1. Tóc mọc như thế nào?
Trung bình mỗi người có khoảng 100.000 nang tóc. Mỗi tháng tóc mọc dài khoảng 1,3cm và phát triển trong khoảng sáu năm trước khi rụng.
Một chu kỳ tăng trưởng tóc điển hình bao gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn anagen: Đây là thời điểm tóc phát triển tích cực, có tới 90% tóc ở giai đoạn này.
- Giai đoạn catagen: Lúc này tóc phát triển chậm lại và bắt đầu tách ra khỏi nang. Khoảng 10% tóc hoặc ít hơn ở giai đoạn này.
- Giai đoạn telogen: Giai đoạn nghỉ ngơi của quá trình phát triển của tóc, khi tóc không mọc hoặc rụng. Khoảng 5-10% tóc đang ở giai đoạn này.
- Giai đoạn ngoại sinh: Giai đoạn tóc rụng. Trong giai đoạn này, mỗi ngày có thể rụng khoảng 100 sợi tóc.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển, độ dày và kết cấu của tóc. Thông thường là do lão hóa, bệnh tật hoặc thay đổi nội tiết tố, căng thẳng nghiêm trọng, một số bệnh lý…
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể khiến tóc rụng như: Rối loạn giật tóc (Trichotillomania), chế độ ăn kiêng làm giảm đáng kể lượng protein, tác dụng phụ của thuốc…3. Những cách hỗ trợ giúp tóc mọc nhanh hơn
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AADA), có một số phương pháp đơn giản có thể giúp tóc mọc nhanh hơn:
- Thay đổi thói quen buộc tóc: Buộc tóc chặt về phía sau thành búi, buộc đuôi ngựa/tết tóc, cuốn lô tóc, nối tóc trong thời gian dài… có thể làm hỏng tóc và góp phần gây rụng tóc.
Để tránh việc tóc rụng và tóc có thể mọc nhanh hơn, nên để xõa tóc hoặc thay đổi kiểu buộc tóc thường xuyên.
- Thay đổi thói quen chăm sóc tóc: Có nhiều thói quen chăm sóc tóc góp phần làm tóc nhanh gãy rụng hơn. Do đó, để tránh hư tổn cho tóc, giúp tóc nhanh mọc hơn nên:
- Tránh dùng dầu xả thường xuyên.
- Để tóc khô tự nhiên thay vì sấy tóc.
- Nếu bơi ở hồ bơi, nên đội mũ bơi để bảo vệ tóc hoặc gội thật sạch.
- Giảm việc sử dụng thuốc nhuộm hoặc uốn tóc hoặc kéo dài thời gian giữa các lần sử dụng hóa chất.
- Có thể sử dụng thuốc điều trị rụng tóc tại chỗ: Rogaine (minoxidil) là một phương pháp điều trị rụng tóc tại chỗ đã được FDA phê chuẩn và có thể mua không cần kê đơn (OTC). Thuốc này có có tác dụng giúp mọc tóc, ngăn rụng tóc liên tục và tăng độ dày của tóc. Minoxidil được bôi trực tiếp lên da đầu một hoặc hai lần mỗi ngày. Cần dùng thuốc này trong 6-12 tháng và dùng hàng ngày để đạt được hiệu quả mọc tóc.
- Lăn kim vi điểm: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi kết hợp với các phương pháp điều trị như minoxidil hoặc các phương pháp điều trị y tế như huyết tương giàu tiểu cầu hoặc corticosteroid, lăn kim vi điểm có thể giúp tóc mọc nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng lăn kim vi điểm cần được thực hiện bởi chuyên gia và ở cơ sở y tế uy tín.
- Thực phẩm bổ sung: Một số chất bổ sung có thể hữu ích để khuyến khích sự phát triển của tóc. Tuy nhiên, AADA khuyến cáo, chỉ nên dùng những chất bổ sung này khi bị thiếu các chất dinh dưỡng này. Các chất bổ sung vitamin có thể giúp mọc tóc bao gồm biotin, sắt hoặc kẽm.
- Thảo dược: Liệu pháp thảo dược cũng được nhiều người lựa chọn sử dụng để giúp mọc tóc. Các liệu pháp thường được sử dụng như: Hạt nho, bạch quả, dầu đà điểu, dầu hoa anh thảo, cây xô thơm, cây tầm ma và dầu hương thảo… Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng mọc tóc của các liệu pháp thảo dược này, do đó, cần thận trọng khi dùng.
- Điều trị rụng tóc: Nếu sử dụng các phương pháp trên mà không có tác dụng, nên đến khám tại cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh đồng thời đưa ra các phương pháp điều trị cho tình trạng rụng tóc. Một số phương pháp điều trị y tế được sử dụng để giúp trị rụng tóc: Tiêm corticosteroid, liệu pháp laser, huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), thuốc kê đơn như finasteride (propecia) hoặc spironolactone (điều trị rụng tóc ở phụ nữ).
- Thực phẩm: Để tóc nhanh mọc, nên bổ sung các dưỡng chất tốt cho sự phát triển của tóc như:Biotin, keratin, protein, vitamin A-E-C, sắt, kẽm, selen... Một số loại thực phẩm có thể giúp tóc mọc nhanh: Cá hồi, hàu, trứng, hạt hướng dương, khoai lang, quả bơ, hạnh nhân...
4. Khi nào cần đi khám?
Rụng tóc có nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân lại có cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng dưới đây bạn cần đến khám để được tư vấn và điều trị đúng cách:
- Rụng tóc quá nhiều và đang ở độ tuổi thanh thiếu niên.
- Rụng tóc từng mảng.
- Cảm thấy đau, ngứa hoặc da đỏ, có vảy cùng với rụng tóc.
- Phụ nữ bị rụng tóc giống chứng hói đầu ở nam giới.
- Rụng tóc đi kèm với chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc có lông mặt (ở nữ).
- Rụng tóc đi kèm có các triệu chứng như suy nhược, kiệt sức, không dung nạp được, cảm lạnh…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Rụng tóc khi nào cần đi khám bác sĩ?