Bạch quả hay còn gọi Ginkgo biloba là hạt chín già của cây bạch quả (Ginkgo biloba L.), thuộc họ bạch quả (Ginkgoaceae). Trong dân gian còn có nhiều tên gọi khác như bạch quả nhân, ngân hạnh nhân…,
Bạch quả có các chất như carbohydrate, lipid, protein, acid, ginkgenic... Lá cây bạch quả có flavonoid, tritecpenid…; dùng cho người rối loạn trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não, tăng độ bền thành mạch…
Bạch quả có thể được dùng như một phương thuốc tốt cho chứng thiếu máu não gây đau đầu, đau nửa đầu và thậm chí là lo lắng. Nó cũng cung cấp các lợi ích bảo vệ tổng thể cho sức khỏe của bạn thông qua nhiều chất chống oxy hóa quan trọng khác.
1. 8 lợi ích sức khỏe của Ginkgo biloba
Ginkgo biloba được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông từ hàng ngàn năm nay cho nhiều mục đích. Theo những gì nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra, đây là những lợi ích sức khỏe Ginkgo biloba có thể cung cấp:
1.1 Bạch quả có ích cho chứng tăng động giảm chú ý
Ginkgo biloba cải thiện lưu lượng máu đến não, gây ra sự gia tăng đáng kể lưu thông máu ở vỏ não thị giác. Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tuần trên trẻ em bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), Ginkgo biloba cải thiện các triệu chứng tốt hơn so với giả dược. Các nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất từ cây bạch quả có thể giúp cải thiện tuần hoàn não và tuần hoàn ngoại biên, cải thiện chức năng tiền đình và thính giác.
1.2 Bảo vệ bộ não chống lại quá trình lão hóa
Ginkgo cho thấy hứa hẹn trong việc cải thiện các triệu chứng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, điều này cho thấy nó cũng có thể giúp bảo vệ chống thoái hóa thần kinh ở những người khỏe mạnh. Trong một phân tích tổng hợp các nghiên cứu liên quan đến bạch quả và bệnh nhân Alzheimer, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng bổ sung bạch quả từ 3 đến 6 tháng có thể cải thiện chức năng nhận thức ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.
1.3 Chiết xuất bạch quả có thể giúp giảm lo âu
Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần trên những người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát sử dụng 480mg ginkgo biloba mỗi ngày đã cải thiện đáng kể các triệu chứng so với giả dược. Một nghiên cứu khác cho rằng những kết quả này đến từ khả năng điều chỉnh các thụ thể axit gamma-aminobutyric (GABA) của bạch quả.
1.4 Tăng cường ham muốn tình dục
Một trong những nguyên nhân phổ biến của việc ức chế ham muốn tình dục hoặc ham muốn tình dục thấp là việc sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Trong một nghiên cứu trên đàn ông và phụ nữ dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) và các loại thuốc chống trầm cảm khác, Ginkgo biloba đã cải thiện ham muốn tình dục, bôi trơn và cực khoái ở 84% người tham gia.
Trong số những người tham gia là nữ, tỷ lệ thành công là 91%. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ginkgo biloba có hiệu quả tăng cường ham muốn và chức năng tình dục ở phụ nữ mãn kinh.
1.5 Bạch quả giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở phụ nữ
Ginkgo biloba đã được tìm thấy trong các nghiên cứu để cải thiện các triệu chứng PMS ở phụ nữ. Trong một nghiên cứu theo dõi những phụ nữ trong 3 chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng căng và đau ở ngực đã giảm nhờ Ginkgo biloba, cũng như các triệu chứng tâm thần kinh. Một nghiên cứu khác chỉ xem xét 2 chu kỳ liên tiếp đã phát hiện ra rằng 40 mg chiết xuất lá bạch quả giúp cải thiện các triệu chứng của PMS tốt hơn so với giả dược, bao gồm cả các triệu chứng về thể chất và tâm lý.
