1. Bất kỳ loại thuốc nào đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng
Thuốc được dùng để phòng ngừa và chữa bệnh. Tuy nhiên bên cạnh lợi ích thì thuốc có thể gây ra một số nguy cơ cho người sử dụng. Bất kỳ loại thuốc nào, kể cả vitamin, thuốc bổ đều có khả năng 'gây hại' cho người sử dụng nếu không được dùng đúng cách.
Vì vậy điều quan trọng nhất cần nhớ là khi có bệnh nên dùng thuốc do bác sĩ kê đơn theo đúng chỉ định, không được tự ý tăng giảm liều lượng, khoảng cách dùng thuốc. Bởi dùng quá liều cũng không có lợi ích mà tăng nguy cơ bất lợi, dẫn đến ngộ độc thuốc, thậm chí tử vong.
Trong quá trình điều trị nên tái khám theo lịch trình hẹn của bác sĩ và thông báo cho bác sĩ biết rõ về bất kỳ phản ứng phụ nào nếu có khi sử dụng thuốc. Qua đó, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác phù hợp hơn.
Không giới thiệu cho người khác các loại thuốc do bác sĩ chỉ định cho mình, cũng như không tự ý mua thuốc uống theo lời mách bảo của người khác. Vì các triệu chứng và tình trạng thể chất là khác nhau giữa các cá nhân nên mỗi đơn thuốc do bác sĩ chỉ định sẽ chỉ dành riêng cho một cá nhân cụ thể.
2. Làm thế nào để uống thuốc đúng cách
Không phải ai cũng gặp phải các tác dụng phụ giống nhau, và hầu hết chúng sẽ giảm dần sau khi sử dụng thuốc một thời gian. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm buồn nôn, táo bón và chóng mặt.
Các loại thuốc khác nhau có thể tương tác với nhau và một số có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Ví dụ, thuốc an thần không nên dùng chung với đồ uống có cồn. Do đó, nên thông báo cho bác sĩ trong quá trình tư vấn y tế về những loại thuốc mình đang sử dụng và tuân thủ những hướng dẫn trên nhãn thuốc để tránh nguy hiểm.
3. 8 điều cần lưu ý khi uống thuốc:
1. Hiểu rõ về cách sử dụng thuốc (ví dụ: uống với nước, đặt dưới lưỡi, nhai trước khi nuốt, hít vào, đưa vào trực tràng hoặc bôi ngoài...).
2. Đọc kỹ nhãn thuốc và chú ý đến các chi tiết bao gồm liều lượng, lịch dùng thuốc, hiệu quả, chống chỉ định và tác dụng phụ. Ví dụ, một số loại thuốc nhất định có thể gây buồn ngủ và do đó có thể gây nguy hiểm nếu phải vận hành máy móc và lái xe sau khi dùng thuốc.
3. Trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên dùng cùng lúc nhiều loại thuốc, kể cả thuốc bắc, thuốc nam, thảo dược và thuốc tránh thai để tránh tương tác thuốc.
4. Trong trường hợp xảy ra phản ứng có hại, như phát ban, đau đầu và đau bụng, hãy ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
5. Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên tự ý sử dụng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể đi vào nhau thai hoặc sữa mẹ và gây tác động xấu đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
6. Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc và loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng.
7. Các loại thuốc nói chung cần được cất giữ ở nơi khô ráo và thoáng mát, nhưng một số loại thuốc, như các sản phẩm insulin và thuốc kháng sinh dạng lỏng, cần được giữ trong tủ lạnh theo quy định trên nhãn. Không bảo quản thuốc trong ngăn đá tủ lạnh vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả. Thuốc cần được bảo quản đúng cách để tránh nguy cơ trẻ vô tình uống nhầm.
8. Hầu hết các loại thuốc uống như viên nén nên được nuốt toàn bộ với nước. Không được bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc trước khi dùng trừ khi có chỉ dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như dược sĩ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi