Hà Nội

8 giờ phẫu thuật mang sự sống cho bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ, nhiều biến chứng nguy kịch

09-08-2019 14:27 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cứu sống thần kỳ bệnh nhân 61 tuổi ở Hưng Yên bị lóc động mạch chủ loại A cấp đã có biến chứng tắc mạch máu lên não và suy hô hấp đồng thời với suy thận nặng.

Nỗ lực cứu cho bệnh nhân đã được gia đình xin về chờ chết

Trước đó, ngày 5/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân H.V.V, 61 tuổi, quê ở Hưng Yên bị lóc động mạch chủ loại A cấp đã có biến chứng tắc mạch máu lên não và suy hô hấp đồng thời với suy thận nặng.

Được biết, trước đó khoảng 1 ngày, ông V đột ngột mất ý thức, gia đình nhờ nhân viên y tế đến nhà không đo được huyết áp nên vận chuyển ông đến bệnh viện địa phương. Tại đây, ông được cấp cứu hồi tỉnh rồi chuyển lên một bệnh viện tuyến trung ương. Khi đến bệnh viện này, ông được chẩn đoán lóc động mạch chủ loại A, có tổn thương nặng của cuống tim kèm các mạch máu nuôi não và cần phải phẫu thuật nhưng do tình trạng của bệnh nhân quá nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà nằm chờ chết.

Tuy nhiên, sau khi về đến nhà, với hy vọng “còn nước còn tát”, gia đình lại quyết định đưa ông đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

TS.BS Vũ Ngọc Tú - Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân V. vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng lúc mê, lúc tỉnh, kích thích dữ dội, huyết áp thấp, suy hô hấp nặng và suy thận độ III.

Phim chụp cho thấy bệnh nhân bị phù phổi nặng, tắc động mạch nuôi não bên phải, lóc toàn bộ hệ thống động mạch chủ từ ngực đến bụng. Vì vậy, ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức đặt máy thở, dùng thuốc trợ tim đường tĩnh mạch rồi chuyển mổ cấp cứu khẩn cấp.

Ca phẫu thuật thay thế cuống tim và hệ thống mạch máu nuôi não cho bệnh nhân V. kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ với hệ thống máy tim phổi nhân tạo, điều khiển hạ nhiệt độ sâu dưới mức thân nhiệt bình thường tới hàng chục độ C để có thể tạm ngừng tưới máu cho phần lớn cơ thể mà vẫn giữ được tương đối an toàn.

Đây là những kỹ thuật rất khó, ảnh hưởng nặng tới sự cấp máu của toàn bộ cơ thể và có nguy cơ cao gây ra các rối loạn nặng sau mổ như suy đa tạng, chảy máu dữ dội … Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết sức của toàn kíp mổ, cuộc mổ đã diễn ra thuận lợi mà không có trục trặc gì lớn.

Hiện tại tình trạng của ông V sau mổ đã ổn định hơn rất nhiều. Không còn suy hô hấp. Nhịp tim, huyết áp của ông cũng như tình trạng suy thận đã được cải thiện tốt dần từng ngày.

Hình ảnh trong ca phẫu thuật của bệnh nhân V

Lóc động mạch chủ loại A cấp tính: Không can thiệp kịp thời sẽ tử vong

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, lóc động mạch chủ loại A cấp tính là bệnh lý tim mạch rất nặng, đe dọa tính mạng người bệnh, nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

“Y văn thế giới đều ghi nhận nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong 25% trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh. Bệnh này thường xảy ra hơn khi thời tiết đang ấm trở lạnh”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.

Các yếu tố nguy cơ chính thường gặp gây lóc tách thành động mạch chủ là: Tăng huyết áp kèm xơ vữa động mạch (gặp ở người có tuổi) hay rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch (ví dụ bệnh Marfan).

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở y tế lớn của cả nước, đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu thường quy điều trị lóc động mạch chủ loại A cho hơn 250 bệnh nhân trong gần 10 năm trở lại đây, nhiều nhất ở miền Bắc, với tỷ lệ thành công tới hơn 90% trong những năm gần đây, tương đương với nhiều nước phát triển trên thế giới.

“Tuy nhiên vì bệnh quá nặng và nhiều biến chứng phức tạp, nên mỗi trường hợp lóc động mạch chủ loại A vẫn luôn được coi là một thách thức lớn, như trường hợp kì diệu của ông V. là một ví dụ”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết thêm.

Các bác sĩ cho biết, phương pháp điều trị chính của lóc động mạch chủ type A cấp tính là phẫu thuật, đây là loại phẫu thuật rất phức tạp, kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn nguy hiểm phối hợp.

Hơn nữa, việc khâu nối phải thực hiện trên nền động mạch chủ có bệnh lý viêm mủn nát nên rất khó khăn. Thường thời gian để cầm máu các miệng nối khá lâu, chảy máu sau mổ là một trong những nguyên nhân gây biến loạn nhiều nhất của phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong, các loại tai biến của phẫu thuật thuộc loại cao nhất trong phẫu thuật tim, thời gian nằm viện kéo dài và thời gian hồi phục lâu, chi phí điều trị rất lớn.

Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo việc dự phòng và ngăn ngừa bệnh lý của động mạch chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, đặc biệt vấn đề phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp – nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm.

"Khi đã chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính, người bệnh cần được chuyển ngay đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh phải trải qua nhiều tuyến trung gian, kéo dài thời gian làm nguy hiểm đến tính mạng"- PGS. Nguyễn Hữu Ước nói


Thái Bình
Ý kiến của bạn