Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do thiếu hụt insulin trong máu khiến nồng độ glucose trong máu tăng nhưng lại thiếu hụt trong tế bào, làm cho hoạt động của tế bào bị rối loạn. Người bệnh biểu hiện uống nhiều, ăn nhiều, đái nhiều, nước tiểu có đường, sút cân… Theo Đông y, những biểu hiện trên được xếp vào chứng “tiêu khát”.
Điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) cần phối hợp giữa chế độ ăn uống, thể dục, lao động và thuốc, trong đó, ăn uống có vai trò rất quan trọng. Sau đây là một số món cháo thích hợp cho người bệnh.
Cháo bột sắn: bột sắn 30g, gạo tẻ 50g. Gạo tẻ ngâm nước 1 đêm, vo sạch nấu thành cháo đặc. Bột sắn hoà với nước, nấu với cháo đặc trên. Món này rất tốt cho người ĐTĐ typ II, khát nước miệng họng khô, tăng huyết áp, người bệnh mạch vành, tiêu chảy mạn tính.
Cháo rau cần tây: cần tây tươi 60g, gạo tẻ 50 - 100g. Cần tây tươi rửa sạch thái nhỏ. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo, cháo chín cho cần tây, thêm gia vị là được. Ăn nóng sáng và chiều. Món này thích hợp cho người ĐTĐ và tăng huyết áp.
Cháo rau cần tây.
Cháo kê khoai lang: khoai lang 60g, kê 30g. Khoai lang gọt vỏ thái lát nấu cháo với kê. Ăn bữa sáng. Món này dùng tốt cho người ĐTĐ có tỳ vị hư nhược.
Cháo địa cốt bì: địa cốt bì 30g, tang bạch bì 15g, mạch môn đông 15g, bột miến dong 100g. Đem 3 dược liệu cùng sắc lấy nước, dùng nước sắc này nấu với bột miến dong thành cháo. Món này tốt cho người ĐTĐ, khát nước uống nhiều, gầy yếu suy kiệt.
Cháo thục địa nhục quế: nhục quế 3g, thục địa hoàng 10g, gạo tẻ 100g. Gạo tẻ vo sạch, cùng với nhục quế, thục địa nấu thành cháo loãng. Khi cháo được, cho thêm 30g rau hẹ tươi rửa sạch và chút muối gia vị. Món này thích hợp cho người ĐTĐ, di niệu, u xơ tiền liệt tuyến.
Cháo ý dĩ: ý dĩ vo sạch nấu cháo, ăn hằng ngày. Món này tốt cho người ĐTĐ khát nhiều, uống nhiều.
Cháo hoặc cơm tiểu mạch: Tiểu mạch đã xát vỏ hoặc bột mì, ngâm nước đãi sạch, nấu thành cơm hoặc cháo ăn hằng ngày. Món này thích hợp với người sốt nóng, miệng họng khô khát nước; người bệnh ĐTĐ có thể ăn nhưng phải tuân thủ định lượng theo thực đơn quy định.