Hà Nội

8 thủ phạm phổ biến gây viêm da tiếp xúc

05-02-2023 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm da tiếp xúc là tình trạng tiếp xúc với các chất trong môi trường, gây ra phản ứng dị ứng hoặc kích ứng. Dưới đây là những loại hoá chất phổ biến có thể gây viêm da tiếp xúc.

1. Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da do phản ứng dị ứng hoặc kích ứng với một số chất tiếp xúc với da. Phản ứng có thể cấp tính (đột ngột), trong vòng vài phút đến vài giờ hoặc mãn tính, diễn ra từ từ.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc là đỏ da, ngứa, mụn mủ, bọng nước, phù nhẹ... ở vị trí tiếp xúc với chất dị ứng. Ở thể nặng có thể biểu hiện toàn thân.

2. Các loại hoá chất và thuốc có thể gây viêm da tiếp xúc

Dưới đây là những loại hoá chất và thuốc phổ biến có thể là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc:

2.1 Niken - thủ phạm gây viêm da tiếp xúc

‎Niken là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc ở cả trẻ em và người lớn. Dị ứng niken thường liên quan đến tiếp xúc với các vật dụng có khả năng giải phóng một lượng lớn niken như một số loại đồ trang sức, dây buộc quần áo, khóa kéo, móc áo ngực, cúc áo, đồng xu và các đồ vật bằng kim loại thông thường...

Các kim loại khác cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng như crom. Những người dị ứng với niken nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng có thể giải phóng niken gây ra phản ứng.

8 thủ phạm phổ biến gây viêm da tiếp xúc - Ảnh 1.

Viêm da tiếp xúc là bệnh lý da liễu phổ biến.

2.2 Nước hoa

‎Nước hoa có chứa hàng trăm hóa chất khác nhau. Một số ví dụ là cồn, aldehyde cinnamic, hydroxycitronellal, geraniol, isoeugenol, eugenol... Những hóa chất này là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm da tiếp xúc đối với mỹ phẩm.

Nếu chẩn đoán bị dị ứng hương thơm, nên thiết lập kế hoạch điều trị để tránh tiếp xúc với các chất tạo mùi hương trong sản phẩm.

2.3 Thuốc nhuộm tóc

Paraphenylenediamine (PPD) là thành phần hoạt tính trong nhiều loại thuốc nhuộm tóc. Đây là nguyên nhân chính gây viêm da tiếp xúc ở thợ làm tóc.

Mặc dù thuốc nhuộm tóc là nguồn phơi nhiễm phổ biến nhất, nhưng các xu hướng hiện nay, xăm hình cũng có thể là con đường phơi nhiễm. Viêm da tiếp xúc do PPD có thể nghiêm trọng vì nó cũng có thể biểu hiện phù mạch.

2.4 Kem chống nắng

Axit para aminobenzoic (PABA) được tìm thấy trong một số sản phẩm kem chống nắng có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc trên mặt, có hoặc không có sự kích hoạt của ánh sáng mặt trời.

2.5 Sơn móng tay

Các hóa chất phổ biến trong sơn móng tay bao gồm acrylate và nhựa dựa trên formaldehyde. Phản ứng với lớp phủ acrylic trên móng tay là nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc trên ngón tay, cũng như trên mặt và mí mắt. Nhiều người sử dụng sản phẩm trên móng tay (móng tay nhân tạo hoặc lớp phủ trên móng tay tự nhiên) có thể chạm vào mặt và mí mắt gây viêm da tiếp xúc.

8 thủ phạm phổ biến gây viêm da tiếp xúc - Ảnh 3.

Trang sức có chứa niken là thủ phạm phổ biến gây viêm da tiếp xúc.

2.6 Chất bảo quản

Chất bảo quản được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm vệ sinh cá nhân và mỹ phẩm gốc nước để ngăn ngừa hư hỏng và nhiễm vi sinh vật. Những chất bảo quản này có xu hướng được chia thành 2 loại chính: Chất giải phóng formaldehyde (sản phẩm thải ra formaldehyde) và chất giải phóng không phải formaldehyde.

Formaldehyde là một trong những chất gây dị ứng phổ biến nhất trong môi trường, có mặt trong chất kết dính, chất bảo quản và chất khử trùng. Nhiều mỹ phẩm và chất khử trùng có chứa chất giải phóng formaldehyde. Formaldehyde cũng được tìm thấy trong các loại vải.

Methyldibromo gluteronitrile (MDG/PE) gần đây nổi lên như một chất gây dị ứng mỹ phẩm quan trọng có liên quan đến viêm da tay, thường được tìm thấy trong dầu gội đầu, dầu xả, xà phòng, khăn ướt…

Paraben cũng là chất bảo quản có trong mỹ phẩm cũng có thể gây ra viêm da tiếp xúc. Nhạy cảm với paraben cũng thường được báo cáo với các loại thuốc kháng khuẩn tại chỗ, đặc biệt là khi bôi lên vùng da bị tổn thương trong các tình trạng như viêm da lâu ngày.

8 thủ phạm phổ biến gây viêm da tiếp xúc - Ảnh 5.

Paraben có trong mỹ phẩm cũng có thể gây ra viêm da tiếp xúc.

2.7 Chất hoạt động bề mặt

Cocoamidopropyl betaine (CAPB) là chất hoạt động bề mặt thường được sử dụng trong dầu gội đầu, sản phẩm tắm, sữa tắm dạng lỏng, lăn khử mùi, sữa rửa mặt, chất tẩy rửa dạng lỏng, chất tẩy rửa bề mặt, sản phẩm chăm sóc thú cưng và các sản phẩm chăm sóc da và tóc khác. Viêm da tiếp xúc do CAPB có thể biểu hiện dưới dạng viêm da mí mắt, da mặt, da đầu và/hoặc cổ.

2.8 Một số loại thuốc

Viêm da tiếp xúc cũng là phản ứng bất lợi phổ biến do thuốc gây ra. Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc có thể khá điển hình, nhưng đôi khi việc chẩn đoán có thể khó khăn do nhiều yếu tố gây nhiễu (viêm da có từ trước, vị trí viêm da, chế độ tiếp xúc và loại thuốc liên quan).

Trên thực tế, tất cả các loại thuốc bôi ngoài da đều có thể gây mẫn cảm, đặc biệt khi bôi lên vùng da bị tổn thương. Do thuốc thường được bôi lên da bị viêm và tổn thương nên sự xâm nhập của các chất gây dị ứng tăng lên và thậm chí các chất gây dị ứng yếu cũng có thể trở nên có khả năng gây mẫn cảm.

Thuốc kháng sinh, thuốc gây mê, thuốc kháng nấm và kháng virus, thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm và corticosteroid... là những loại thuốc phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc dị ứng.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Dấu hiệu nhận biết ung thư xương

Ds. Lê Thanh Hoà
Ý kiến của bạn