8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả

SKĐS - Thời tiết nắng nóng ở các vùng nhiệt đới như nước ta khiến cho cơ thể dễ bị say nắng. Sử dụng một số loại nước uống giúp thanh nhiệt, giải thử, bồi bổ chính khí, góp phần phòng và trị say nắng hiệu quả.

1. Say nắng là gì?

Say nắng là một tình trạng nguy hiểm xảy ra khi cơ thể không thể tự điều chỉnh nhiệt độ một cách bình thường, thường hay xảy ra khi cơ thể bị quá nóng do phơi nắng lâu, làm việc hay vận động trong môi trường oi bức. Ban đầu, người bị say nắng có thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, khát nước, buồn nôn hoặc chuột rút. Nếu không được nghỉ ngơi và làm mát kịp thời, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn như sốt cao, mê sảng, co giật, thậm chí hôn mê.

Nguyên nhân thường gặp là do tiếp xúc với nắng gắt, làm việc trong chỗ nóng kín, không uống đủ nước hoặc mặc đồ quá kín. Những người yếu như trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ bị say nắng cao hơn. Say nắng nặng có thể gây tổn thương não, tim, gan, thận, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo Đông y, say nắng là do thử tà xâm nhập khiến cơ thể mất cân bằng và sinh bệnh.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 1.

Say nắng với các biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, khát nước...

2. Các loại nước uống phòng và trị say nắng

Đông y cho rằng việc phòng và trị say nắng không chỉ đơn thuần là bù nước mà còn chú trọng đến việc thanh nhiệt, giải thử, bổ âm, ích khí và điều hòa công năng tạng phủ. Sau đây là một số loại nước uống giúp làm giảm tình trạng say nắng trong mùa hè:

2.1. Nước sắn dây

Sắn dây có vị ngọt, tính mát, đi vào các kinh tỳ, vị, phế, có công dụng giải biểu, hạ nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Đây là vị thuốc lý tưởng để thanh nhiệt, giải thử, đặc biệt khi có sốt, khát nước, đau đầu do nắng nóng.

Cách dùng: Pha bột sắn dây với nước đun sôi để nguội, sau đó thêm một ít nước nóng để hòa tan hoàn toàn, có thể thêm chút đường (đường phèn càng tốt) hoặc vắt thêm chanh để tăng hương vị.

Lưu ý: Không nên lạm dụng quá nhiều hoặc pha với quá nhiều đường. Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 2.

Nước sắn dây - vị thuốc phòng và trị say nắng hiệu quả.

2.2. Nước chè xanh

Chè xanh có vị đắng, chát, tính hàn, đi vào các kinh tâm, phế, vị. Trà xanh có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thực, tốt cho việc giải nhiệt mùa hè.

Cách dùng: Pha trà xanh tươi hoặc khô với nước sôi, để nguội và uống trong ngày, có thể thêm vài lát gừng để làm ấm tỳ vị (tránh lạnh bụng nếu cơ địa tỳ vị hư hàn).

Lưu ý: Không nên uống quá đặc hoặc uống vào buổi tối có thể gây mất ngủ.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 3.

Nước chè xanh giúp giải nhiệt mùa hè.

2.3. Nước rau má

Rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, đi vào các kinh can, tỳ, thận, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết. Nước rau má giúp khí huyết lưu thông tốt hơn, giảm tình trạng đau đầu, chóng mặt do say nắng.

Cách dùng: Rau má rửa sạch, giã hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt, có thể pha thêm chút đường hoặc nước dừa tươi cho dễ uống.

Lưu ý: Không nên lạm dụng quá nhiều vì rau má có tính hàn, có thể gây lạnh bụng ở người tỳ vị hư hàn.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 4.

Nước rau má giảm tình trạng đau đầu, chóng mặt do say nắng.

2.4. Nước đậu xanh

Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, đi vào các kinh tỳ, vị, tâm; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử, lợi thủy. Đây là thực phẩm giải nhiệt lý tưởng trong mùa hè, cung cấp protein, vitamin và khoáng chất, giúp bồi bổ cơ thể suy nhược do nắng nóng.

Cách dùng: Nấu chè đậu xanh (ít đường) hoặc nấu nước uống; có thể nấu cùng nha đam hoặc phổ tai (tên tiếng Anh: Fried Seaweed - một loại rong biển) để tăng hiệu quả thanh nhiệt.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 5.