1.6 Hỗ trợ trị một số cơn đau đầu và đau nửa đầu
Trong y học cổ truyền, bạch quả được kê đơn để điều trị đau đầu và đau nửa đầu. Bạch quả có chứa flavone glycoside và terpene giúp duy trì lượng máu chảy về não, cải thiện lưu lượng máu não và có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, giảm viêm. Tuy nhiên, đau đầu do các nguyên nhân khác có thể không đáp ứng với Ginkgo biloba.
1.7 Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nhiều lợi ích của bạch quả với tim mạch đến từ khả năng tăng cường lưu thông máu. Theo y học cổ truyền phương Đông, bạch quả thực sự mở các kinh mạch trong cơ thể và cho phép các cơ quan quan trọng như phổi, gan và não được kích thích bằng "khí". Ở những người có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ, các mạch máu thường không thể giãn ra đủ để máu lưu thông.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Phytotherapy Research, những người tham gia được cho uống Ginkgo biloba đã ngay lập tức tăng lưu lượng máu và tăng 12% oxit nitric. Oxit nitric rất quan trọng đối với sức khỏe của tim, vì nó giúp làm giãn mạch máu.
1.8 Cung cấp hỗ trợ chống oxy hóa
Bên cạnh khả năng giảm viêm và tăng lưu lượng máu, hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ của bạch quả cũng chịu trách nhiệm cho nhiều lợi ích sức khỏe của nó. Các chất chống oxy hóa trong bạch quả có khả năng cải thiện sự lo lắng, cũng như bảo vệ chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh.
Chất chống oxy hóa hoạt động bằng cách vô hiệu hóa các gốc tự do xâm nhập vào cơ thể từ môi trường hoặc do chức năng trao đổi chất bình thường. Bằng cách ngăn ngừa tổn thương oxy hóa do các gốc tự do gây ra, chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại tổn thương tế bào và DNA, từ đó bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính.
2. Một số món ăn từ bạch quả hỗ trợ trị bệnh
- Gà hầm hạt sen, bạch quả: thịt gà 100g, rượu trắng 30ml, hạt sen (bỏ tâm) 10g, bạch quả nhân 10g, thêm nước, hầm nhỏ lửa, thêm gia vị mắm muối. Chia ăn 1 - 2 lần trong ngày. Dùng cho phụ nữ cơ thể suy nhược, khí hư bạch đới.
- Chè bạch quả mật ong: Bạch quả 10g (bỏ vỏ), thêm nước nấu chín, rồi thêm mật ong vừa đủ, ăn chè và bạch quả mỗi tối trước khi đi ngủ. Có tác dụng hổ trợ trong điều trị bệnh suyễn.
- Trà bạch quả: Cho 1 muỗng cà phê lá bạch quả trong 100ml nước sôi hãm trong vòng 5 - 7 phút. Uống 1 - 2 ly mỗi ngày sẽ giúp chống căng thẳng, stress.
3. Liều lượng và lưu ý khi dùng Ginkgo biloba
Lá bạch quả và chiết xuất từ lá bạch quả được xem là an toàn, được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn và được ứng dụng rộng rãi. Tác dụng phụ của Ginkgo biloba rất hiếm, trừ khi dùng với liều lượng vượt quá giới hạn khuyến cáo.
TS. Nguyễn Đức Quang - nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, hằng ngày có thể dùng Ginkgo biloba với liều 4-12g bằng cách ăn sống, nướng, rang, sắc hoặc nấu nước uống.
Các tác dụng phụ tiềm ẩn của bạch quả có thể bao gồm nhức đầu, chóng mặt, tim đập nhanh và rối loạn chức năng đường tiêu hóa.
Tuy nhiên vì bạch quả có thể có tác động lên quá trình đông máu nên những bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chế phẩm từ bạch quả.
TS. Nguyễn Đức Quang lưu ý, không nên dùng nhiều trong 1 lần, phòng ngộ độc; đặc biệt là trẻ em. Nếu bị ngộ độc bạch quả có thể gặp các triệu chứng: nhức đầu, phát sốt, co rút gân, bứt rứt khó chịu, nôn mửa, khó thở... Lúc này phải lấy ngay 125g cam thảo hoặc 63g vỏ quả bạch quả sắc uống để giải độc và đưa đi khám luôn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Nguy kịch vì tự ý dùng thuốc nam chữa ung thư.