Viêm họng cấp khi chuyển mùa thường kéo dài 3 - 4 ngày, rồi thuyên giảm dần nếu sức đề kháng tốt. Bệnh diễn biến phức tạp hơn ở trẻ em do đề kháng yếu. Vì vậy, dễ gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản, viêm họng mạn tính. Thậm chí, có nguy cơ gây thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc trẻ em bị viêm họng cấp.
1. Uống thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ và các lưu ý khi cho bé uống thuốc chữa viêm họng cấp
Khi trẻ có biểu hiện mắc viêm họng cấp, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán tình trạng hiện tại. Các bác sĩ qua thăm khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng sẽ cung cấp đơn thuốc và hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc phù hợp với sức khỏe hiện tại của trẻ.
Những điều cần tránh khi cho trẻ uống thuốc chữa viêm họng là:
- Không tự ý cho bé uống kháng sinh, uống lại các đơn thuốc cũ: lạm dụng thuốc kháng sinh có thể khiến bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn gây nhờn thuốc kháng sinh, vô cùng nguy hiểm cho quá trình điều trị.
- Không dùng kháng sinh khi trẻ mắc viêm mũi họng cấp do virus gây ra, vì kháng sinh không loại bỏ được virus. Chỉ dùng kháng sinh khi trẻ mắc viêm mũi họng cấp do vi khuẩn.
- Không tự ý dùng các thuốc ngưng sổ mũi (ví dụ: chlorpheramin hoặc desloratadin). Các thuốc này hoạt động theo cơ chế làm khô đờm nhằm ngắt cơn sổ mũi. Triệu chứng sổ mũi của trẻ có thể giảm, tuy nhiên đờm khô lại sẽ khiến không khạc được ra ngoài trẻ sẽ bị ho nhiều hơn.
- Không tự ý nhỏ các thuốc co mạch kéo dài cho trẻ.
- Không tự ý dùng các thuốc loãng đờm, đặc biệt với bé quá nhỏ vì có thể làm nặng tình trạng bệnh khi bé không thể tống đờm ra khỏi họng.
Những điều nên làm khi cho trẻ uống thuốc:
- Tạo tâm lý thoải mái vui vẻ khi uống thuốc: trẻ nhỏ hầu hết đều ngại, sợ uống thuốc. Nắm bắt được tâm lý này, bố mẹ cần tạo không khí để trẻ uống thuốc thoải mái nhất, tránh quát mắng căng thẳng. Ngoài ra có nhiều loại thuốc cho trẻ nhỏ có các hương vị thơm ngon giúp trẻ thân thiện với việc uống thuốc hơn, bố mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc này.
- Uống thuốc đúng thời điểm: khoảng thời gian sau bữa ăn 15-30 phút là thích hợp nhất để cho trẻ uống thuốc cũng như hấp thụ tốt thuốc cho cơ thể. Nếu uống ngay lập tức sau bữa ăn, trẻ co thể nôn gây phí thuốc. Nếu hiện tượng nôn sau khi uống thuốc của trẻ lặp lại nhiều lần, bố mẹ cần thay đổi cách cho bé uống thuốc hoặc nói với bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.
Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định nhằm tập trung điều trị triệu chứng viêm họng như:
- Thuốc hạ sốt: các loại thuốc hạ sốt cho trẻ em có chứa paracetamol, dùng khi trẻ sốt cao trên 38.5 °C.
- Thuốc kháng sinh: áp dụng khi bệnh trở nặng kèm triệu chứng ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh hoặc vàng.
- Tây hoặc Đông y: một số loại thuốc đặc trị Đông hoặc Tây y được chỉ định khi trẻ có biểu hiện ho nhiều. Ngoài ra, một số mẹo chữa ho đơn giản bố mẹ có thể tham khảo cho trẻ uống mật ong hấp quất, hoa hồng hấp đường, gừng, hoặc chanh muối.
- Nhỏ mũi bằng nước muối: nhỏ mũi nước muối đẳng trương (0,9) khi có dấu hiệu sổ mũi trong, ho, kém ăn.
