Hà Nội

8 điều đáng sợ xảy ra với cơ thể, tăng nguy cơ bệnh tật khi bạn ăn quá nhiều đường

25-02-2023 09:26 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Một chế độ ăn uống nhiều đường có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của bạn.

Trong suốt một thời gian dài, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu và tranh luận về những rủi ro và hậu quả của một "chế độ ăn phương Tây" được bổ sung nhiều chất làm ngọt (thậm chí bánh mì cũng có lượng đường dư thừa trong đó).

Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc ăn quá nhiều đường có liên quan đến tăng cân và béo phì. Nhiều bằng chứng khoa học cũng liên kết việc ăn quá nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các tác động khác bao gồm các vấn đề về da và lo lắng, căng thẳng.

Dưới đây là 8 tác động đáng sợ nhất mà chế độ ăn giàu đường có thể gây ra đối với sức khỏe tổng thể của bạn với ý kiến chuyên gia từ Tiến sĩ Jennifer Haythe, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Lão khoa Columbia ở New York (Hoa Kỳ).

1. Quá nhiều đường dễ gây tăng cân

photo-1677052722430

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thức ăn và đồ uống có đường với việc tăng cân.

Tiến sĩ Jennifer Haythe cho biết: Thức ăn và đồ uống có đường có rất nhiều calo và bất cứ thứ gì có nhiều calo sẽ khiến bạn tăng cân. Khi bạn tiêu thụ nhiều đường hơn mức cơ thể có thể sử dụng, cơ thể sẽ chuyển hóa nó thành axit béo và lưu trữ để sử dụng trong tương lai trong các tế bào mỡ như hông, đùi, cánh tay và dạ dày.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ vào năm 2011 đã xác nhận mối liên hệ tích cực giữa việc uống nước ngọt thường xuyên và tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh chóng.

Các nhà nghiên cứu kết luận: Đồ uống có đường, đặc biệt là soda, cung cấp ít lợi ích dinh dưỡng, đồng thời làm tăng cân và có thể là nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, gãy xương và sâu răng.

2. Ăn đồ ngọt nhiều gây sâu răng

photo-1677052725878

Đường tương tác với vi khuẩn và tạo ra axit hòa tan và làm hỏng men răng, khiến răng bị sâu.

Đường không trực tiếp gây sâu răng như suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, chất cặn bã (axit) do đường tương tác với bề mặt răng sẽ gây ra sâu răng. Đường trong những loại đồ ngọt dễ dàng dính vào răng và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn sản xuất axit, có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám gây sâu răng và đổi màu răng.

3. Lạm dụng đường tăng nguy cơ bệnh gan

Chúng ta thường liên hệ suy gan với việc lạm dụng rượu, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng đường có thể gây hại cho gan của chúng ta tương đương với rượu. Khi chúng ta ăn quá nhiều đường, nó sẽ gây quá tải cho máu và gan (nơi hấp thụ glucose và ổn định lượng đường) để xử lý.

Tình trạng kém hấp thu đường mạn tính có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), về cơ bản là sự lạm dụng và để lại sẹo của gan khi gan liên tục cố gắng tự chữa lành.

4. Tăng cảm giác thèm ăn đường

photo-1677052729921

Đường có thể không gây nghiện như ma túy, nhưng khoa học đã tạo ra mối liên hệ giữa việc ăn nhiều đồ ngọt và thèm ăn chúng.

Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận khoa học nào về việc liệu đường có gây nghiện như cocaine hay có thể là một loại ma túy cửa ngõ dẫn đến các hành vi không lành mạnh khác. Nhưng các bằng chứng cho thấy, khi bạn ăn nhiều đường, não của bạn sẽ tiết ra dopamine - một loại hóa chất tạo cảm giác dễ chịu thường được tiết ra khi bạn quan hệ tình dục hoặc có những tương tác tích cực với con người.

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy rằng chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và đường tinh luyện có thể cản trở tín hiệu của não đến cơ thể bạn rằng bạn đã no.

