8 cách tránh mắc phải dịch bệnh mùa mưa lũ

18-07-2017 07:27 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Chính phủ đã có Công điện chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1025/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khắc phục hậu quả bão số 2 năm 2017. Công điện nêu rõ: Bão số 2 đã đổ vào khu vực các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn trên diện rộng, gây thiệt hại về người, nhà cửa của nhân dân và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tàu vận tải VTB 26 bị chìm trên vùng biển tỉnh Nghệ An làm 13 thuyền viên gặp nạn. Theo dự báo, thời gian tới mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 còn đang gặp nạn.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình có bị thiệt hại do bão số 2, tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập. Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chóng úng ngập, bảo vệ sản xuất. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ.

3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 2.

4. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó kịp thời; tổ chức rút kinh nghiệm để công tác dự báo, chỉ đạo, ứng phó ngày càng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bước vào tháng 7, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Ảnh minh họa.



Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng 

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.


D.Hải
Ý kiến của bạn