Nước ăn chân – bệnh ngoài da dễ mắc trong mùa mưa lũ
Nước ăn chân là tên gọi dân dã của bệnh nấm kẽ chân. Bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ kéo dài hoặc bệnh nghề nghiệp của nông dân vùng chiêm chũng, chài lưới... do thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, nước bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm, vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào da ở các kẽ ngón tay, chân gây nên bệnh.
Nước ăn chân có thể do thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa. Những hóa chất này gây kích ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn hoạt động, gây viêm nhiễm.
Việc bịt kín chân bằng giày, tất sẽ khiến cho tuyến mồ hôi ở chân tăng tiết nhưng mồ hôi lại khó thoát ra sẽ gây ẩm ướt... tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh.
Nấm kẽ tay, chân là bệnh da liễu, do bị nhiễm loại nấm có tên Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes và Epidermophyton floccosumi. Các loại nấm này khi xâm nhập vào da sẽ tiết ra các chất keratinase phá hủy tế bào sừng gây nhiễm trùng.
Triệu chứng thường gặp như: Các khe kẽ tay, chân bị nứt da, loét, chợt, nền vết loét có màu trắng nhợt hoặc đỏ, gây ngứa rát; các chất dịch mụn bị vỡ ra nhớt, có mùi khó chịu ảnh ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày...
Một số bài thuốc nam trị "nước ăn chân"
ThS.BS. Nguyễn Đình Thục, Tổng Thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, có một số bài thuốc nam trị nước ăn chân rất hiệu quả. Xin giới thiệu một số bài thuốc nam để bạn đọc tham khảo:
Bài 1: Lấy một nắm lá trầu không đun sôi 10 phút, để nguội, cho một cục phèn chua khoảng 10g, đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón tay chân bị loét ngứa, thấm khô. Ngày làm 2 đến 3 lần, đến khi khỏi.
Bài 2: Dùng một nắm búp ổi to, rửa sạch để ráo nước, cho một ít muối ăn vào giã nhỏ, rồi đắp vào chỗ kẽ tay chân bị nấm 60 phút, sau đó rửa sạch, thấm khô, làm đến khi khỏi.
Bài 3: Lá kim ngân 1 nắm to, thêm chút muối ăn, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa tay chân bị nấm. Mỗi ngày làm từ 2-3 lần, đến khi khỏi.
Bài 4: Rau sam tươi (thân và lá), khoảng 50-100g, rửa sạch, để ráo nước, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm. Mỗi ngày làm 2 đến 3 lần, đến khi khỏi.
Bài 5: Lấy cây cóc mẳn phần trên mặt đất 50g, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm và lấy bã thuốc đắp vào các kẽ chân băng lại. Mỗi ngày làm 1 đến 2 lần đến khi khỏi.
Bài 6: Lá chè xanh và lá phèn đen, mỗi thứ 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa tay chân trong 10-20 phút. Rồi lấy búp ổi, lá lốt, mỗi thứ 20g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ tay chân bị nấm, làm đến khi khỏi.
Bài 7: Lấy lá mướp 30g rửa sạch, để ráo và cho thêm một chút muối ăn đem giã nát đắp vào vùng kẽ chân tay bị nấm và dùng vải băng bó lại. Để trong 1 -2 giờ. Ngày làm 2 lần, đến khi khỏi.
Bài 8: Dùng phèn đen 30g, lá chè xanh 30g. Đun khoảng 15 phút, dùng nước này ngâm tay chân bị nấm khoảng 20 phút, lấy khăn lau sạch. Dùng lá lốt 30g, lá bàng 30g cho thêm ít muối ăn, đem giã nát và đắp vào các khe kẽ bị nấm, để khoảng 60 phút thì rửa lại với nước đun như trên, thấm khô, ngày làm 02 lần, đến khi khỏi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ảnh hưởng áp thấp mưa ngập nhiều đoạn đường ở Nha Trang (Khánh Hòa)