5. Nguy cơ tiền đái tháo đường

photo-1677052732068

Mặc dù đường không phải là nguyên nhân chính trong bệnh đái tháo đường nhưng ăn quá nhiều đường có thể gây thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Tiến sĩ Jennifer Haythe cho biết: Khi bạn ăn bất cứ thứ gì có chứa glucose hoặc các khối xây dựng carb cơ bản, cơ thể bạn sẽ giải phóng insulin vì đó là thứ giúp cơ thể bạn xử lý glucose thành năng lượng. Vấn đề là khi mọi người ăn quá nhiều đường cùng một lúc, sẽ có một lượng lớn insulin được giải phóng và bạn có thể bị kháng insulin.

Với tình trạng kháng insulin, cơ thể bạn không thể hấp thụ đủ nhanh lượng glucose, điều này khiến glucose tích tụ trong máu và gan của bạn. Điều này, cùng với các yếu tố di truyền và môi trường phù hợp, có thể dẫn đến tiền đái tháo đường, và cuối cùng là bệnh đái tháo đường.

6. Ăn nhiều đường có liên quan tới trầm cảm và lo âu

photo-1677052733839

Các rối loạn tâm thần như trầm cảm có liên quan đến chứng viêm và đường được coi là một thành phần gây viêm.

Ăn nhiều đường khiến não của bạn tiết ra dopamine, một chất hóa học "tạo cảm giác dễ chịu", nhưng một chế độ ăn quá nhiều đường có thể thực sự giúp gây ra căng thẳng và phiền muộn.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Lâm sàng cho thấy rằng tình trạng viêm là một dấu hiệu mạnh mẽ của chứng trầm cảm và mức độ căng thẳng cao. Chế độ ăn giàu tinh bột và thực phẩm chứa nhiều đường có liên quan đến chứng viêm ở mức độ cao hơn nhiều so với chế độ ăn giàu protein nạc và rau quả. Chế độ ăn uống có đường có thể tạo ra phản ứng viêm trong cơ thể bạn, do đó, có thể dẫn đến tăng căng thẳng, lo lắng và thậm chí trầm cảm.

7. Quá nhiều đường làm tăng nguy cơ bệnh tim

photo-1677052735498

Ăn quá nhiều đường có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ đau tim và tử vong.

Triệu chứng thể chất rõ ràng nhất của việc ăn quá nhiều đường là tăng cân, nhưng nghiên cứu đáng báo động cho thấy ngay cả khi bạn không thừa cân, chế độ ăn giàu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch theo cấp số nhâm.

Nhiều bằng chứng cho thấy ăn nhiều đường có thể dẫn đến béo phì, tăng phản ứng viêm và tăng triglyceride - một loại chất béo có trong máu, làm tăng nồng độ đường trong máu và tăng huyết áp là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là từ đồ uống có đường, có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, một căn bệnh đặc trưng bởi chất béo, tắc nghẽn động mạch.

8. Đường góp phần gây các vấn đề về da

photo-1677052727774

Không chỉ mụn trứng cá mà bệnh trứng cá đỏ, sạm da và các tình trạng da khác có thể trở nên tồi tệ hơn do chế độ ăn uống nhiều đường.

Các nhà khoa học gần đây đã tìm ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ sữa và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (hay còn gọi là thực phẩm ngọt) với các vấn đề về da. Chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng mức hormone androgen, thúc đẩy sản xuất dầu và viêm, tất cả đều làm tăng rủi ro bị mụn trứng cá.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Chưa có số liệu chính xác là ăn bao nhiêu đường sẽ có hại cho làn da, nhưng một trong những cách để làn da đẹp cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó có hướng dẫn nên sử dụng bao nhiêu chất bột đường mỗi ngày, đặc biệt nên ăn bao nhiêu đường đơn giản (đường đơn, đường đôi) để tránh các nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường và các rối loạn chuyển hóa khác ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và sức khỏe làn da.
Có được ăn ngọt thoải mái khi không bị đái tháo đường?Có được ăn ngọt thoải mái khi không bị đái tháo đường?

SKĐS - Người bệnh đái tháo đường thường được khuyến cáo không nên ăn đồ ngọt để tránh làm tăng đường huyết. Nhưng người không mắc bệnh lý này có được ăn đồ ngọt thoải mái không?

Xem thêm video đang được quan tâm

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?



Thiên Châu
Ý kiến của bạn