8 lợi ích không ngờ khi giảm cân ở người đái tháo đường

SKĐS - Giảm cân từ 5 -10% trọng lượng cơ thể, có thể giúp người bệnh quản lý tốt hơn tình trạng đái tháo đường type 2 và kiểm soát lượng đường trong máu.

Đối với bất kỳ ai, duy trì cân nặng khỏe mạnh đều mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe và giúp quản lý tốt đường máu (ở người bệnh đái tháo đường type 2).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, giảm cân có thể tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh như huyết áp cao và sự tích tụ mảng bám trong động mạch...

Việc giảm từ 5 – 10% trọng lượng cơ thể đã được chứng minh là giúp một số người bệnh giảm lượng thuốc trị đái tháo đường mà họ cần. Do đó, giảm cân nằm trong danh sách ưu tiên đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thừa cân béo phì.

photo-1697680633557

Duy trì hoặc giảm cân là rất quan trọng để quản lý bệnh tiểu đường thành công.

Dưới đây là những lợi ích sức khỏe khi giảm cân:

1. Giảm cân giúp cải thiện tình trạng kháng insulin ở người đái tháo đường

Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK), bệnh đái tháo đường type 2 là khi cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin do tuyến tụy sản xuất và lượng đường trong máu tăng lên. Điều này còn được gọi là tình trạng kháng insulin và thường liên quan đến tình trạng thừa cân.

Việc giảm cân sẽ giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin và làm giảm tình trạng kháng insulin. Cơ thể có thể sử dụng insulin dễ dàng và hiệu quả hơn. Theo một nghiên cứu trước đây, độ nhạy insulin dường như được cải thiện do giảm cân vì phản ứng viêm ở cơ giảm. Và khi tình trạng kháng insulin giảm xuống, sẽ giúp cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn.

2. Cải thiện kết quả A1C tốt hơn

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), xét nghiệm A1C cung cấp hình ảnh về mức đường huyết trung bình trong hai đến ba tháng trước đó. Đây là xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh đái tháo đường. Khi độ nhạy insulin được cải thiện do giảm cân thì kết quả xét nghiệm A1C sẽ tốt hơn.

TS. Deena Adimoolam, bác sĩ nội tiết tại Summit Health ở Clifton, New Jersey, cho biết: Đây là lý do tại sao thay đổi lối sống thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh đái tháo đường type 2.

3. Giảm huyết áp và cải thiện cholesterol

Theo CDC, bệnh tim và đái tháo đường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Huyết áp cao và tăng cholesterol là những tình trạng phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Huyết áp cao có thể làm tổn thương thành động mạch. Có quá nhiều cholesterol và chất béo trung tính LDL (có hại), có thể dẫn đến tích tụ trên thành động mạch dẫn tới tổn thương và các biến chứng nặng hơn.

Thừa cân sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. TS. Adimoolam cho biết, thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ gây ra cholesterol cao, tăng huyết áp và bệnh động mạch vành, nhưng giảm cân có thể làm giảm các nguy cơ này.

Trong một nghiên cứu trên 401 người thừa cân hoặc béo phì, những người giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể đã giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và cholesterol LDL. Những người giảm hơn 10%, thậm chí còn nhận thấy sự cải thiện nhiều hơn. Những bệnh nhân có nguy cơ cao cũng giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói.

4. Giảm nguy cơ tổn thương mạch máu

Béo phì và kháng insulin có liên quan đến tình trạng viêm mạch máu. Giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ này. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, khi bệnh béo phì tiến triển, các tế bào lưu trữ chất béo (tế bào mỡ) trong cơ thể trở nên to ra và căng thẳng. Điều này có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.

Tập thể dục và giảm cân làm giảm tình trạng kháng insulin và cũng có thể dẫn đến giảm lượng phân tử nhất định được tìm thấy trong máu có liên quan đến tình trạng viêm.

