Ô dược có tên khoa học là Lindera myrrha (Lour) Merr.; thuộc họ long não (Lauraceae). Với các thành phần alcaloid và tinh dầu từ rễ cây, ô dược có công dụng chính là hành khí, chỉ thống (giảm đau) và khứ hàn.
1. Đặc điểm của cây ô dược và vị thuốc ô dược
Ô dược là cây thân gỗ, cao khoảng 1 - 15m. Lá mọc so le, dạng hình bầu dục, mặt lá nhẵn bóng, mặt dưới lá có lông. Hoa của cây ô dược có màu hồng nhạt, họp thành tán nhỏ. Quả mọng dạng hình trứng, khi quả chín có màu đỏ, một hạt.
Phần rễ dùng làm thuốc được mô tả giống như đùi gà, khô, mập, chỗ to, chỗ nhỏ không đều, rắn chắc, vỏ nâu, thịt có màu vàng ngà, sạch rễ, không mọt, trơn nhẵn, có hương thơm là tốt. Loại cứng già không làm thuốc được. Để sử dụng ô dược, sau khi đào rễ, cần cắt bỏ rễ phụ, rửa sạch và phơi khô. Nếu cắt miếng thì rễ tươi lấy về, cạo sạch vỏ ngoài (có khi không cạo) ngâm vào nước rồi thái thành từng miếng mỏng phơi khô.
Lá cây ô dược
2. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học trong ô dược rất đa dạng bao gồm alkaloid linderan, linderen, rượu linderola, axit linderic, linderazulen, coclorin, cocculine, cetone, tinh dầu.
3. Tác dụng chữa bệnh của ô dược
Theo Y học cổ truyền, ô dược có vị cay, hơi đắng, tính ôn, quy kinh Tỳ, Vị, Phế, Thận. Với công dụng chính là lý khí, hành khí, khai uất, tán hàn, chỉ thống, ôn thận, ô dược thường được dùng để trị ngực bụng trướng đau, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện đi nhiều, đái dầm, tiểu són. Ngoài ra, vị thuốc này còn chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, trẻ em có giun, sung huyết, đầu nhức, hay tiểu đêm.
Theo Y học hiện đại, ô dược giúp kích thích tăng tiết dịch ruột, giảm trương lực ruột nhằm đẩy khí ra bên ngoài và làm tăng nhu động ruột. Bột dược liệu khô có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu và cầm máu nhanh chóng.
Vị thuốc ô dược.
4. Các bài thuốc từ ô dược
4.1. Bài thuốc trị đau bụng dưới do hàn: Cao lương khương, hồi hương và ô dược mỗi vị 6g, thanh bì 8g. Đem sắc uống.
4.2. Bài thuốc trị đau bụng kinh, bụng đau và khí trệ do trúng khí hàn: Cam thảo 6g, sinh khương 6g, đảng sâm 10g, ô dược 10g và trầm hương 2g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
4.3. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa gây ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, bụng đầy trướng và ăn uống khó tiêu: Hương phụ và ô dược bằng lượng nhau. Đem dược liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng từ 2 – 8g uống với nước gừng sắc, ngày dùng 2 lần.
4.4. Bài thuốc trị bàng quang hư hàn, thận dương bất túc gây tiểu nhiều và đái dầm: Sơn dược và ích trí nhân mỗi vị 16g, ô dược 10g. Đem sắc uống trong ngày.
4.5. Bài thuốc trị huyết ngưng khí trệ gây đau bụng kinh: Mộc hương và hương phụ mỗi vị 8g, đương quy 12g, ô dược 10g. Đem sắc uống trong ngày.
4.6. Bài thuốc trị tiêu chảy, sốt và lỵ: Ô dược (sao với cám) một lượng vừa đủ. Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng từ 3 – 5g uống với nước cơm. Dùng 2 – 3 lần/ ngày, nên dùng trước khi ăn khoảng 90 phút.
Lưu ý: Nếu bị nặng, nên phối hợp với hoắc hương và cỏ sữa. Dùng mỗi thứ 10g đem sắc uống và chia thành 3 lần uống, dùng liên tục trong 1 – 2 tuần lễ.
4.7. Bài thuốc trị chứng cam tích ở trẻ nhỏ, dùng cho trẻ nhẹ cân, gầy yếu, chậm lớn, ăn ngủ kém: Bạch truật, ô dược và màng mề gà (kê nội kim) sao cám, hoài sơn sao vàng và ý dĩ mỗi thứ 10 – 12g. Đem tán nguyên liệu thành bột mịn, mỗi lần dùng 5 – 9g uống với nước sôi để nguội. Mỗi ngày dùng 3 lần, sử dụng liên tục trong 2 – 3 tuần. Dùng bài thuốc nhiều đợt để trị dứt điểm bệnh.
4.8. Bài thuốc trị chứng đau bụng kinh ở phụ nữ: Sa nhân (vi sao) 3g, mộc hương và ô dược (vi sao) mỗi vị 12g, cam thảo 5g, huyền hồ (chích giấm) 12g và sinh khương 4g. Đem sắc uống, chia thành 2 lần uống. Uống thuốc trước khi ăn và dùng liên tục trong 17 – 21 ngày. Nên dùng sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
5. Kiêng kỵ
Những người có thể trạng khí hư mà có nội nhiệt thì không dùng.
Mời độc giả xem thêm video:
Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi