp điều trị thay thế như các chất bổ sung vitamin và khoáng chất để giúp con họ đối phó với các triệu chứng của ADHD. Hiện nay, nhiều người sử dụng các chất bổ sung để điều trị tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Tuy nhiên, việc sử dụng các chất bổ sung và các phương pháp điều trị tích hợp khác đòi hỏi phải có chuyên môn, rất khó để một gia đình có thể tự mình làm được điều này. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp các chất bổ sung vào kế hoạch điều trị cho trẻ.
Các chất bổ sung có thể giúp cải thiện các triệu chứng tăng động giảm chú ý
Kẽm
Khi so sánh với các trẻ cùng lứa tuổi, trẻ ADHD thường thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu cụ thể, bao gồm cả kẽm.
Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc và chức năng của não, cần thiết cho việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và melatonin; ảnh hưởng gián tiếp đến sự trao đổi chất của dopamine và axit béo, tất cả đều hỗ trợ sự tập trung chú ý.
Một số trẻ em được chẩn đoán mắc chứng ADHD có nồng độ kẽm trong máu thấp, có thể cản trở chức năng não và dẫn đến tăng động. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các triệu chứng ADHD được cải thiện khi sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm.
Cũng có thể tăng cường kẽm thông qua chế độ ăn thực phẩm giàu kẽm, bao gồm hàu, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, đậu phụ, hạt cây gai dầu, các loại hạt, đậu lăng, sữa chua, bột yến mạch và nấm…
Magiê
Magiê là khoáng chất cần thiết để cung cấp năng lượng cho não và cho phép cơ thể tạo ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin.
Sự thiếu hụt magiê có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thúc đẩy sự phát triển của ADHD và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Sự thiếu hụt này cũng có thể gây ra giảm khả năng chú ý, hiếu động thái quá, cáu kỉnh.
Nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và ADHD. Do đó, căng thẳng oxy hóa tăng cao có thể dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh tiến triển và suy giảm các chức năng bình thường của não như sự tập trung chú ý.
Các loại thực phẩm giàu magiê gồm bơ, các loại đậu, hoặc các loại hạt, có thể được uống trực tiếp dưới dạng viên nang hoặc bột…
Vitamin D
Nồng độ vitamin D trong máu thấp có liên quan đến ADHD. Vitamin D cũng đóng một vai trò trong việc cân bằng nội môi magiê. Vì vitamin D tham gia vào rất nhiều chức năng trong não và cơ thể, nên nó có một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự chú ý và kiểm soát xung động.
Mọi mô trong cơ thể có các thụ thể vitamin D, bao gồm não, tim, cơ bắp, hệ thống nội tiết và hệ thống miễn dịch, có nghĩa là vitamin D cần thiết ở mọi cấp độ để cơ thể hoạt động.
Bổ sung vitamin D cho những người bị ADHD dẫn đến cải thiện chức năng nhận thức. Bên cạnh việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên, các loại thực phẩm như cá, gan bò, lòng đỏ trứng và nấm cung cấp một lượng nhỏ vitamin D.
Vitamin B
Các vitamin B cần thiết để duy trì hệ thống thần kinh và tiêu hóa khỏe mạnh và các chức năng trao đổi chất khác nhau, cũng như đóng một vai trò quan trọng trong sự chú ý và chức năng điều hành. Các vitamin B thường được sử dụng để giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng và cải thiện các triệu chứng của sự giảm chú ý.
Có một số loại vitamin B, và mỗi loại hỗ trợ não và cơ thể theo những cách khác nhau. Tất cả đều hỗ trợ chức năng hệ thần kinh thích hợp và điều đó có ý nghĩa trực tiếp đối với những người bị ADHD. Ví dụ, vitamin B6 giúp cơ thể sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, như serotonin, có vai trò quan trọng đối với sự tập trung chú ý.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sự kết hợp của magiê và vitamin B6 đã cải thiện hành vi, giảm lo lắng và hung hăng, đồng thời cải thiện khả năng vận động ở trẻ ADHD.
Các vitamin B bao gồm: Thiamine (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), pantothenate (B5), pyridoxine (B6), folate (B9) và cobalamin (B12) .
