Say rượu là trạng thái con người mất đi sự tỉnh táo và tập trung dưới tác động của chất cồn độc hại. Khi say, con người thường không kiểm soát được cảm xúc và nhận thức của bản thân, hậu quả là dễ dẫn tới những hành động “củ chuối” và vô cùng khờ dại. Vì sao vậy? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra lời giải cho những hành động “không giống ai” chỉ người say rượu mới có thể làm.
Giáo sư Kevin Strang thuộc Khoa Thần kinh tại Đại học Y Wisconsin-Madison (Mỹ) đã dành nhiều năm quan sát, ghi lại và phân tích những phản ứng của người say. Dưới đây là những hành động siêu quậy của đệ tử lưu linh.
Hành động kỳ cục của người say chỉ để thỏa mãn thú vui.
Liều mình như chẳng có
Giáo sư Strang cho biết: Khi say rượu, con người rơi vào một trạng thái “thiển cận”, tức là không thể nghĩ gì cho tương lai hoặc không ý thức được nguyên nhân và hậu quả của hành động. Vì vậy, mọi hành động của người say chỉ để thỏa mãn thú vui trước mắt của bản thân. Hậu quả của tâm lý này là rất nhiều “sâu rượu” trở nên hung hãn, liều lĩnh bất thường và dám làm tất cả mọi việc khi có hơi men trong người như hiếp dâm, gây gổ, đánh giết người...
Không diễn tả được cảm xúc
Uống rượu vào, chất ethanol tác động lên não, kích thích việc sản xuất dopamine - một hormon gia tăng cảm xúc và tạo sự hưng phấn. Dẫn đến tình trạng người say rất muốn bộc bạch tình cảm, cảm xúc có trong lòng mình.
Thế nhưng các cơ bắp khi say lại hoạt động kém hiệu quả, bằng chứng là người uống rượu hay bị líu lưỡi, mất tỉnh táo. Cho nên, dù rất muốn nhưng người say thường không nói được gì về cảm xúc của bản thân. Trái lại những điều họ nói ra, thường là tình trạng không đầu, không đuôi, gây khó hiểu cho những người tỉnh táo.
Nói linh tinh, thật giả lẫn lộn
Nhiều người cho rằng, người say hay nói thật. Nhưng họ đã sai lầm, vì theo Giáo sư Kevin Strang giải thích: “Nói thật hay nói dối lúc say còn phụ thuộc vào lượng rượu bạn uống, độ tập trung tại thời điểm đó, không những thế nó còn phục thuộc vào con người và tính cách bạn”. Điều đó có nghĩa, không thể mặc định niềm tin rằng mọi lời con người nói khi say đều là sự thật.
Ném tiền qua cửa sổ
Thực tế là không ít người trên bàn nhậu có thể sẵn sàng tiêu tiền hoang phí không tiếc tay, để rồi sau khi tỉnh rượu thì hối tiếc đến thất thần.
Theo giáo sư Kevin Strang, có 2 lý do để giải thích cho hiện tượng tiêu tiền kiểu “like a boss” này: một là uống rượu khiến sức đề kháng của con người giảm xuống nên họ thường không suy nghĩ, quan tâm nhiều đến cơ thể... nói gì đến ví tiền nên hành động tiêu hoang là hợp logic; hai là, khi say con người thường có tâm lý kích động, muốn thể hiện cái tôi trước mọi người, và khi cái tôi quá đà, những hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ chín chắn sẽ xảy ra.
Không sợ đau đớn
Chất ethanol có trong rượu khi xâm nhập cơ thể sẽ làm chậm phản ứng của bộ não đối với tín hiệu từ các bộ phận trên người. Vì thế, khi chẳng may ngã hay bị thương lúc say, các tín hiệu thần kinh cảm giác đau sẽ không thể truyền tới trung ương não bộ. Nên người say không cảm thấy đau dù chấn thương rất nặng, kể cả chảy máu.
Mặt khác, rượu còn làm giãn các cơ điều khiển mao mạch máu, khiến một lượng máu nhỏ rò rỉ chảy dưới da. Đó là lý do vì sao sau khi tỉnh dậy từ một cơn say, trên da người say thường xuất hiện nhiều vết tím bầm như bị chấn thương.
Nhìn gà hóa cuốc
Do tác dụng của ethanol, thị giác của con người bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi uống rượu bia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trong con mắt của người say, hầu như ai cũng trở nên xinh đẹp và hấp dẫn hơn một cách kỳ lạ.
Theo giáo sư Strang, điều này có thể là nguyên nhân gây ra các hành vi nguy hiểm ở người say rượu, chẳng hạn như quan hệ tình dục bừa bãi, không sử dụng bao cao su, hiếp dâm...
Quát tháo lè nhè
Có lẽ người say không thể biết giọng mình khi say nó như thế nào. Theo các nhà nghiên cứu, khi say con người chẳng mấy khi nói tròn vành rõ chữ. Những từ ngữ phát ra từ miệng người say sẽ chỉ là những tiếng lè nhè với âm lượng rất lớn như quát tháo mà thôi.
Chỉ có điều, dù quát to như thế nhưng những âm thanh này lại chẳng mấy khi lọt được vào tai của người nói. Vì khi say, các tế bào thần kinh trong tai hầu như không truyền được tín hiệu âm thanh tới não bộ. Đó là lúc giọng nói được mặc định ở trạng thái “yên tĩnh” so với trung ương thần kinh.
Mất trật tự ngay cả khi ngủ
Ngay cả khi những người say đang ngủ, họ vẫn là nỗi ám ảnh với rất nhiều người xung quanh. Vì khi họ say rượu, cơ thể mệt mỏi, ngủ sâu hơn nhưng trong trạng thái mê man. Đồng thời, chất kích thích trong rượu làm cho phổi thiếu không khí, gây giãn các cơ trong cổ họng nên khiến họ ngáy to hơn khi ngủ. Thêm vào đó là những cơn mê sảng gây mất trật tự.
(Theo Buzzfeed )
BS. Hồng Ninh