Hà Nội

8 giải pháp giúp ngăn ngừa bệnh thận mạn tính

SKĐS - Bệnh thận mạn tính (CKD) là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.

Bệnh thận mạn tính (CKD) là một trong những bệnh liên quan nhiều đến lối sống, đã trở thành vấn đề phố biến trong cộng đồng, khi ngày càng tăng của lối sống ít vận động, thời gian làm việc dài và nghiện thuốc lá…

Do thiếu nhận thức và kiến thức về bệnh, nhiều người mắc bệnh thận mạn tính thường không biết, cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.

Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp béo phì có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn. Do đó, việc phòng bệnh là rất quan trọng và tuân theo lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh thận mạn tính.

1. Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể khiến các mạch máu bên trong thận bị thu hẹp và tắc nghẽn, gây tổn thương mạch máu và do đó gây hại cho thận.

Những người mắc bệnh đái tháo đường phải theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu và cố gắng giữ các chỉ số trong giới hạn, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc điều trị để ngăn ngừa tổn thương thận.

photo-1676822322431

Lượng đường không được kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương thận.

2. Kiểm soát huyết áp

Đối với người bị tăng huyết áp, cần theo dõi huyết áp thường xuyên và duy trì ở mức dưới 140/90 mmHg hoặc 130/80 mm Hg.

Cần giảm lượng muối ăn vào và thường xuyên đi khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe và điều chỉnh thuốc phù hợp (khi cần thiết).

3. Tránh tự dùng thuốc

Đôi khi dùng thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc giảm đau, mà không hỏi ý kiến bác sĩ có thể dẫn đến tổn thương thận. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, để tránh nguy cơ bất lợi này của thuốc.

4. Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh

Mọi người nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chất béo tốt, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, hạt, thịt gia cầm, cá, trái cây và rau quả. Uống nhiều nước, ít nhất 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

5. Luyện tập thể dục đều đặn

Tập thể dục cường độ vừa phải thường xuyên rất tốt cho tim, thận và sức khỏe tổng thể. Cố gắng thực hiện ít nhất 30 phút các hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, đạp xe và bơi lội... ít nhất 5 ngày trong một tuần.

6. Bỏ hút thuốc

Hút thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các vấn đề về tim và thận. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách để bỏ hút thuốc.

7. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập cho sự phát triển của bệnh thận. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân.

Tập thể dục thường xuyên và tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, người có thể hướng dẫn bạn chế độ ăn kiêng để giảm cân.

8. Khám sức khỏe định kỳ

Nên kiểm tra sức khỏe hàng năm cho những người trên 40 tuổi. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận, bạn nên kiểm tra thận hàng năm.

Mời bạn xem thêm video:

Tác dụng, tác hại của thịt lợn | SKĐS

Trịnh Xuân Nguyên (Theo THS)
Ý kiến của bạn