8 nguyên nhân không ngờ khiến bạn chậm kinh

26-01-2023 06:46 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Chậm kinh là dấu hiệu phổ biến nhất của việc mang thai. Tuy nhiên, khi bạn không mang thai thì lý do nào có thể khiến bạn bị chậm kinh?

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường (từ ngày bắt đầu có kinh cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo) là khoảng 28 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt ổn định thường quay lại trong khoảng 28-30 ngày. Một vài trường hợp có thể ít hơn khoảng 21 ngày hoặc nhiều hơn từ 30-35 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn dài hơn mức này hoặc dài hơn bình thường đối với bạn thì được coi là chậm.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bạn có thể bị chậm kinh:

1. Căng thẳng quá mức

Cả căng thẳng về thể chất và tâm lý đều có thể gây ra hiện tượng chậm kinh. Mức độ căng thẳng càng nhiều thì khả năng gây ra hiệu ứng này thường nghiêm trọng hơn.

Căng thẳng quá mức làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone giải phóng gonadotrophin - một loại hormone điều chỉnh sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu bạn bị căng thẳng kéo dài và bỏ lỡ ba kỳ kinh nguyệt trở lên, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn can thiệp phù hợp để chu kỳ trở lại bình thường.

Nếu không phải mang thai thì lý do gì khiến bạn bị chậm kinh? - Ảnh 1.

Căng thẳng quá mức có thể khiến bạn bị chậm kinh.

2. Tập thể dục quá sức

Tập thể dục một hoặc hai giờ mỗi ngày không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn nhưng tập thể dục quá sức có thể gây ra những thay đổi trong hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt.

Nếu bạn cần thực hiện kế hoạch tập thể dục nhiều như vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe y học thể thao để được hỗ trợ hướng dẫn kiểm tra sức khỏe, các biện pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

3. Mắc bệnh

Các tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn bao gồm: bệnh tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, các khối u tuyến yên, các bệnh về tuyến thượng thận, rối loạn chức năng gan, bệnh đái tháo đường…

Mắc các bệnh như viêm phổi, đau tim, suy thận… có thể dẫn đến giảm cân nhanh chóng, thiếu dinh dưỡng hoặc rối loạn chức năng nội tiết tố cũng có thể dẫn đến chậm kinh. Sau khi được điều trị tốt, kinh nguyệt của bạn có thể dần quay trở lại bình thường.

4. Thay đổi giờ giấc sinh hoạt

Thay đổi giờ giấc sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của bạn. Sự thay đổi này không làm bạn mất kinh hoàn toàn, nhưng nó có thể khiến kỳ kinh của bạn bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn dự kiến. Chu kỳ của bạn cũng có thể thay đổi vài ngày nếu bạn gặp phải tình trạng lệch múi giờ.

5. Dùng thuốc

Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống co giật và một số loại thuốc hóa trị liệu cũng có thể khiến bạn không có hoặc chậm kinh.

Một số biện pháp tránh thai nội tiết tố, vòng tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

6. Thay đổi cân nặng

Cân nặng thay đổi nhanh chóng do bệnh tật, thuốc men hoặc thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể cản trở quá trình sản xuất hoặc giải phóng hormone dẫn đến chậm kinh.

Thừa cân, thiếu cân hoặc trải qua những thay đổi mạnh mẽ về cân nặng đều ảnh hưởng đến chu kỳ của bạn. Béo phì ảnh hưởng đến quá trình điều hòa estrogen và progesterone, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) rất cao có liên quan đến việc chậm kinh và giảm cân có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt cho những phụ nữ béo phì.

Thiếu cân nghiêm trọng cũng cản trở chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Khi cơ thể thiếu chất béo và các chất dinh dưỡng khác, nó không thể sản xuất hormone như bình thường.

Nếu không phải mang thai thì lý do gì khiến bạn bị chậm kinh? - Ảnh 2.

Thay đổi cân nặng nhanh chóng cũng là nguyên nhân gây chậm kinh.

7. Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp giữa độ tuổi sinh sản và không sinh sản. Chu kỳ của bạn có thể thay đổi không như bình thường trong thời gian này. Và khi mãn kinh thì bạn sẽ không còn rụng trứng hoặc hành kinh nữa.

8. Cho con bú

Bạn có thể có kinh ít, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh khi cho con bú, đặc biệt khi bạn cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Do đó có nhiều phụ nữ tin rằng cho con bú là một hình thức ngừa thai. Tuy nó có thể làm giảm khả năng mang thai nhưng không hiệu quả một trăm phần trăm. Ngay cả khi bạn không có kinh nguyệt khi đang cho con bú, bạn vẫn có thể mang thai. Nếu bạn chưa sẵn sàng sinh con tiếp, bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng.

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân gây chậm kinh, có một số nguyên nhân cũng không đáng lo ngại và biện pháp can thiệp có thể bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hoặc giảm căng thẳng. Tuy nhiên nếu nguyên nhân do mắc bệnh, bạn cần được khám và điều trị để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản.
4 điều về hiện tượng kinh nguyệt và dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt4 điều về hiện tượng kinh nguyệt và dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt

SKĐS - Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu âm đạo bình thường, là một phần tự nhiên của chu kỳ hàng tháng của phụ nữ.

Xem thêm video đang được quan tâm

Sau sinh, bao lâu được quan hệ tình dục trở lại? | SKĐS


BSCKI Hoàng Hường
Ý kiến của bạn