2. Hạ sốt đúng cách cho trẻ bị viêm họng cấp
Sốt cao là một trong những triệu chứng gặp phải khi trẻ bị viêm họng. Nếu trẻ sốt quá cao trên 39 độ sẽ dễ bị co giật và để lại biến chứng lâu dài, nguy hiểm. Để giữ trẻ an toàn, bố mẹ cần nắm được những bước hạ sốt đúng cách và áp dụng khi nhiệt độ của con lên trên 38 độ C.
- Sử dụng các thuốc hạ sốt có chứa đơn chất paracetamol, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng cho bé, hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi lần dùng thuốc cách nhau 4-6 giờ, không dùng quá 5 lần mỗi 24 giờ. Liều lượng sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo hàm lượng 10 -15mg/kg cân nặng/lần uống. Theo đó: Hàm lượng 80mg dành cho trẻ 5-8kg hoặc <1 tuổi, hàm lượng 150 dành cho trẻ 10-15kg hoặc 1 -3 tuổi, 250mg dành cho trẻ 16-25 kg hoặc trẻ 4 - 6 tuổi.
- Lau người cho bé bằng khăn ấm để hạ nhiệt độ cơ thể.
- Duy trì nhiệt độ phòng ở mức 25 độ C.
- Vào thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể và đặc biệt là các khu vực cổ, bàn chân, ngực của trẻ.
- Bù nước bằng cách uống nhiều nước, uống nước hoa quả hoặc sử dụng dung dịch điện giải Oresol cam loại 5,63g/gói hoặc Oresol theo liều lượng quy định.
- Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng, thoải mái.
3. Bù nước và chất điện giải đúng cách
Ngay cả khi trẻ không còn sốt, việc cung cấp đủ nước và chất điện giải cho trẻ khi mắc viêm họng là cần thiết. Bạn có thể cung cấp nước bằng cháo, súp, nước trái cây, nước lọc,…dung dịch điện giải.
Một số lưu ý khi dùng thuốc bù điện giải cho trẻ bị viêm họng:
- Sử dụng đúng liều lượng quy định.
- Chỉ dùng dung dịch đã pha trong 24 tiếng, bảo quản kỹ, loại bỏ nếu nhiễm bẩn.
- Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Điều đó khiến các thành phần không đồng nhất và gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
- Không pha với nước khoáng, làm sai lệch nồng độ, chỉ nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội.
- Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.
4. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ bị viêm họng
Khi trẻ mắc viêm họng cấp, sốt cao, nhiều bố mẹ hạn chế không tắm cho trẻ tuy nhiên điều này không được khuyến khích. Trẻ cần được đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, giúp cơ thể thông thoáng dễ chịu hơn, đồng thời tắm cũng giúp giảm nhiệt độ cơ thể, hạ sốt.
Cách tắm cho trẻ khi bị viêm họng, sốt:
- Đo nhiệt độ trước khi tắm để nắm được thân nhiệt, từ đó có phương pháp tắm phù hợp.
- Pha nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ C.
- Tắm trong phòng kín gió, tránh gió lùa, nhiệt độ phòng ổn định.
- Gội đầu trước, thao tác nhanh, tiếp đến phần thân.
- Lau khô trẻ bằng khăn bông mềm và mặc quần áo thoáng, thấm hút tốt.
- Lưu ý thời gian tắm không nên quá lâu.
5. Chăm sóc, vệ sinh mũi họng cho trẻ bị viêm họng cấp
Khi con mắc viêm họng cấp, khu vực mũi họng sẽ tiết nhiều dịch mủ, đờm gây khò khè, khó thở cho trẻ. Nếu không thường xuyên vệ sinh loại bỏ các dịch nhày, bệnh sẽ lâu khỏi hơn. Cần chú ý thường xuyên vệ sinh khu vực mũi họng trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,09% NaCI.
- Đối với trẻ sơ sinh: có thể dùng dụng cụ hút mũi, tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Làm sạch răng miệng của trẻ bằng dụng cụ rơ lưỡi đều đặn sáng và tối.
- Đối với trẻ lớn hơn: có thể nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sáng và tối, mỗi lần không ít hơn 2 phút. Ngoài ra, súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối.
