1. Ăn uống không hợp lý làm nặng thêm bệnh viêm đại tràng
Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, có nhiệm vụ hấp thụ nước và dưỡng chất từ thức ăn còn sót lại qua quá trình tiêu hóa trước đó và đào thải các chất cặn bã.
Theo các bác sĩ, viêm đại tràng là căn bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng nên người bệnh thường cảm thấy chán ăn, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Do đó, người bệnh cần đi khám để có biện pháp điều trị đúng, đồng thời cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp.
Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý rất quan trọng đối với người bệnh viêm đại tràng. Nguyên nhân bởi các tổn thương viêm tại đại tràng có thể cản trở quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên giảng viên chuyên khoa dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, ngoài việc dùng thuốc thì dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần làm giảm sự kích thích, tổn thương niêm mạc đại tràng. Ngược lại, nếu ăn uống không khoa học sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Người bệnh viêm đại tràng nên ăn các thực phẩm tốt cho đại tràng và sự phục hồi như: ngũ cốc tinh chế, khoai tây, khoai sọ, thịt nạc, cá, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, rau ngót, rau cải, sữa chua, sữa đậu nành…
Tránh dùng thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng, thức ăn thô cứng, thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường…
2. Một số thực phẩm nên hạn chế khi bị viêm đại tràng
Ngũ cốc nguyên hạt
Mặc dù ngũ cốc nguyên hạt mang lại lợi ích cho sức khỏe tiêu hóa nói chung, nhưng người bị viêm loét đại tràng nên hạn chế ngũ cốc nguyên hạt vì nó có thể gây khó tiêu. Nên sử dụng các thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc tinh chế sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn như cơm trắng, cháo, súp…
Thực phẩm giàu chất xơ
Tiêu thụ nhiều chất xơ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm đại tràng như đầy hơi, khó tiêu. Tuy nhiên, thực phẩm giàu chất xơ chủ yếu là rau củ lại chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe nên bạn không nên loại bỏ chúng hoàn toàn. Thay vào đó, nên hạn chế các loại rau có nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi như: các loại đậu, bắp cải, bông cải xanh…
Vỏ của rau củ và trái cây có thể khó tiêu hóa hơn do hàm lượng chất xơ cao. Nên hạn chế các loại trái cây và rau quả như táo, đào, cà tím...
Thức ăn béo
Thực phẩm protein giàu chất béo như các loại thịt bò, thịt lợn béo và thịt chế biến sẵn như: thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích… chứa nhiều chất béo bão hòa đều có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm.
Thực phẩm có chứa lactose
Thực phẩm có chứa lactose là thực phẩm kích thích phổ biến ở những người bị viêm đại tràng. Nếu bạn biết mình không dung nạp lactose, tốt nhất nên tránh các thực phẩm có chứa lactose như bơ, kem, sữa…
Đồ ngọt
Nên giảm số lượng đồ ngọt đậm đặc trong khi bạn đang có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do viêm đại tràng. Tốt nhất nên tránh các thực phẩm chứa đường bổ sung như bánh ngọt, kẹo, mứt…
Đồ uống có gas
Những đồ uống này chứa sự kết hợp của các thành phần, bao gồm đường và caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh viêm đại tràng như tiêu chảy. Ngoài ra, cacbonat cũng có thể gây đầy hơi, khó chịu ở bụng.
Các loại hạt
Ăn nhiều những thức ăn cứng như các loại hạt dễ gây tổn thương niêm mạc đại tràng đồng thời có thể khó tiêu hóa. Tốt nhất nên hạn chế tiêu thụ các loại hạt cứng như: hạnh nhân, hướng dương, quả óc chó…
Rượu bia
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống rượu có thể gây ra hậu quả đáng kể đối với những người đang cố gắng kiểm soát bệnh viêm đại tràng. Rượu không chỉ có thể dẫn đến mất nước và viêm ruột mà còn tạo ra mối lo ngại về tương tác thuốc. Vì vậy, cách tốt nhất là tránh uống rượu hoàn toàn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Căn bệnh có 1 tỷ người mắc phải, dễ dẫn đến nhiều loại ung thư.