Hà Nội

8 câu hỏi giúp xác định nghiện game hay không?

24-11-2016 11:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Sử dụng internet đúng cách đem lại nhiều lợi ích trong công việc, học tập và giải trí. Nhưng cùng với sự phát triển của các trò chơi trực tuyến...

Sử dụng internet đúng cách đem lại nhiều lợi ích trong công việc, học tập và giải trí. Nhưng cùng với sự phát triển của các trò chơi trực tuyến, bệnh lý nghiện game online hay nghiện internet ngày càng tăng, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Nghiện internet đang dần trở thành vấn nạn mà chúng ta chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

Mới đây, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam mắc chứng hoang tưởng do nghiện game. Gia đình bệnh nhân cho biết, H.N. vốn là một học sinh giỏi, sau khi tốt nghiệp phổ thông với số điểm cao, gia đình cho sang Nhật du học. Trong môi trường sống mới, thấy các bạn cùng phòng chơi game nên H.N. cũng tập tành chơi, lâu dần thì nghiện và bắt đầu sao nhãng chuyện học hành. Vài tháng gần đây, H.N. bỏ học hoàn toàn, nhốt mình trong phòng chơi game suốt nhiều ngày liền, ăn uống thất thường, có lúc bị ngất trong khi chơi. Tháng 10, gia đình phải sang Nhật đón H.N. về. Về nhà, bệnh nhân tiếp tục tình trạng trên, khi bị cấm chơi thì tỏ thái độ chống đối, phản ứng bằng cách nằm lì và bỏ ăn. Ngày 26/10, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gầy yếu, xanh xao, người lờ đờ, chậm chạp, ăn ngủ kém...

Trước đó, khoa cũng đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị mắc các chứng bệnh hoang tưởng, trầm cảm... nguyên nhân đều do nghiện game.Nghiện game

Nghiện game có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Tại sao nghiện game?

Khác với nghiện ma túy, vai trò của yếu tố sinh học là không rõ ràng nhưng vai trò của yếu tố tâm lý là rất lớn trong bệnh sinh của nghiện game. Người ta tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn. Khi chơi, họ cảm thấy thích thú, dễ chịu. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung của game có sức cuốn hút đối với người chơi game hơn các vấn đề trong cuộc sống thực tại. Dần dần, game ngày càng chiếm ưu thế trong các vấn đề mà họ quan tâm.

Khi chơi game, người ta nhận thấy não người chơi có sự tăng giải phóng dopamin, tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất này tạo nên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện. Và khi đó có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin tại khe synap ở não, giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện chơi game trên internet thuyên giảm rõ rệt.

Người nghiện game có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng của nghiện ma túy. Nhiều người trong số họ tập trung vào game còn nhiều hơn vào các vấn đề khác của cuộc sống. Khi trở thành nghiện, họ sẽ bị trầm cảm với biểu hiện là mất hết các hứng thú và sở thích khác, lười vệ sinh cơ thể, sút cân, mất ngủ, bỏ bê công việc, tắt điện thoại và nói dối về thời gian chơi game. Người nghiện game sẽ có hai nhóm triệu chứng: nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy; nhóm triệu chứng trầm cảm.

Hậu quả của nghiện game

Nghiện game là xung động sử dụng máy tính để chơi game đến mức cản trở cuộc sống bình thường. Chơi game quá nhiều, người nghiện cô lập mình với gia đình, bạn bè hoặc mọi hình thức tiếp xúc với xã hội, sự tập trung của họ vào chơi game mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống.

Nghiện game gây nhiều tác hại. Người chơi game 5 - 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy nhiều game thủ đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Sức khỏe của người nghiện game bị suy giảm nghiêm trọng, có ý tưởng và hành vi tự sát, vì vậy chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này. Nhiều game thủ chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ. Tiêu tốn về tiền bạc do chơi game khiến người nghiện phải tìm mọi cách để có tiền, họ có thể trộm cắp, cướp của, bán dâm, giết người để có tiền chơi game tiếp.

Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện game

Theo GS. Kimberly S. Young, người đầu tiên đưa ra khái niệm nghiện internet năm 1996, bà dựa vào mô hình cờ bạc bệnh lý trong DSM-IV để xây dựng một bảng câu hỏi rút gọn gồm 8 mục làm công cụ sàng lọc cho chẩn đoán nghiện internet (game):

1. Bạn có cảm thấy bận tâm với internet không, ví dụ suy nghĩ về hoạt động lần online trước đây hoặc lần online tiếp theo?

2. Bạn có cảm thấy nhu cầu phải tăng thời lượng sử dụng internet để đạt được sự thỏa mãn không?

3. Bạn đã có những nỗ lực lặp đi lặp lại nhưng không thành công trong việc kiểm soát, giảm hoặc ngừng sử dụng internet?

4. Bạn có cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, buồn chán hoặc cáu kỉnh khi cố gắng ngừng hoặc giảm sử dụng không?

5. Bạn có lên mạng với thời gian lâu hơn dự định không?

6. Bạn có bị hủy hoại hoặc có nguy cơ mất mối quan hệ quan trọng, nguy cơ mất việc làm, mất cơ hội học tập hoặc đề bạt vì internet không?

7. Bạn có nói dối những người trong gia đình, thầy thuốc hoặc người khác để che giấu mức độ bị cuốn hút vào internet của bạn không?

8. Có phải bạn sử dụng internet như một cách thức để thoát khỏi những vấn đề hoặc giải phóng trạng thái rối loạn cảm xúc của bạn như ý nghĩ về sự thất vọng, tội lỗi, lo âu, trầm cảm...?

Người có 5 hoặc nhiều hơn trả lời có trong 8 câu hỏi trên được coi là nghiện internet.

PGS.TS. Cao Tiến Đức- Hà Đình Trọng
Ý kiến của bạn