Hà Nội

8 biểu hiện của ung thư máu và cách chữa căn bệnh này

13-10-2023 09:27 | Ung thư

SKĐS - Nam sinh 16 tuổi chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán viêm lợi tối cấp hoại tử, nhưng các bác sĩ phát hiện bệnh nhân ung thư máu. Vậy dấu hiệu ung thư máu có biểu hiện gì, chữa như thế nào?

Ung thư máu, hay còn gọi là ung thư bạch cầu, là loại ung thư bắt nguồn từ mô tạo máu, như tủy xương, hoặc từ các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Về sự tiến triển của bệnh, ung thư máu được chia thành thể cấp tính và mạn tính. Ung thư máu cấp tính và mạn tính được chia thành các dòng tế bào (dòng bạch cầu hạt, dòng lympho, dòng mono…). Ung thư máu cũng thay đổi tùy theo tuổi, giới tính và một số yếu tố khác.

photo-1697073568878

Hình minh họa tế bào máu bình thường (bên trái) và tế bào máu của người bệnh ung thư máu (bên phải).

Biểu hiện của ung thư máu

Những dấu hiệu của bệnh rất đa dạng. Trong bệnh bạch cầu cấp, nhiều triệu chứng xuất hiện không những do sản xuất không đủ các loại tế bào máu bình thường trong tủy, mà còn do các tế bào ung thư lan tràn khắp cơ thể.

Triệu chứng do giảm các tế bào máu bình thường:

- Đau xương: Một trong những triệu chứng chính của ung thư máu chính là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng.

- Sưng hạch bạch huyết: Sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau.

- Xanh xao, mệt mỏi: Khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là "thiếu máu". Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.

- Chảy máu cam: Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp nhưng nếu trong trường hợp chảy máu nhiều, liên trục nhiều ngày thì ngay lập tức phải khám bệnh càng sớm càng tốt. Bởi lẽ đây có thể là hệ quả của việc suy giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.

- Sốt cao thường xuyên: Bệnh nhân mắc ung thư máu bị suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch biểu hiện qua những cơn sốt cao, những vết thương nhiễm trùng khó lành.

- Đau bụng: Khi ung thư máu đã tiến triển đến gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Vì thế bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng, đầy hơi, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hoặc ói mửa.

- Xuất hiện đốm đỏ: Đốm đỏ hoặc tím trên da là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.

- Nhức đầu: Nhức đầu dữ dội, đi kèm đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến cho não không được cung cấp đủ ôxy nên gây đau đầu.

8 biểu hiện của ung thư máu và cách chữa căn bệnh này  - Ảnh 2.

Nhức đầu dữ dội, đi kèm đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao, thận trọng với ung thư máu.

Điều trị ung thư máu

Các phương pháp điều trị được áp dụng tùy từng thể bệnh, bao gồm:

- Hóa trị liệu với các phác đồ dùng thuốc hóa chất cho bệnh nhân.

- Điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu.

- Điều trị bằng các thuốc nhắm đích khác nhau như hóa miễn dịch trị liệu, các kháng thể đơn dòng, các thuốc đích phân tử nhỏ.

Điều trị bằng hóa trị liệu là điều trị cốt lõi cho nhóm bệnh ung thư máu cấp tính. Để ghép tế bào gốc, trước hết người bệnh cần điều trị hóa chất đạt lui bệnh hoàn toàn.

Có thể nói việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mục tiêu điều trị. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát một cách thận trọng; trong các trường hợp khác, điều trị sẽ bắt đầu ngay lập tức.

Các thể bệnh có độ ác tính cao, giai đoạn lan tràn cần được điều trị bằng các liệu pháp toàn thân (hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc tạo máu) hoặc tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị) kết hợp kèm theo các điều trị hỗ trợ.

Lời khuyên thầy thuốc

Mặc dù được chẩn đoán ung thư máu là gánh nặng tâm lý và kinh tế đáng kể cho bệnh nhân và gia đình, tuy nhiên việc điều trị ung thư máu cần được cá thể hóa và thường phức tạp. Người bệnh và gia đình cần kiên nhẫn chờ đợi, hợp tác tốt với bác sĩ, đồng thời thông báo đầy đủ về tiền sử bệnh, các thuốc đã và đang sử dụng trong điều trị các bệnh này, tình trạng dị ứng của mình.

Phương pháp điều trị ung thư máu chủ đạo là điều trị toàn thân, trong đó hóa trị là phương pháp cơ bản, đã có từ lâu, có thể các kết hợp với các phương pháp điều trị mới hơn như điều trị đích, điều trị miễn dịch để giảm thiểu tác dụng phụ cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Điều trị ung thư máu thường yêu cầu thời gian dài với các giai đoạn điều trị bằng cách sử dụng kết hợp các phương thức điều trị khác nhau, đôi khi kéo dài nhiều năm, giống như điều trị một căn bệnh mạn tính.

Dù ở đâu trong hành trình điều trị, bệnh nhân và gia đình hãy hiểu biết đầy đủ, yên tâm tin tưởng, tuân thủ điều trị và đặc biệt tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Phát hiện ung thư máu từ dấu hiệu viêm lợi

Nam sinh 16 tuổi, chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán viêm lợi tối cấp hoại tử, nhưng kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ phát hiện ung thư máu cấp tính.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng mắc một bệnh nội khoa nào khác. Gần đây, em đột ngột khởi phát sưng lợi toàn bộ hai hàm. Tổn thương tiến triển nhanh, người mệt mỏi, kèm theo sốt nhẹ. Nam sinh nhập viện tuyến dưới điều trị, nhưng sau 5 ngày, bệnh tình càng trầm trọng nên chuyển tuyến trung ương.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thực, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, kết quả khám cho thấy hình thái thương tổn vô cùng đặc biệt. Phim X-quang cũng phản ánh hình ảnh bất thường khi toàn bộ nhóm răng hàm trên và dưới bị đẩy chồi khỏi huyệt ổ răng.

Với các triệu chứng và kết quả này, các bác sĩ cho rằng bệnh nhân mắc bệnh lý khác, không đơn thuần bị bệnh răng miệng. Lập tức, em được xét nghiệm công thức máu cấp, kết quả cho thấy mắc leucemie cấp - một bệnh cảnh máu ác tính và được chuyển điều trị theo đúng chuyên khoa.

ThS.BS Phạm Thị Tuyết
Ý kiến của bạn