1. Rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19
COVID - 19 không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm tổn thương hệ thần kinh khiến cơ quan này trở nên yếu ớt. Trên thực tế có nhiều người đang gặp phải các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…
Theo các chuyên gia, một người bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hậu COVID-19 thường có biểu hiện: Khó ngủ, ngủ không đủ giấc, thức dậy quá sớm, thức dậy nhiều lần trong đêm, mệt mỏi vào ban ngày, trầm cảm, lo lắng, thiếu tập trung, cáu kỉnh thất thường, khó tập trung, năng suất làm việc kém…
Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều lời khuyên như:
- Thực hiện chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp. Tuân thủ, duy trì thời gian ngủ và thức dậy giống nhau mỗi ngày.
- Hạn chế truy cập vào các thiết bị điện tử, tránh sử dụng điện thoại trước khi ngủ.
- Nghe nhạc nhẹ có thể giúp bạn xoa dịu tâm trí.
- Tập thể dục hàng ngày sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn…
2. Những thực phẩm bổ dưỡng tốt cho giấc ngủ
Chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Có một số loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến bạn ngủ ngon hơn nhưng cũng có những loại khiến bạn khó ngủ, mất ngủ.
Sau đây là các thực phẩm thông dụng giàu dinh dưỡng, có tác dụng an thần, giảm mệt mỏi, căng thẳng, giúp ngủ ngon, tốt cho người bị mất ngủ hậu COVID-19.
- Thịt lợn: Thịt lợn là nguồn protein chất lượng cao, có đầy đủ các axit amin thiết yếu. Thịt lợn cũng rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin nhóm B và kẽm. Do đó, đây là thực phẩm rất tốt cho người mắc COVID-19 đang trong giai đoạn hồi phục.
- Thịt gà: Thịt gà chứa nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các muối khoáng canxi, phốt pho, sắt… nên rất giàu dinh dưỡng. Thịt gà cũng giàu kẽm, một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Thịt bò: Thịt bò có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu protid, lipid; muối khoáng, vitamin… Trong thịt bò có các chất abumin chứa nhiều axit amin, mỡ, canxi, phốt pho, sắt và các vitamin A, B, D... có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, làm cường tráng cơ bắp. Thịt bò cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và đảm bảo lưu lượng máu cho não bộ, duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương.
- Tim lợn: Tim lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Các món ăn từ tim lợn không những giúp bạn đổi khẩu vị, ngon miệng mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe tốt.
- Hạt sen: Hạt sen cung cấp năng lượng cùng các dưỡng chất quan trọng thiết yếu như: tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất như vitamin B2, natri, kali, canxi, magie, phốt pho…
Trong y học cổ truyền, hạt sen là vị thuốc có tác dụng bổ tỳ, chỉ tả, ích thận, cố tinh, dưỡng tâm, an thần… Thường được dùng làm thuốc bổ, chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ…
- Củ sen: Củ sen được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc trị mất ngủ, giải độc gan, trị nóng trong, ổn định huyết áp. Củ sen cũng cung cấp nhiều chất sắt, kẽm, magie, mangan. Ăn củ sen có tác dụng an thần, giảm cholesterol xấu trong máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và ngủ ngon giấc hơn.
- Gạo lứt: Gạo lứt rất giàu vitamin và khoáng chất như: mangan, collagen, magiê, selen, đồng, phốt pho và một số vitamin B và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Loại ngũ cốc nguyên hạt này cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Long nhãn: Long nhãn cũng là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền dùng chữa mất ngủ. Long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, thư giãn thần kinh, dưỡng huyết, ngăn ngừa thiếu máu não, chống suy nhược cơ thể.
- Rau lạc tiên: Lạc tiên là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi. Người dân thường dùng lạc tiên làm rau ăn và làm thuốc chữa mất ngủ rất tốt. Theo nghiên cứu, các hoạt chất trong cây lạc tiên có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ.
