8 giờ căng thẳng cứu bé gái nôn máu tươi ồ ạt

12-07-2018 15:31 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhi 13 tuổi nôn ồ ạt ra máu được chẩn đoán do tắc nghẽn động mạch cửa vừa được các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) giúp thoát tình trạng nguy kịch sau ca mổ kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ.

Bệnh nhi nhà ở Long An, cách đây hơn một năm từng được phát hiện khối bướu vùng đầu tụy (vị trí này là nơi giao lưu hội tụ nhiều mạch máu lớn). Khi đó BV Nhi Đồng 1 đã mổ thành công, tái lập đường tiêu hóa và đường mật tụy.

Tuy nhiên đến đầu năm 2018 bé bị nôn ra máu, thăm khám tại địa phương không phát hiện bất thường. Tình trạng nôn ra máu không xuất hiện nhưng đầu tháng 7, bé lại nôn ra nhiều máu. Tại BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ ghi nhận lượng hồng cầu giảm chỉ còn 25%. Kết quả chẩn đoán cho thấy bé bị biến chứng phẫu thuật gây tắc động mạch cửa.

Bệnh nhi bình phục sau hơn 48 giờ phẫu thuật. Ảnh: Thiên Chương

Nguyên nhân được xác định do ca phẫu thuật trước quá lớn, sau một thời gian, các mạch máu thay đổi và hình thành các khối dính tắc khiến tắc nghẽn, gây giãn thành mạch và xuất huyết. Phẫu thuật thông mạch là cách duy nhất cứu bé, tuy nhiên việc phẫu thuật được đánh giá là rất khó do mạch máu dính phức tạp, phải bộc lộ rõ mạch máu tắc trước xử trí. Khó khăn tiếp theo là tạo được một mạch máu cầu nối nhằm giải phóng lượng máu ùn tắc, tái lập lại sự lưu thông của mạch cửa.

Ths.BS Ngô Kim Thơi, trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, đoạn tắc mạch máu khá dài nên phải tìm mạch máu bắc cầu đủ dài. Cuối cùng, tĩnh mạch cảnh trong vùng cổ của bệnh nhân đã đươc chọn để ghép thành cầu nối thông mạch máu.

"Do phẫu trường sâu, mạch máu mỏng nhỏ, việc đảm bảo phẫu trường đủ rõ để mổ là rất khó. Chỉ cần một thao tác không chính xác sẽ làm rách mạch máu. Tuy nhiên ca mổ cũng đã thành công sau hơn 8 giờ đồng hồ căng thẳng", BS Thơi nói.

Nhận xét về ca bệnh, Ths.BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết, ca phẫu thuật lần này là ca đầu tiên tại Việt Nam chỉnh sửa tắc nghẽn động mạch cửa phức tạp. Thành công đầu tiên phụ thuộc vào việc chẩn đoán hình ảnh để phát hiện nhanh tình hình tắc mạch, kế đến là những kinh nghiệm trong việc ghép nối mạch máu giúp thông mạch.

"Sau 24 tiếng phẫu thuật, dòng dẫn lưu máu về gan đã tốt, không hẹp, không tắc nghẽn máu. Và đến chiều 12/7, sức khỏe của bé đã hoàn toàn ổn định", BS Hiếu cho biết.


Thiên Chương
Ý kiến của bạn