5. Giảm nguy cơ ngưng thở khi ngủ

Theo SleepFoudation, bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ (một chứng rối loạn giấc ngủ). Theo một nghiên cứu cho thấy, có tới 71% người trưởng thành mắc đái tháo đường type 2, mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, giảm cân có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ này.

Ngoài ra, theo Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, ngủ ngon có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, vì mất ngủ sẽ dẫn đến tăng tình trạng kháng insulin. Mất ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến việc quản lý bệnh đái tháo đường theo những cách khác nhau.

Ngủ không ngon có thể làm giảm động lực tập thể dục và làm tăng cảm giác đói do rối loạn hormone. Chế độ ăn uống kém và thiếu tập thể dục càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về kiểm soát lượng đường trong máu.

6. Tăng tính di chuyển và vận động

8 lợi ích không ngờ khi giảm cân ở người đái tháo đường - Ảnh 2.

Giảm cân sẽ làm giảm tiến triển của bệnh đái tháo đường.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến khả năng vận động cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh. Các vấn đề liên quan đến khả năng di chuyển tăng lên, khi mức độ béo phì và không hoạt động thể chất tăng lên.

Những người mắc bệnh đái tháo đường cũng thường gặp các vấn đề về xương và khớp. Điều này có thể hạn chế hoạt động. Việc giảm cân sẽ giúp các hoạt động hàng ngày trở nên dễ dàng hơn và tránh các vấn đề liên quan đến việc di chuyển.

Trong trường hợp này, giảm cân một chút có thể giúp ích rất nhiều, thậm chí giảm 1% trọng lượng cơ thể, giúp giảm hơn 7% các vấn đề về vận động của một cá nhân.

7. Tăng năng lượng và cải thiện tâm trạng

Khi giảm cân thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh, mức năng lượng sẽ tăng lên và tâm trạng được cải thiện.

Theo CDC, việc giảm cân và giữ cân nặng khỏe mạnh còn giúp cải thiện sự tự tin. Giảm cân thực sự có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần, bởi vì mọi người cảm thấy tốt hơn về bản thân và tốt hơn về những lựa chọn mà họ đang thực hiện. Sự thúc đẩy này có thể mang lại cho mọi người động lực để quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn và tiếp tục các thói quen lành mạnh của mình.

8. Làm chậm tiến triển của của bệnh

Theo Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, việc giảm cân có thể làm giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2. Giảm cân có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và thậm chí có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.

Đối với người đã được chẩn đoán đái tháo đường, việc giảm béo cũng có thể giúp ích cho họ và thay đổi diễn biến của bệnh (làm chậm sự phát triển của bệnh).

Bệnh đái tháo đường không thể chữa khỏi nhưng nó có thể thuyên giảm, nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng cũng giảm đi. Nếu một người đang trong tình trạng thuyên giảm quay lại thói quen ăn uống không lành mạnh như cũ, thì bệnh đái tháo đường có thể bùng phát trở lại.

Đối với người bệnh đái tháo đường, nên lựa chọn những thay đổi trong lối sống mà bạn có thể duy trì, thay vì dựa vào các chế độ ăn kiêng lỗi thời để giảm cân và kiểm soát cân nặng.

Theo ADA, nên bắt đầu với các trụ cột của việc ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống, cũng như thịt nạc và protein từ thực vật; đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và hạn chế ăn đường…Tất cả những điều này sẽ giúp quản lý cân nặng cũng như bệnh đái tháo đường type 2 và các biến chứng của bệnh...

Thuốc Metformin trị đái tháo đường gây tiêu chảy khắc phục thế nào?Thuốc Metformin trị đái tháo đường gây tiêu chảy khắc phục thế nào?

SKĐS - Metformin là một thuốc trị đái tháo đường phổ biến, nhưng có thể gây tiêu chảy, khiến người bệnh có thể bỏ trị. Vậy người dùng có được bỏ thuốc không và cách khắc phục bất lợi này như thế nào?


BS. Tăng Minh Hoa
Ý kiến của bạn