- Hoa thiên lý: Hoa thiên lý là loại rau ăn ngon, mát bổ. Theo y học cổ truyền, hoa thiên lý có tính bình, vị ngọt, giúp dưỡng tâm, an thần, giải nhiệt, tiêu độc, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
3. Một số món ăn giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn
3.1. Canh rau lạc tiên nấu thịt lợn băm
Nguyên liệu:
- Thịt lợn băm 100g
- Ngọn non cây lạc tiên 1 nắm
- Gia vị vừa đủ.
Cách chế biến:
- Rau lạc tiên rửa sạch, thái nhỏ.
- Thịt băm ướp gia vị.
- Xào thịt chín, đổ nước vừa đủ nấu sôi.
- Cho rau lạc tiên vào, đun sôi đều cho rau chín, ăn kèm với cơm khi còn nóng.
3.2. Canh rau lạc tiên nấu suông
Lấy ngọn non cây lạc tiên nấu canh ăn vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ vài giờ. Có thể ăn thường xuyên khi bị khó ngủ, mất ngủ sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon, sâu giấc.
3.3. Thịt gà hầm củ sen
Nguyên liệu:
- Thịt gà ta 500g
- Củ sen 500g
- Gia vị, nấm hương.
Cách chế biến:
- Thịt gà rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị 15 phút cho ngấm.
- Nấm hương ngâm nước ấm cho mềm, thái nhỏ.
- Củ sen gọt vỏ, thái mỏng.
- Phi thơm hành, cho thịt gà vào xào chín tới rồi đổ thêm nước đủ dùng.
- Nấu sôi, vớt bọt rồi cho củ sen và nấm hương vào.
- Tiếp tục đun trên lửa nhỏ cho đến khi các nguyên liệu chín mềm. Ăn trong bữa cơm.
3.4. Tim lợn hầm hạt sen
Nguyên liệu:
- Tim lợn 1 cái
- Hạt sen 15g
Cách chế biến:
- Tim lợn rửa sạch, thái mỏng.
- Cho tim lợn cùng hạt sen vào nồi, thêm nước nấu nhừ, nêm gia vị. Ăn nóng trong bữa cơm.
3.5. Thịt lợn hầm hạt sen
Nguyên liệu:
- Thịt lợn 200g
- Hạt sen 50g
Cách chế biến:
- Thịt lợn thái nhỏ ướp gia vị.
- Xào thịt lợn chín tới, thêm vừa nước, đun sôi.
- Cho hạt sen vào đun đến khi chín mềm, ăn ngày 1 lần.
Món canh này dùng tốt cho người bị mất ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần.
3.6. Thịt bò xào hoa thiên lý
Nguyên liệu:
- Thịt bò 200g
- Hoa thiên lý 100g
- Gia vị, tỏi băm nhỏ
Cách chế biến:
- Thịt bò rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị.
- Hoa thiên lý rửa sạch, để ráo nước.
- Cho dầu vào chảo, phi thơm tỏi rồi cho thịt bò vào, đảo đều cho thịt chín tới.
- Cho hoa thiên lý vào, đảo đều, nêm gia vị. Xào thêm cho hoa thiên lý chín thì tắt bếp. Dùng ăn kèm với cơm.
3.7. Canh hoa thiên lý giò sống
Nguyên liệu:
- Hoa thiên lý 200g
- Giò sống 200g
- Nước dùng gà (có thể thay thế bằng nước xương)
Cách chế biến:
- Đun sôi nước dùng.
- Viên giò sống thành viên nhỏ, thả vào nồi nước dùng, đun đến khi giò chín nổi lên trên mặt nước.
- Cho rau thiên lý vào nồi canh, đun sôi chín rau, nêm gia vị là được.
3.8. Cháo gạo lứt long nhãn
Nguyên liệu:
- Gạo lứt 50g
- Long nhãn 10g
Cách chế biến:
- Ngâm long nhãn vào nước ấm một lúc, sau đó rửa sạch.
- Gạo lứt cho vào nồi, thêm nước nấu thành cháo.
- Cho long nhãn vào, đun nhỏ lửa ninh nhừ, ăn trong ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm
10 loại thực phẩm tốt cho phổi sau mắc COVID-19