Khi cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ, khó tập trung, rối loạn chức năng tình dục, đau đầu không rõ nguyên nhân... có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần được chăm sóc...
Bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để nâng cao sức khỏe của bản thân:
1. Hạn chế uống rượu giúp đẩy lùi bệnh
Có đến hơn 90% lượng rượu được chuyển hóa qua gan. Trong đó, các enzyme gan chuyển hóa rượu thành acetaldehyd, một hóa chất gây ung thư đã được biết đến. Khi nhận biết acetaldehyd là độc tố, gan chuyển đổi nó thành một chất vô hại gọi là acetate và loại bỏ khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng gan như gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan, sẹo gan... khiến gan không thể hoạt động đầy đủ và thực hiện các nhiệm vụ cần thiết như lọc chất thải và các độc tố khác từ cơ thể.
Do đó, hạn chế hoặc kiêng rượu hoàn toàn là một trong những cách tốt nhất để giữ cho hệ thống giải độc cơ thể hoạt động mạnh mẽ và nâng cao sức khỏe.
Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu để bảo vệ sức khỏe.
2. Đảm bảo ngủ đủ giấc
Đảm bảo ngủ đủ giấc ngủ là biện pháp hiệu quả cải thiện sức khỏe và hỗ trợ hoạt động của hệ thống giải độc tự nhiên.
Nguyên nhân do ngủ cho phép bộ não sắp xếp lại thông tin cũng như loại bỏ các chất thải độc hại tích lũy trong suốt cả ngày như beta-amyloid (góp phần vào sự phát triển của bệnh Alzheimer).
Chính vì vậy, khi thiếu ngủ, cơ thể không có thời gian để thực hiện các chức năng này, nên độc tố có thể tích tụ và ảnh hưởng đến một số khía cạnh của sức khỏe như căng thẳng, lo lắng, huyết áp cao, bệnh tim, đái tháo đường type 2 và béo phì.
Bạn nên duy trì giấc ngủ thường xuyên từ 7- 8 giờ mỗi đêm, để giúp tăng cường sức khỏe. Nếu gặp khó khăn trong việc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu... có thể thực hiện thay đổi lối sống, hạn chế xem tivi, nhìn màn hình điện thoại trước khi ngủ... giúp ngủ ngon hơn.
Giấc ngủ rất quan trọng để tái tạo năng lượng và là thời gian để cơ thể loại bỏ độc tố.
3. Uống đủ nước
Nước không chỉ có tác dụng làm giảm cơn khát mà còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bôi trơn các khớp, hỗ trợ tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, giải độc cơ thể thông qua nước tiểu, hơi thở hoặc đổ mồ hôi và nâng cao sức khỏe.
Lượng nước được khuyến cáo là 40ml/kg cân nặng/ngày. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào chế độ ăn uống, khí hậu và mức độ hoạt động của từng người để có sự điều chỉnh lượng nước bổ sung phù hợp.
Uống nhiều nước giúp loại bỏ độc tố.
4. Giảm lượng đường và thực phẩm chế biến sẵn
Tiêu thụ nhiều thực phẩm có lượng đường cao và thực phẩm chế biến sẵn là nguy cơ dẫn tới béo phì và các bệnh mạn tính khác như bệnh tim, ung thư và đái tháo đường.
Những bệnh lý này gây tổn thương ở các cơ quan trọng như gan và thận dẫn tới ảnh hưởng đến khả năng giải độc tự nhiên của cơ thể. Do đó, bạn nên thay đổi cách ăn uống, thay thế đồ ăn vặt bằng những loại thực phẩm tốt cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như rau củ, trái cây...
Hạn chế thực phẩm nhiều đường và chế biến sẵn để bảo vệ sức khỏe.
5. Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E, selenium, lycopene, lutein và zeaxanthin có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ, bệnh tim, bệnh gan, hen suyễn và một số loại ung thư...
Ăn một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa từ thực phẩm như các loại quả mọng, các loại hạt, ca cao, rau củ... có thể giúp cơ thể nâng cao sức khỏe, chống lại các gốc tự do và các độc tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh của cơ thể.
Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
6. Ăn thực phẩm chứa nhiều prebiotic
Các tế bào ruột có hệ thống giải độc và bài tiết để bảo vệ ruột và cơ thể khỏi các độc tố có hại, chẳng hạn như hóa chất.
Bổ sung prebiotic, một loại chất xơ nuôi sống vi khuẩn tốt trong ruột, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe đường ruột và hệ thống thải độc của cơ thể.
Bổ sung prebiotic bằng các loại thực phẩm như cà chua, atisô, chuối, măng tây, hành tây, tỏi và yến mạch.
Một số trái cây và rau củ giàu prebiotic.
7. Giảm lượng muối trong chế độ ăn
Tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng khả năng giữ nước. Bạn có thể loại bỏ lượng nước dư thừa và chất thải bằng cách uống nhiều nước và sử dụng thực phẩm giàu kali như khoai tây, bí, đậu thận, chuối và rau chân vịt.
Giảm muối ngay từ khâu chế biến thức ăn.
8. Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe
Tập thể dục thường xuyên, dù cơ thể béo hay gầy, không chỉ giữ cho thân hình thon gọn mà còn có tác dụng giảm viêm, từ đó nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật như đái tháo đường type 2, bệnh tim, huyết áp cao và một số bệnh ung thư. Bên cạnh đó, chức năng giảm viêm của việc tập thể dục thường xuyên cũng giúp hệ thống thải độc của cơ thể thực hiện trơn tru.
Bạn nên thực hiện ít nhất 150- 300 phút mỗi tuần tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, hoặc 75-150 phút mỗi tuần hoạt động thể chất cường độ cao, chẳng hạn như chạy.
Tập thể dục thường xuyên là biện pháp tích cực nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể trẻ hóa.
Mời bạn xem tiếp video:
Hà Nội ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, tăng nguy cơ mắc bệnh về hô hấp | SKĐS