8 năm đến vương miện hoa hậu khiếm thính Quốc tế

15-09-2016 11:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - 8 năm trước, Iwona Cichosz buồn vì chỉ xếp thứ 4 cuộc thi Miss Deaf World 2008 (Hoa hậu khiếm thính Thế giới 2008, tổ chức tại Praha)...

8 năm trước, Iwona Cichosz buồn vì chỉ xếp thứ 4 cuộc thi Miss Deaf World 2008 (Hoa hậu khiếm thính Thế giới 2008, tổ chức tại Praha), song người đẹp không thất vọng. Chị tự an ủi, “mới 18 tuổi, chắc chắn mình còn nhiều cơ hội”. Đầu tháng 7 vừa rồi tại Nevada (Mỹ), Iwona đã toại nguyện. Thiếu nữ Ba Lan giàu nghị lực đăng quang vương miện Miss Deaf International 2016. Hoa khôi khiếm thính Việt Nam 2015 Bùi Thị Lan Anh đăng quang Á hậu 2.

Tân Hoa hậu Iwona Cichosz sinh năm 1990 ở thành phố cảng Gdansk (Ba Lan). Bà ngoại là người có ảnh hưởng quyết định, để Iwona tự tin và thành đạt như hôm nay. Sự quyết tâm của bà để cháu gái tự lập trong cuộc sống thật sự ấn tượng. Lúc bé Iwona mới 18 tháng tuổi, chính bà ngoại lần đầu mang cháu đến gặp bác sĩ trị liệu âm ngữ. Nỗ lực cần mẫn tập luyện hàng ngày đã giúp bé Iwona khiếm thính bẩm sinh sớm làm quen kỹ năng nói và nghe với sự hỗ trợ của máy trợ thính. Cả bố, mẹ và anh trai của Iwona đều điếc. Nhờ kiên trì và thường xuyên tập luyện, từ năm 7 tuổi Iwona đã có thể sắm vai phiên dịch cho cả nhà, thí dụ trong các dịp đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc giải quyết các vụ việc tại cơ quan hành chính nhà nước.

khiem thinh, hoa hau khiem thinh quoc te

Hoa hậu Iwona Cichosz (ngoài cùng bên phải) và Á hậu 2 Bùi Thị Lan Anh (ngoài cùng, bên trái).

Tuổi đi học, cho dù gặp không ít khó khăn, Iwona đến trường bình thường như các bạn cùng trang lứa. Lần lượt qua bậc tiểu học, trung học cơ sở, tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi đại học (Khoa Kinh tế, Đại học Gdansk), Iwona trở thành chuyên viên hãng Migam.pl, start-up, doanh nghiệp chuyên thực hiện dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khiếm thính vượt qua rào cản trong lập nghiệp và cuộc sống thường nhật.

Sống hồn nhiên, đam mê hoạt động xã hội là tính cách đặc trưng của Hoa hậu khiếm thính Quốc tế 2016. Ngoài công việc chuyên môn ở Migam.pl, Iwona tích cực tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Chị là diễn viên nghiệp dư tại Nhà hát Pinezek Gdansk. Cùng tập thể diễn viên nhà hát, chị từng trình bày thành công các tiết mục đi cà kheo tung hứng bóng, múa ba lê phụ họa vở nhạc kịch Cụ già hái hạt dẻ tại khá nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Hai năm trước, Iwona cùng bạn diễn từng thực hiện thành công chương trình biểu diễn tại Phoenix, Arizona (Mỹ).

Sau giây phút đăng quang, Iwona Cichos chia sẻ với báo chí địa phương về chi tiết danh hiệu Hoa hậu ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của chị và... các cuộc thi dạng này có thật sự cần thiết?

Tôi bắt đầu bằng câu hỏi ngược - Hoa hậu khiếm thính, Hoa hậu trên xe lăn... liệu có thể gộp tất cả vào một cuộc thi Hoa hậu dành cho thế giới phụ nữ?

Theo tôi, một cuộc thi dành cho tất cả không phải là ý tưởng tốt vì lý do, mỗi nhóm đối tượng có những tiêu chuẩn riêng. Thí dụ tại các cuộc thi Miss Deaf International người ta rất quan tâm đến năng lực sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (thủ ngữ), ý thức bản ngã của thí sinh khi là một người điếc...

Lý do xui khiến chị quyết định tham gia cuộc thi năm nay?

Thứ nhất, ham muốn khám phá năng lực của bản thân, liệu lần này tôi có đoạt được danh hiệu, bởi 8 năm trước tại Miss Deaf World 2008, tổ chức tại Praha (CH Séc) tôi chỉ được xếp thứ 4. Tiếp theo, tôi biết, tham gia sự kiện này, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ rất nhiều nhân vật thú vị từ khắp thế giới, trong khi làm quen mọi người là sở thích của tôi.

