1. Lê: Chứa nhiều chất xơ
Quả lê còn được gọi là sa lê, khoái quả, bạch lê, ngọc nhũ, tuyết lê, mật phụ, thường được trồng ở miền Bắc nước ta nhưng không nhiều. Theo Đông y, quả lê có vị chua ngọt, tính lương, tốt cho người ho khan, sốt nóng, táo bón, người bệnh đái tháo đường...
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một quả lê cung cấp 5,58 g chất xơ, khiến nó trở thành một nguồn dinh dưỡng tốt. Chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, Ruggles cho biết, chất xơ rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại Mỹ cho thấy các loại thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm cả lê, có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh do thúc đẩy cảm giác no, có thể ngăn ngừa việc ăn quá nhiều.
Quả lê
2. Dứa: Có đặc tính chống lại bệnh tật
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả dứa chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, dứa còn chứa bromelin có nhiều đặc tính chữa bệnh.
Theo USDA, dứa giống như trái cây họ cam quýt, là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, với 78,9 miligam (mg) trong 1 cốc. Loại trái cây nhiệt đới này cũng có những lợi ích sức khỏe khác, bao gồm hoạt động chống viêm và chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tật cũng như những lợi ích đối với hệ thần kinh và tiêu hóa.
Quả dứa có đặc tính chữa bệnh.
3. Quả nam việt quất: Bảo vệ trái tim
Một đánh giá trước đây tại Mỹ cho thấy quả nam việt quất có thể giúp giảm mức cholesterol cũng như nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành. Hơn nữa, chúng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, với 14 mg trong 1 cốc quả nam việt quất nguyên quả, theo USDA. Bạn có thể bổ sung nam việt quất vào món salad hoặc ăn trực tiếp như mọi loại trái cây khác.
4. Quả hồng: Cung cấp vitamin A tăng cường miễn dịch
Quả hồng còn được gọi là thị đinh, mác pháp, được du nhập vào nước ta và trồng chủ yếu ở miền Bắc. Theo y học cổ truyền, quả hồng có vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng nhuận phế, tiêu đờm...
Theo USDA, loại trái cây này là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, với 138 microgam (mcg) trong một quả. Theo một đánh giá từ USDA, vitamin A có thể tăng cường chức năng miễn dịch và giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm.
quả hồng bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
5. Cam: Chứa lượng vitamin C cao
Theo y học cổ truyền, múi cam có vị ngọt, chua, tính hơi mát, tác dụng giải khát, chữa ho, được dùng nhiều khi cơ thể mệt mỏi, chán ăn... Bên cạnh đó, vỏ cam có mùi thơm, vị cay, tính ẩm, thường được dùng nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tiêu đờm...
Theo USDA, một quả cam chứa gần 82 mg vitamin C, khiến nó trở thành nguồn cung cấp vitamin dồi dào. Chuyên gia Ruggles cho biết nên ăn cam cả quả thay vì uống nước cam do nước trái cây thường chứa thêm đường và loại bỏ một số chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ. Một quả cam cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, với 3,7g.
Cam chứa hàm lượng vitamin C cao.
6. Bưởi: Có khả năng chống ung thư
Theo Đông y, quả bưởi vị chua ngọt, tính lạnh, chạy vào tỳ, gan. Sử dụng bưởi có tác dụng tiêu cơm, giảm viêm, điều khí, tiêu đờm.
Theo y học hiện đại, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Theo nghiên cứu trước đây tại Mỹ, bưởi cũng chứa lycopene, có đặc tính chống oxy hóa và có thể đóng vai trò giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.
Bưởi có khả năng phòng ngừa ung thư.
7. Lựu: Cung cấp vitamin K giúp xương chắc khỏe
Theo USDA, một cốc lựu cung cấp nhiều chất xơ (7g), và là nguồn cung cấp vitamin C (17,8 mg) tốt. Thêm vào đó, lựu rất giàu vitamin K, với 28,7 mcg trong một cốc. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), vitamin K góp phần làm đông máu và thúc đẩy xương khỏe mạnh trong cơ thể. Một đánh giá khác cho thấy nó cũng được đánh giá cao về đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, có thể thúc đẩy lợi khuẩn đường ruột và cải thiện sức khỏe của da.
Quả lựu hỗ trợ phát triển xương.
8. Kiwi: Nguồn vitamin C tự nhiên
Theo USDA, một quả kiwi chứa 56 mg vitamin C. Chuyên gia Ruggles khuyên bạn nên thưởng thức một quả kiwi trong bữa sáng, do đây là một cách hiệu quả để thúc đẩy khả năng miễn dịch ngay từ đầu ngày. Bên cạnh đó, kiwi cũng là một nguồn cung cấp vitamin K với 30,2 mcg trong một quả. Hơn nữa, bạn có thể thưởng thức loại quả này khi còn vỏ để tăng hàm lượng chất xơ lên 50%.
Quả kiwi khi ăn cả vỏ giúp tăng cường chất xơ cho cơ thể.
Theo Harvard Health Publishing, vitamin C giúp cơ thể sản xuất các tế bào bạch cầu, là những "tế bào chiến binh trong hệ thống miễn dịch" có tác dụng tấn công vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể.
Mặc dù, vitamin C có thể không chữa khỏi cảm lạnh nhưng nó có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bổ sung các loại trái cây tăng cường vitamin C giúp cơ thể chống lại những bệnh tật mùa đông như cảm cúm, bệnh hô hấp hay bệnh lý do nhiễm vi khuẩn, virus khác...
Mời bạn xem tiếp video:
Cước đầu ngón tay và cách khắc phục theo y học cổ truyền