1. Tự sàng lọc
Trước khi tới bệnh viện, người bệnh cần tự kiểm tra xem mình có các yếu tố liên quan tới COVID-19 (có đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác…). Nếu có các yếu tố nguy cơ, cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất hoặc theo các số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế để được trợ giúp.
Nếu bắt buộc phải vào bệnh viện khám, cấp cứu thì cần đi theo đúng luồng đi mà bệnh viện đã qui định. Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, người bệnh cần đi khám cấp cứu theo đúng phân tuyến bảo hiểm của mình để hạn chế tập trung đông ở bệnh viện tuyến trung ương. Những trường hợp không phải cấp cứu người bệnh có thể đăng ký khám và tư vấn từ xa miễn phí tại một số bệnh viện, như Bệnh viện TWQĐ 108 hoặc có thể liên hệ trước với các chuyên khoa hoặc khoa cấp cứu để có tư vấn phù hợp, bảo đảm vừa phòng chống được dịch bệnh vừa điều trị được bệnh.
2. Đeo khẩu trang đúng cách
Nên đeo khẩu trang y tế khi tới bệnh viện. Cần lưu ý đeo khẩu trang đúng cách (mặt chống thấm quay ra ngoài, mặt thấm vào trong), nếp gấp hướng xuống dưới, thanh kim loại ôm sát sống mũi. Trong quá trình mang khẩu trang không được chạm tay vào mặt ngoài; khi tháo cầm dây để tháo, rồi bỏ vào thùng rác. Khi khẩu trang ướt, rách cần thay khẩu trang mới và thay khẩu trang sau mỗi ngày làm việc.
Đối với các trường hợp bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 thì cần được điều trị tại khu cách ly và mang đầy đủ khẩu trang N95. Trường hợp bệnh nhân khó thở có thể mang khẩu trang thông thường hoặc bỏ khẩu trang khi nằm phòng đơn áp lực âm và không có nhân viên y tế trong phòng. Trước khi mang khẩu trang và sau khi tháo bỏ khẩu trang cần rửa tay.
Đeo khẩu trang đúng cách.
3. Vệ sinh tay
Đây là một biện pháp rất đơn giản, dễ làm và có hiệu quả tốt phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. Nếu bàn tay không có vết bẩn thì có thể thực hiện vệ sinh tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn với nồng độ cồn từ 60-80%. Nếu bàn tay có vết bẩn nhìn rõ hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh môi trường, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân… cần thực hiện rửa tay bằng nước với xà phòng và lau khô tay bằng giấy hoặc khăn dùng 1 lần.
Lưu ý: không nên làm khô tay bằng các máy xì khô vì làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do máy thổi vi sinh vật từ trong máy vào bàn tay.
Trong thời gian ở bệnh viện, người bệnh có thể vệ sinh tay theo các thời điểm: Trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi xoa bóp hỗ trợ người bệnh hoặc trước lau người cho người bệnh (với người chăm sóc)…, sau khi đi vệ sinh, sau khi giúp người bệnh vệ sinh cá nhân, đổ bỏ rác thải, sau khi động chạm trực tiếp vào các bề mặt xung quanh người bệnh hoặc các bề mặt khác…
Có thể sử dụng các dung dịch vệ sinh tay chứa cồn mà bệnh viện trang bị ở mọi vị trí như trong thang máy, hành lang, trong buồng bệnh… hoặc rửa tay bằng nước với xà phòng rồi lau tay bằng giấy.
