1.Tác dụng dược lý của nghệ
Nghệ vàng và nghệ đen đã được sử dụng trong Đông y từ lâu đời. Cả 2 loại đều có hoạt tính chống viêm. Thân rễ nghệ vàng và nghệ đen thu hái vào mùa thu đông, cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch đất cát, thái lát, phơi hoặc sấy khô. Trong Đông y gọi là khương hoàng (nghệ vàng), nga truật (nghệ đen).
Nghệ vàng có tác dụng chống loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Cao lỏng toàn phần của nghệ vàng có tác dụng giảm cholessterol máu, kháng khuẩn kháng nấm.
Nghệ đen có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng cường bài tiết mật, kiện vị bài hơi. Tinh dầu nghệ đen có tác dụng kháng khuẩn.
Nghệ có hoạt tính chống loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa
2.Công dụng và liều dùng
Nghệ vàng và nghệ đen đều có vị cay đắng tính ấm, lợi về kinh Can và Tỳ, được dùng để điều trị trong các trường hợp bị đòn ngã tổn thương ứ máu, viêm gan, vàng da, viêm dạ dày, mụn nhọt, phong thấp, tay chân đau nhức. Nghệ còn được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ, chữa bế kinh, tích huyết tử cung sau sinh. Dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong điều trị táo bón.
Ngày uống 2-6g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.
Dùng ngoài: nghệ tươi giã nát, lấy nước bôi lên ung nhọt, vết thương ngoài da, tránh để lại sẹo. Các nhà khoa học nước ngoài còn nghiên cứu thấy nghệ đen có khả năng chống ung thư. Ở một số nước, nghệ còn được dùng chữa ho, hỗ trợ điều trị lao phổi.
Kim tiền thảo phối hợp với nghệ… trong bài thuốc chữa sỏi mật
3.Các bài thuốc từ củ nghệ
3.1 Hỗ trợ chữa viêm gan, suy gan, vàng da
Nghệ 2g, rau má 4g, núc nác 3g, nhân trần 3g, hoàng bá nam 3g, dành dành 2g, nhọ nồi 2g, hậu phác nam (vối rừng) 2g. Nghệ, dành dành, hậu phác nam phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Các vị khác nấu thành cao. Trộn đều bột và cao làm viên hoàn. Ngày uống 10g, chia 2 lần.
3.2 Hỗ trợ chữa viêm gan virus cấp tính
Nghệ 12g, nhân trần, bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g, chi tử 16g, đại hoàng sao 12g, hoàng liên 8g. Ngày một thang. Sắc uống trong ngày.
3.3 Chữa sỏi mật, làm mòn sỏi
Kim tiền thảo 40g, nghệ, mộc hương, nhân trần, chỉ xác, đại hoàng, mỗi vị 12g. Ngày 1 thang. Sắc uống trong ngày.
3.4 Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua
Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sâm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 10-20g, chia 2 lần.
3.5 Chữa bế kinh, tích huyết tử cung sau khi sinh
Nghệ 1 củ nướng, cắt lát, ăn, hoặc nấu xôi nếp ăn.
3.6 Chữa đau bụng kinh
Nghệ 12g, ích mẫu 20g, sinh địa 16g, huyền sâm 16g, địa cốt bì 12g, hoàng liên, đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.
3.7 Chữa chảy máu cam, thổ huyết (nôn ra máu)
Bột nghệ, ngày uống 4-6g, chia 2 lần chiêu với nước.
3.8 Chữa vết thương mụn nhọt, lở loét
Bột nghệ vàng 30g, bột rau má 60g, bột phèn phi 10g. Trộn đều, rắc vào nơi tổn thương, ngày 3 lần. Cần đảm bảo nghệ có nguồn gốc rõ ràng, không pha tạp.
Mời bạn xem thêm video:
Bác sĩ khuyến cáo điều cha mẹ nên làm khi trẻ mắc Adenovirus điều trị tại nhà - SKĐS