Tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên, như đến phòng tập thể dục, tập gym là điều cần thiết cho sức khỏe và tinh thần tổng thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập một cách an toàn cho sức khỏe, trong đó có sức khỏe của trái tim.
Một số sai lầm khi tập gym có thể gây ra những rủi ro đặc biệt là đối với tim.
1. Một số sai lầm thường gặp khi tập gym ảnh hưởng đến trái tim
1.1 Gắng sức quá mức làm ảnh hưởng đến trái tim
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải khi tập gym là ép bản thân tập quá mạnh và nhanh.
Hoạt động quá sức này có thể xảy ra khi một cá nhân cố gắng nâng tạ quá nặng hoặc thực hiện các bài tập tim mạch ở cường độ cao mà không có đủ điều kiện thể lực. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim nhanh và huyết áp tăng đột ngột, gây thêm căng thẳng cho tim, làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.
Tập luyện quá sức có thể dẫn đến mỏi cơ, tăng nồng độ cortisol và tăng căng thẳng oxy hóa…. tất cả đều có thể tác động tiêu cực đến chức năng tim mạch.
1.2. Bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo vấn đề về tim khi tập thể dục
Đây là một sai lầm nghiêm trọng khi tập gym. Không bao giờ bỏ qua các triệu chứng như đau ngực, chóng mặt, khó thở hoặc đánh trống ngực… vì chúng có thể chỉ ra vấn đề tiềm ẩn về tim.
Nếu gặp các triệu chứng này mà vẫn tiếp tục tập có thể nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Do đó, nếu bạn cảm thấy khó chịu, hãy dừng lại ngay.
1.3. Tập luyện sai tư thế
Thực hiện các bài tập không đúng tư thế không chỉ làm giảm hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ chấn thương.
Kỹ thuật nâng không chính xác, chẳng hạn như cong lưng trong khi tập tạ có thể làm căng thẳng cho tim và các cơ khác, dẫn đến rách cơ, tổn thương dây chằng...
1.4. Không khởi động và hạ nhiệt
Bỏ qua các bước khởi động (trước khi tập) và thả lỏng, thư giãn (sau khi tập) là sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi tập gym.
Các bài tập khởi động giúp cơ thể chuẩn bị cho hoạt động cường độ cao hơn bằng cách tăng lưu lượng máu đến cơ và tăng nhiệt độ cơ thể. Tương tự, việc hạ nhiệt sau khi tập luyện, giúp giảm nhịp tim và dần dần đưa cơ thể về trạng thái nghỉ ngơi, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
1.5. Không cung cấp đủ nước
Hydrat hóa thích hợp là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể và hiệu suất thể thao, bao gồm cả sức khỏe tim mạch.
Mất nước có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể, làm giảm lượng máu và tăng nhịp tim. Hơn nữa, tập thể dục trong tình trạng mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, làm tổn hại thêm chức năng tim và làm tăng nguy cơ mắc các biến cố về tim.
Thực hiện các bài tập không đúng tư thế làm tăng nguy cơ chấn thương, bao gồm cả tổn thương tim.
1.6. Không chú ý đến việc phục hồi
Nghỉ ngơi và phục hồi là những bước quan trọng của bất kỳ chương trình tập luyện nào, tuy nhiên chúng thường không được chú ý hoặc bị bỏ qua.
Nghỉ ngơi không đầy đủ có thể khiến cơ thể không thể phục hồi hoàn toàn giữa các buổi tập, dẫn đến mệt mỏi, giảm hiệu suất và tăng nguy cơ chấn thương, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch.
1.7 Không tiết lộ bệnh sử tim mạch với huấn luyện viên
Bỏ qua tiền sử bệnh và các tình trạng bệnh lý tim mạch có sẵn khi thiết kế thói quen tập thể dục là một sai lầm nguy hiểm. Một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hoặc rối loạn nhịp tim, cần được cân nhắc đặc biệt khi tập thể dục.
Không tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc huấn luyện viên cá nhân trước khi bắt đầu chương trình tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
2. Làm thế nào để ngăn ngừa rủi ro tim mạch khi tập gym?
Ngăn ngừa nguy cơ tim mạch liên quan đến tập thể dục đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng. Bắt đầu dần dần, đặc biệt nếu bạn mới tập thể dục và cần tiến hành tập đều đặn.
Hãy lắng nghe cơ thể mình, dừng lại ngay nếu thấy đau ngực, chóng mặt hoặc khó thở. Ưu tiên hình thức phù hợp để tránh căng thẳng và chấn thương.
Kết hợp các thói quen khởi động và hạ nhiệt để chuẩn bị và phục hồi cơ bắp.
Cung cấp đủ nước trong suốt quá trình tập luyện để duy trì chức năng tim tối ưu và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến mất nước.
Cân bằng các bài tập rèn luyện tim mạch và sức mạnh để cải thiện thể lực tổng thể, giảm thiểu căng thẳng cho tim.
Đảm bảo nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ giữa các buổi tập, để cơ thể có thời gian sửa chữa và xây dựng lại.
Tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, đặc biệt nếu bạn có bệnh tim. Các chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên phù hợp để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.
Bằng cách làm theo những hướng dẫn này và tập thể dục một cách thận trọng, bạn có thể tận hưởng những lợi ích sức khỏe của hoạt động thể chất, đồng thời giảm nguy cơ mắc các rủi ro về tim liên quan đến tập thể dục.
Hãy nhớ rằng, an toàn phải luôn là ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ thói quen tập thể dục nào.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Sau khi tập luyện thể dục hãy tránh xa các loại nước này.