Chị có thể cho biết nhiều hơn về cuộc thi năm nay, các thí sinh còn lại là ai và chương trình diễn ra thế nào?

Đáp máy bay đến Mỹ, chúng tôi (thí sinh đại diện 25 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới) được sống 10 ngày trong những biệt thự tuyệt đẹp có bể bơi. Từ sáng đến tối mọi người hăng say tập luyện theo giáo án của các chuyên gia, chụp ảnh, tham gia các trò chơi giải trí. Chúng tôi đã có cơ hội giao lưu với những người điếc địa phương trong thời gian diễn ra Deaf Nation Expo (Triển lãm khiếm thính Quốc gia) ở Las Vegas. Sự thật không có thời gian để buồn chán. Tất cả đều cố gắng thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo. Mỗi người bận hoàn thành công việc nào đó, nhiều thí sinh vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu. Đối với chúng tôi, cuộc thi là thời gian rất dễ chịu được hòa mình với mọi người. Chúng tôi thực sự là tập thể gắn bó. Thậm chí tôi hết sức ngạc nhiên, bởi rút cục, giữa chúng tôi không hề có sự ganh đua tiêu cực, hoặc đố kỵ. Tôi nhớ lại 10  ngày chung sống với các thí sinh xa lạ với cảm giác thật sự ấm áp.

khiem thinh, hoa hau khiem thinh quoc te Iwona Cichosz

Ngày thường của Iwona Cichosz tại thành phố Gdansk quê hương.

Ký ức nào, dĩ nhiên ngoài bản thân chiến thắng, để lại trong chị ấn tượng mạnh nhất?

Trước đêm cuối vòng chung kết, tôi đón nhận liên tiếp nhiều cú điện thoại từ gia đình, bạn bè, người quen. Tất cả đều nồng nhiệt cổ vũ và lần đầu tôi cảm nhận, bản thân có chỗ dựa vững chắc. Đó là giây phút rất xúc động, cảm giác có tần suất lớn đến mức, tôi đã buộc phải ra khỏi tòa nhà trong chốc lát, để làm dịu cơ thể...

Danh hiệu Hoa  hậu có làm thay đổi điều gì đó trong cuộc đời của chị, chị có cảm giác gì khác, giây phút được bình chọn thiếu nữ đẹp nhất?

Hiện thời cuộc sống của tôi không có gì thay đổi. Tôi vẫn tiếp tục công việc quen thuộc của mình. Danh hiệu Hoa hậu chỉ củng cố trong tôi niềm tin, mình là cô gái có cá tính mạnh và có gì mơ ước - nhất định đạt được. Tôi đoạt danh hiệu Hoa hậu không chỉ nhờ vào hình thức, mà cả cá tính, cách thức nhìn nhận cuộc sống, thế giới và nhiều yếu tố khác.

Có dư luận cho rằng, hiện có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp. Không ít sự kiện chỉ tạo một chút ồn ào truyền thông, vài khẩu hiệu nhàm tai về tính đa dạng của sắc đẹp và nữ tính, thực chất không có sự thay đổi hoặc tác dụng xã hội đáng kể. Quan điểm của chị về ý kiến này?

Mỗi cuộc thi sắc đẹp có ý nghĩa riêng. Không thể so sánh Miss World (cuộc thi Hoa hậu Thế giới) với Miss Deaf International (Hoa hậu khiếm thính Quốc tế). Riêng Miss Mister Deaf International 2016 (Hoa hậu và Nam vương khiếm thính Quốc tế 2016), tất cả những người may mắn đăng quang sẽ ra về với sứ mệnh nặng nề. Tất cả sẽ trở thành nhân tố tích cực của cộng đồng những người khiếm thính - đối tượng thực hiện nhiều nhiệm vụ vì lợi ích cộng đồng, trong đó có tuyên truyền, để xã hội hiểu về những thiệt thòi và rào cản của người khiếm thính trong thực hành nghề nghiệp và cuộc sống thường nhật.

Lúc bé Iwona mới 18 tháng tuổi, chính bà ngoại lần đầu mang cháu đến gặp bác sĩ trị liệu âm ngữ. Nỗ lực cần mẫn tập luyện hàng ngày đã giúp bé Iwona khiếm thính bẩm sinh sớm làm quen kỹ năng nói và nghe với sự hỗ trợ của máy trợ thính. Cả bố, mẹ và anh trai của Iwona đều điếc. Nhờ kiên trì và thường xuyên tập luyện, từ năm 7 tuổi Iwona đã có thể sắm vai phiên dịch cho cả nhà, thí dụ trong các dịp đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc giải quyết các vụ việc tại cơ quan hành chính nhà nước.


Vinh Thu (Nguồn: Miss z misją)
Ý kiến của bạn