6. Chế độ dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ
Xây dựng một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng cần thiết, đặc biệt một chế độ ăn khoa học sẽ giúp trẻ nâng cao miễn dịch từ đó nhanh chóng phục hồi và hạn chế tái phát bệnh.
Nhưng thực phẩm cần thiết bổ sung cho trẻ khi mắc viêm họng cấp là:
- Thức ăn chứa hàm lượng vitamin A và C giúp tăng đề kháng, bảo vệ và làm dịu niêm mạc cổ họng, tăng sức bền thành mạch: Cà rốt, cam, gấc, rau ngót, rau dền,..
- Thực phẩm chứa khoáng chất như sắt, kali,…có tác dụng làm lành thương tổn niêm mạc cổ họng: cua, nấm hương, mộc nhĩ, rau dền đỏ,…
- Mật ong, chanh muối, gừng, quất,…là các thực phẩm có tác dụng giảm viêm, giảm đau nên bổ sung trong chế độ chăm sóc trẻ viêm họng.
- Bổ sung nước trái cây: cam, chanh, dưa hấu,…
Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của trẻ mắc viêm họng cấp như:
- Sử dụng thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu hóa, tránh được khó chịu khi nuốt và thương tổn niêm mạc cổ họng.
- Thay đổi thực đơn đa dạng, phong phú thường xuyên giúp cung cấp đủ dưỡng chất và tạo cảm giác ngon miệng.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn theo nhu cầu của trẻ, không ép trẻ ăn.
- Không sử dụng các loại đồ uống lạnh, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Chế dộ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mắc viêm họng cấp:
Cho bé bú nhiều cữ trong ngày: sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp tăng cường đề kháng của trẻ, nên tăng liều lượng sữa mẹ để trẻ hấp thu nhiều dưỡng chất hơn.
7. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng
Môi trường không khí nhiều bụi bẩn sẽ gây hại nghiêm trọng đến đường hô hấp. Việc giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ làm giảm đi nguy cơ tái phát các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm mũi họng cấp.
Do đó, khi chăm sóc trẻ viêm họng phụ huynh cần lưu ý:
- Đeo khẩu trang tránh bụi, đeo bao tay,… cho trẻ khi ra đường
- Giữ nhà ở thoáng mát, tránh ẩm thấp
- Không để trẻ tiếp xúc với các loại khói thuốc, khói bếp,…
- Tránh quạt, máy lạnh quạt thẳng vào mặt hoặc đầu trẻ, giữ nhiệt độ điều hòa ổn định ở mức 25 độ C.
- Hạn chế tới những nơi đông người, nếu mắc bệnh cần cách ly, không để tiếp xúc lây lan.
- Thường xuyên thay chăn, ga, gối đệm,…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm khô trong không khí.
8. Khi nào cần đưa trẻ bị viêm họng cấp đi khám ngay?
Một số triệu chứng thông thường khi trẻ bị viêm họng cấp là:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể lên đến 39 - 40 độ C.
- Chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, hắt hơi, nuốt khó, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi.
- Ho khan hoặc ho có đờm.
- Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ, phải thở bằng miệng do ngạt mũi.
- Trẻ nôn, đi ngoài phân lỏng.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi có những biểu hiện như:
- Sốt cao liên tục trên 38 độ C, đã sử dụng các biện pháp hạ sốt nhưng không có tác dụng, co giật.
- Trẻ ho dai dẳng, giữ dội, thở gấp, thở khó, co rút lồng ngực.
- Trẻ đi ngoài ra phân lỏng nhiều lần trong ngày, trẻ nôn chớ nhiều.
- Các triệu chứng liên tục trong 2 ngày điều trị không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Chảy dịch tai.
Trên đây là tổng hợp các lưu ý cho bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng cấp tại nhà. Một trẻ có thể tái đi tái lại viêm mũi họng cấp từ 4 – 6 lần trong một năm ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt vào giai đoạn giao mùa, mùa lạnh hay mùa hè nóng bức. Chính bởi sự thường xuyên này, cha mẹ cần trang bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc, ngăn ngừa và điều trị đúng cách cho con, giúp con luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.