4. Giữ khoảng cách
Trong quá trình khám, điều trị người bệnh lưu ý giữ khoảng cách 2m với người xung quanh. Hạn chế đi sang các phòng bệnh khác hoặc các khoa phòng khác nếu không có yêu cầu. Khi đi trong thang máy hạn chế nói chuyện và chú ý vệ sinh tay. Nếu là trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 hoặc đang phải cách ly tại bệnh viện thì cần tuân thủ các quy định của bệnh viện như không rời khỏi khu cách ly, tuân thủ đúng 5K trong khu cách ly…
5. Tuân thủ đúng vệ sinh hô hấp
Khi ở bệnh viện hay ở cộng đồng người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng vệ sinh hô hấp, dùng khăn giấy để che miệng khi ho và hắt hơi, sau đó bỏ giấy vào thùng rác và rửa tay. Nếu không có sẵn giấy che thì có thể dùng khuỷu tay để che. Không dùng bàn tay để che mũi miệng vì làm nguy cơ lây nhiễm qua bàn tay.
6. Bảo đảm thông thoáng phòng bệnh
Hạn chế tập trung đông người tại các khu vực, đặc biệt là trong phòng bệnh. Nếu có đủ giường bệnh có thể bố trí 1 người/1 buồng bệnh, nếu nằm chung phòng thì các giường cần cách nhau tối thiểu 1m. Tại các buồng bệnh cần có các biện pháp làm tăng luân chuyển không khí trong phòng bằng cách mở các cửa sổ và các cửa ra vào. Nếu có điều hòa thì cần mở cửa phòng luân phiên theo giờ để bảo đảm thông khí. Trường hợp người bệnh nằm phòng áp lực âm thì không được mở cửa phòng mà cửa phòng phải luôn luôn đóng kín để bảo đảm áp lực âm.
7.Vệ sinh khử khuẩn môi trường
Việc vệ sinh môi trường tại bệnh viện rất quan trọng trong phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. Các điểm tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, thanh vịn, bàn phím máy tính, chuột máy tính… cần phải được lau khử khuẩn thường xuyên bằng các hóa chất diệt khuẩn như các amonium bậc 4, cồn 70 độ, cloramin B 0,1%...
Lưu ý không lau dung dịch cloramin B lên các bề mặt máy móc bằng kim loại vì có thể gây han rỉ. Công nhân vệ sinh cần phải được đào tào về quy trình vệ sinh để bảo đảm thực hiện đúng. Khi các phòng bệnh hoặc khu vực có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm thì cần tăng cường khử khuẩn bề mặt bằng phun dung dịch cloramin B 0,1% theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vi-rút SARS-CoV-2rất dễ bị tiêu diệt bởi các chất khử khuẩn thông thường như cloramin B.
Nhà vệ sinh tại các buồng bệnh, đặc biệt khu khám bệnh cần phải được tăng cường làm sạch và khử khuẩn để phòng tránh lây nhiễm liên quan đến việc sử dụng chung nhà vệ sinh. Thông khí tại các nhà vệ sinh phải được thông tháo để tăng luân chuyển không khí.
Một số khoa như Hồi sức tích cực, Thận nhân tạo, Khoa ung thư..., do đặc điểm người bệnh mạn tính, nhiều trường hợp bệnh giai đoạn cuối, nhiều bệnh lý kết hợp, người bệnh suy giảm miễn dịch do truyền hóa chất… làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và khi nhiễm người bệnh dễ tiến triển nặng. Do vậy bệnh nhân ở những khoa phòng này đòi hỏi phải đặc biệt lưu ý trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Đối với các khu vực này, cần tăng cường sàng lọc kỹ người bệnh, nhằm phát hiện kịp thời những bệnh nhân có biểu hiện của COVID-19. Người bệnh cần khai báo kỹ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Người bệnh lọc máu cần có khu lọc riêng cho người bệnh có yếu tố COVID-19… Lập danh sách theo dõi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để liên lạc khi cần thiết.
8. Tiêm phòng vắc-xin phòng COVID-19
Mọi người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế cần thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng COVID-19 theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế. Khi tham gia tiêm vắc-xin cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra trong quá trình nằm viện cần thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Có thể xét nghiệm trước khi nhập viện cho cả người bệnh, người nhà người bệnh, xét nghiệm ngẫu nhiên trong quá trình nằm viện… để phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm không có triệu chứng, từ đó có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tránh để dịch lây lan rộng trong bệnh viện.