Nước đậu xanh bồi bổ cơ thể suy nhược do nắng nóng.

2.5. Nước atiso

Atiso có vị đắng, tính mát, chủ yếu đi vào kinh can, mật; công dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi mật.

Cách dùng: Nước sắc từ hoa hoặc thân atiso khô/tươi, có thể dùng trà túi lọc atiso.

Lưu ý: Uống điều độ, không quá lạm dụng.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 6.

Nước atiso phòng và trị say nắng.

2.6. Nước dừa tươi

Nước dừa có vị ngọt, tính mát, đi vào các kinh tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng sinh tân, giải khát, lợi niệu, giải độc. Nước dừa chứa nhiều kali, natri, magie, canxi... giúp bù lại lượng điện giải đã mất do đổ mồ hôi, ngăn ngừa chuột rút và mệt mỏi.

Cách dùng: Uống trực tiếp nước dừa tươi.

Lưu ý: Người có tiền sử bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ do nước dừa có hàm lượng kali cao.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 7.

Nước dừa tươi sinh tân, giải khát, lợi niệu, giải độc.

2.7. Nước mía

Nước mía có vị ngọt, tính mát, đi vào kinh phế, vị, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, nhuận táo, giải độc. Nước mía cung cấp đường tự nhiên và nước, giúp bù lại năng lượng và làm dịu cơn khát.

Cách dùng: Uống nước mía ép tươi.

Lưu ý: Người bị đái tháo đường hoặc béo phì nên hạn chế.

8 loại nước uống phòng và trị say nắng hiệu quả- Ảnh 8.

Nước mía bù lại năng lượng và làm dịu cơn khát.

2.8. Nước vối

Nước vối có vị đắng nhẹ, tính mát, đi vào kinh tỳ, vị; có công dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu thực, lợi tiểu.

Cách dùng: Lá vối tươi hoặc khô hãm với nước sôi, để nguội uống trong ngày.

Các loại nước uống trên không chỉ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị say nắng hiệu quả mà còn góp phần tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với môi trường khắc nghiệt của mùa hè. Tuy nhiên, khi say nắng nặng, cần thực hiện ngay các biện pháp cấp cứu y tế kịp thời.

3. Lưu ý khi dùng nước uống phòng và trị say nắng

Các loại nước mát từ thiên nhiên như nước sắn dây, nước mía, nước dừa… có thể giúp phòng và hỗ trợ điều trị say nắng hiệu quả. Tuy nhiên, cần uống đúng cách để đảm bảo an toàn:

- Hãy uống đủ nước mỗi ngày, chia nhỏ từng ngụm, tránh uống ừng ực hay dùng nước quá lạnh.

- Người có bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận… nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng một số loại nước có tính hàn hoặc chứa nhiều đường.

- Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người hay bị lạnh bụng cũng cần thận trọng

- Chọn nguyên liệu sạch, rửa kỹ và pha chế đúng cách để đảm bảo vệ sinh.

- Nước uống chỉ hỗ trợ, không thay thế cấp cứu y tế. Nếu có dấu hiệu say nắng nặng như sốt cao, co giật, hôn mê… cần đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay. Uống nước chỉ hiệu quả khi kết hợp với các biện pháp phòng say nắng như nghỉ ngơi, mặc đồ thoáng, tránh ra nắng gắt.

Các loại nước uống này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng đúng cách, phù hợp với từng cơ địa và tình trạng sức khỏe. Chúng là những "trợ thủ đắc lực" từ thiên nhiên nhưng không thể thay thế các biện pháp y tế hiện đại khi tình trạng say nắng trở nên nghiêm trọng.

Xem bài đang được quan tâm:

Hạn chế say nắng, sốc nhiệt khi tập luyện giữa trời oi nóngHạn chế say nắng, sốc nhiệt khi tập luyện giữa trời oi nóng

SKĐS - Tập luyện mùa hè giúp tăng cường sức khỏe nhưng tiềm ẩn nguy cơ say nắng, sốc nhiệt. Làm sao để vận động an toàn và hiệu quả trong thời tiết oi bức?

BSNT. Nguyễn Thanh Hằng
Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn