Trứng được coi là một loại "siêu thực phẩm", nhưng khi chế biến cần lưu ý không kết hợp trứng cùng một số thực phẩm sau:
Trứng kỵ với thực phẩm nào?
1. Quả hồng
Hồng và trứng đều là những thực phẩm bổ dưỡng nhưng khi kết hợp với nhau lại là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm ruột cấp tính với các dấu hiệu chủ yếu như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng.
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên - Thành viên Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, hồng có chứa tannin, có nhiều ở vỏ. Khi ăn hồng cùng với trứng là thực phẩm chứa nhiều đạm, tannin trong hồng có thể kết nối trực tiếp với chất đạm và các khoáng chất tạo thành các phân tử không tan và khó phân hủy, dễ gây viêm ruột.
Lúc này, nên uống ngay một cốc nước muối pha loãng để gây nôn hoặc cũng có thể uống nước gừng tươi để giải độc. Có rất nhiều cách làm nước gừng tươi cực kỳ đơn giản: Chỉ cần vài lát gừng ngâm trong nước nóng từ 15 - 20 phút, hoặc đập dập gừng đun sôi nhỏ lửa cùng với nước để uống.
2. Cá
Không phải lúc nào kết hợp trứng và cá trong một món ăn cũng tốt. Một số nghiên cứu cho rằng avidin, một thành phần có trong trứng gà, có thể vô hiệu hóa vitamin B7 mà cá có dầu chứa một lượng lớn.
3. Óc lợn
Óc lợn tráng cùng trứng là món ăn thơm ngon, hấp dẫn mà nhiều người rất thích ăn. Tuy nhiên, khi dùng chung hai thực phẩm này sẽ làm tăng cholesterol trong máu. Vì vậy, không nên ăn nhiều món này, nhất là những người bị bệnh tăng huyết áp.
4. Khoai tây
Khoai tây chứa các khoáng chất cản trở quá trình hấp thụ sắt và canxi từ trứng. Vì vậy, việc chế biến các món ăn chỉ dựa trên hai nguyên liệu này là vô cùng sai lầm. Kết hợp với nhau, những thực phẩm này được tiêu hóa kém, thậm chí có thể gây khó tiêu.
5. Tỏi
Khi tráng trứng, thường mọi người sẽ cho thêm hành để tăng hương vị cho món ăn. Những cũng có nhiểu người lại thích cho thêm tỏi khi chế biến trứng mà không hề biết rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Trứng khi ăn nhiều sẽ đầy bụng, khó tiêu. Tỏi lại mang tính nóng, có thể gây rối loạn tiêu hóa khi sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, tỏi còn gây kích ứng dạ dày nên với những người bị dạ dày thì càng không nên ăn nhiều tỏi.
Ngoài ra, tỏi khi phi lên chiên xào hoặc trộn trong món ăn với trứng như trứng tráng, trứng chưng... sẽ dễ gây cháy xém, hình thành nên độc tố gây bệnh cho cơ thể.
6. Sữa đậu nành
Nhiều người có thói quen kết hợp sữa đậu nành và trứng rán cho bữa sáng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu không nên kết hợp hai loại thực phẩm này. Vì sữa đậu nành có chứa nhiều protein thực vật, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất… có tác dụng bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Nhưng sữa đậu nành cũng chứa trypsin, chất có thể ức chế hoạt động của con người, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ của protein trong cơ thể.
Khi kết hợp trứng và sữa đậu nành, protein trong trứng có thể được kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành, làm cho quá trình phân hủy protein bị cản trở và làm giảm tỷ lệ hấp thụ của protein trong cơ thể. Ngoài ra, trong sữa đậu nành có protidaza gây kiềm chế protein trong trứng gà, ảnh hưởng tiêu hóa.
7. Sữa
Trong sữa có chứa một hàm lượng chất lactose, là một thể trong hai loại đường galactose và glucose dimmer. Trong trứng lại có chứa rất nhiều chất protein, giúp phân giải các axit amin.
Khi ăn hai thực phẩm này cùng với nhau sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ chất lactose. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng khác lại khó được tiêu hóa. Do đó, nên hạn chế ăn hai loại thực phẩm này với nhau.
8. Nước trà
Nhiều người có thói quen uống trà hoặc nước chè đặc sau bữa ăn vì cho rằng nước trà giúp sạch miệng và giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, uống trà ngay sau khi ăn trứng lại thực sự không tốt cho sức khỏe. Vì trà chứa nhiều axit tannic kết hợp với protein sẽ tạo thành protein axit tannic, làm chậm hoạt động của nhu động ruột. Làm cho phân sẽ bị lưu trữ lâu trong ruột gây táo bón, tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Ăn trứng thế nào là tốt?
1. Dùng cho cả trẻ em và người lớn
Trứng là thức ăn quen thuộc và giàu chất dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng lại có tỷ lệ cân đối, do vậy trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:
* Với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà;
- Trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút;
- Trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả;
- Trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần.
* Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn khoảng 3 quả/tuần,
- Người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều.
2. Không nên ăn trứng sống
Theo BS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, chất khoáng... Nhiều người cho rằng ăn sống hoặc hút trứng gà sống sẽ dễ hấp thu dưỡng chất hơn là ăn chín, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm.
- Trứng sống có thể chứa salmonella, khi ăn trứng bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm và một số triệu chứng dẫn đến sinh non ở phụ nữ mang thai.
- Người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bệnh đái tháo đường… nếu ăn trứng sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc.
- Khi ăn trứng sống trong lòng trắng trứng sống còn có một chất gây cản trở cơ thể hấp thu biotin (vitamin H). Đây là một dưỡng chất không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và bột đường, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể.
- Trứng sống gây ra tình trạng mất ngủ, rụng tóc nếu ăn trong một thời gian dài. Do vậy cách tốt nhất là chế biến trứng chín để ăn an toàn và bổ dưỡng nhất.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Video chỉ dẫn dinh dưỡng cho F0, F1 tại nhà.