Những khuyến cáo dưới đây được xem là bổ ích khi đi khám bệnh đối với nhóm người cao niên vừa được tạp chí Grandparents của Mỹ cập nhật. Đây là những thông tin bổ ích giúp mọi người nâng cao sức khỏe, tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bản thân.
1. Đừng ngại mỗi khi đi khám bệnh
Nhóm người trung cao niên đi khám bệnh, gặp bác sĩ thường ngại phiền hà nhưng theo các bác sĩ thì mọi người hãy gạt bỏ những ý nghĩ này, tự đi khám bệnh nếu còn khỏe hoặc nhờ người nhà đưa đi. Khi đi khám không nên giấu bệnh, cần trung thực khi nói về tiền sử bệnh tật, triệu chứng đang mắc phải, các loại thuốc đã và đang dùng… Nhờ các thông tin này sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có liệu pháp điều trị hiệu quả.
2. Cung cấp chính xác các triệu chứng
Theo các chuyên gia ở Đại học y khoa George Washington (UOW), để tránh chẩn đoán nhầm và làm các xét nghiệm không cần thiết, khi đi khám bệnh cần cung cấp chính xác các triệu chứng. Thay vì nói “tôi bị mệt”, có thể nói “tôi bị đau nửa đầu trong 10 năm, nhưng ba ngày gần đây đau quá không thể dậy được và lo bị chảy máu não”. Ngoài ra có thể cung cấp các thông tin liên quan đến triệu chứng đau nửa đầu mà bản thân mắc phải trong thời gian gần đây. Tuy nhiên trước khi đến gặp bác sĩ, mọi người cần tóm tắt thông tin ngắn gọn nhất có thể để giúp bác sĩ hiểu cụ thể sức khỏe, từ đó chẩn đoán và kê đơn chính xác hơn.
3. Giảm cân theo khuyến cáo của bác sĩ
Giảm cân mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như: làm giảm huyết áp, giảm đau và căng thẳng lên các khớp gối, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, thậm chí một số nghiên cứu cho thấy giảm được cả bệnh ung thư. Muốn làm được điều này ở nhóm trung cao tuổi nên giảm tiêu thụ thực phẩm, và duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập, và tránh xa các chất kích thích như thuốc lá và rượu.
4. Không nên dùng Internet để khám bệnh
Do ngại đi khám bệnh lại có sẵn mạng nên nhiều người đã dùng Internet để chẩn đoán bệnh và kê đơn cho bản thân, ví dụ khi buồn nôn, chóng mặt hay mệt mỏi, nhức đầu. Tuy lợi ích ai cũng biết nhưng cách làm này chứa đựng nhiều tiềm ẩn bởi các thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng, kể cả dược phẩm online. Nếu tham khảo các thông tin này thì chỉ nên vào các trang web chính thống của chính phủ hay các cơ quan y tế đã được cấp phép và tin cậy. Còn khi đi khám chữa bệnh, tốt nhất nên đến bệnh viện, phòng mạch gặp trực tiếp bác sĩ hoặc tư vấn các chuyên gia có bằng cấp và kinh nghiệm điều trị.
5. Không phải ai cũng cần uống 1 viên aspirin mỗi ngày
Có nhiều nghiên cứu phát hiện thấy dùng aspirin hàng ngày có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ do hiệu ứng làm loãng máu, nhưng không phải cho tất cả mọi người. Theo tiến sĩ Egener ở UOW, việc dùng aspirin phải dựa trên sức khỏe cụ thể của từng cá thể, riêng nhóm người mắc bệnh xuất huyết dạ dày thì hại nhiều hơn lợi. Bằng chứng, qua nghiên cứu cho thấy ngay cả khi ở liều rất thấp cũng có thể gây chảy máu đường ruột. Do làm loãng máu nên nó tác động đến tiểu cầu, nhất là khi máu trở nên loãng hơn, làm tăng nguy cơ chảy máu trong ruột, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh đau dạ dày, bệnh đường ruột. Vì lý do nói trên khi dùng viên aspirin hàng ngày nhất thiết phải tư vấn bác sĩ.
Ảnh minh hoạ.
6. Nên có người đi cùng
Những người cao niên khi đi khám bệnh cần có người thân đi cùng để hỗ trợ, cả về tinh thần lẫn hỗ trợ thể chất, và các vấn đề liên quan đến công việc khám, lĩnh hội đầy đủ ý kiến của chuyên môn, nhất là nhóm người có sức nghe kém, mắc bệnh lú lẫn. Riêng trường hợp sức khỏe thể chất yếu, nhất thiết phải có người đi cùng để hỗ trợ việc đi lại, cung cấp thông tin đầy đủ cho bác sĩ, giúp bác sĩ hiểu được bệnh tình và đưa ra những giải pháp điều trị thích hợp.
7. Khám theo lịch hẹn
Đây là việc làm khoa học, tiết kiệm thời gian cho cả hai bên. Thậm chí, có thể hẹn cụ thể thời gian cũng như các nội dung cần khám, không nên tự ý đến phòng mạch, yêu cầu khám theo ý cá nhân trừ cấp cứu.
8. Những việc cần làm trước khi đi khám bệnh
Mỗi khi đi khám bệnh mọi người, kể cả người thân cần làm tốt công việc chuẩn bị như: tiền nong, sổ bảo hiểm y tế, giấy hẹn… Nếu phải làm các xét nghiệm thì nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ như nhịn ăn, lấy máu, nước tiểu hoặc các phẩm vật cần cho xét nghiệm. Không nên uống thuốc, dùng rượu bia trước khi đi khám bệnh. Nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, bệnh án, đôi khi cả những vỏ thuốc, đơn thuốc đã dùng. Nếu cần, có thể viết cụ thể trên giấy những điều bản thân cần trao đổi với bác sĩ, nếu nghe không rõ đề nghị bác sĩ nói to, điều gì chưa rõ cần hỏi lại, nhất là cách dùng thuốc. Trường hợp khó khăn kinh tế có thể thảo luận cùng bác sĩ để chuyển sang dùng nhóm thuốc rẻ tiền hơn cho phù hợp.
Khắc Hùng Theo Daily Mail- 3/2015