Vitamin B đến từ các nguồn thực phẩm, như ngũ cốc nguyên hạt, gạo, thịt, trứng, rau lá sẫm màu, trái cây và các loại đậu và cũng có thể được bổ sung thông qua thực phẩm chức năng. Cơ thể không dự trữ tốt các vitamin B, và nhu cầu về chúng sẽ tăng lên do căng thẳng và bệnh tật.
Axit béo omega -3
Omega -3 là tên gọi của một nhóm các axit béo không bão hòa đa, trong đó, DHA và EPA là những chất cần thiết cho sức khỏe não bộ, đặc biệt là khả năng chú ý và kiểm soát xung động. Sau khi tiêu thụ, axit béo omega-3 được kết hợp vào màng tế bào mô cơ thể và có chức năng chống viêm mạnh mẽ trong cơ thể.
Ở cấp độ tế bào, axit béo omega-3 từ dầu cá có thể điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp một số hoạt động tế bào liên quan đến chứng viêm. Viêm có liên quan đến ADHD, cụ thể là các vấn đề về khả năng tập trung, chú ý và kiểm soát xung động.
Omega -3 không được tạo ra trong cơ thể và phải được cung cấp thông qua việc tiêu thụ các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, quả óc chó... hoặc dưới dạng thực phẩm chức năng. Axit béo thiết yếu khác là omega-6, có thể được tìm thấy trong ngô, trứng, thịt gia cầm và dầu đậu nành. Omega-6 chứa axit gamma-linolenic (GLA), cũng có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
Các axit béo omega-3 EPA và DHA rất quan trọng cho sự phát triển và chức năng bình thường của não. Omega-3 có thể ảnh hưởng đến chức năng của chất dẫn truyền thần kinh serotonin, đóng một vai trò quan trọng trong sự chú ý. Omega-3 giúp ích cho chức năng của vùng vỏ não trước trán và các vùng nhân tích lũy, là những vùng não liên quan đến sự chú ý tập trung và điều chỉnh cảm xúc.
Melatonin
Nhiều trẻ em và người lớn bị ADHD cũng có vấn đề và rối loạn giấc ngủ, vì vậy việc sử dụng các chất bổ sung để hỗ trợ giấc ngủ, như melatonin, có thể hữu ích. Ngủ đủ thời gian và điều hòa theo chu kỳ giấc ngủ, giúp tăng khả năng tập trung.
Melatonin là một loại hormone được tiết ra vào ban đêm bởi tuyến tùng và cần thiết cho việc điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức. Ước tính rằng 15 đến 25 % trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Xu hướng giấc ngủ kém do tiếp xúc với thiết bị điện tử trước khi ngủ có thể là một yếu tố dẫn đến tần suất rối loạn giấc ngủ đáng kể.
Mặc dù có tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao ở trẻ em và thanh thiếu niên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng melatonin bổ sung vào chế độ ăn uống có thể cải thiện giấc ngủ của những người bị ADHD.
Ginkgo Biloba
Ginkgo biloba là một loại thảo mộc được biết đến để cải thiện trí nhớ cũng như hỗ trợ hoạt động của não và cải thiện tình trạng thiếu tập trung chú ý.
Hoạt động chống oxy hóa của ginkgo biloba làm giảm stress oxy hóa. Ngoài ra, các thành phần được phân lập từ ginkgo biloba có đặc tính bảo vệ thần kinh và hỗ trợ hoạt động não của những người bị ADHD.
Tuy nhiên ginkgo biloba có chống chỉ định trong các rối loạn co giật. Nó có thể tương tác hoặc làm tăng tác dụng của các loại thuốc khác đang dùng.
Nhân sâm
Nhân sâm là loại thảo mộc được coi là có khả năng tăng cường năng lượng, kích thích chức năng não và tăng cường trí nhớ. Các chất chiết xuất từ nhân sâm đã được phát hiện để cải thiện một số chức năng nhận thức, bao gồm sự chú ý, chức năng vận động-cảm giác và phản ứng thính giác. Sự kết hợp của các loại thảo mộc, ginko và nhân sâm, đã được nghiên cứu về tác dụng hiệp đồng để cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân ADHD.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Việt Nam ứng phó với COVID-19 theo 2 kịch bản để sớm trở thành bệnh lưu hành