1. Đặc điểm của cây bồ công anh
Tên bồ công anh được dùng để chỉ ít nhất 3 cây khác nhau đều có mọc ở nước ta, cần chú ý để tránh nhầm lẫn:
- Cây bồ công anh Việt Nam Lactuca indica L. họ Cúc (Asteraceae). Chữ "Việt Nam" là thêm vào để tránh nhầm lẫn. Cây này được dùng phổ biến, nhất là tại phía Bắc và phía bắc Trung Bộ.
- Cây bồ công anh Trung Quốc Taraxacum officinale Wigg., cũng họ Cúc (Asteraceae). Chữ "Trung Quốc" cũng thêm vào để chỉ rõ rằng tên bồ công anh ghi trong các sách Trung Quốc là cây này. Cây này có mọc hoang và được trồng ở một vài nơi trong nước ta, nhất là tại các miền núi cao như Tam Đảo, Sapa. Tuy nhiên ta hầu như không dùng loại cây này.
- Cây Chỉ thiên Elephantophus scaber L. cũng thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây này được một số anh em miền Nam nước ta dùng với tên bồ công anh. Điều đáng chú ý là tại một vài nơi ở miền nam Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây) người ta cũng gọi cây chỉ thiên này là bồ công anh và dùng như bồ công anh Trung Quốc.
Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến bồ công anh Việt Nam.
Bồ công anh Việt Nam còn có tên gọi khác là rau bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mót mét, mũi mác, diếp trời, rau mũi cày. Tên khoa học Lactuca indica L. Thuộc họ Cúc Asteraceae.
Bồ công anh là một cây nhỏ, cao 0,60m đến 1m, có thể cao tới 3m. Thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, có loại tím. Có người gọi cây hoa vàng là hoàng hoa địa đinh và loại hoa tím là tử hoa địa đinh (tử là màu tím). Cả hai loại đều được dùng làm thuốc.
Bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền bắc nước ta, ít thấy trồng. Việc trồng rất dễ dàng bằng hạt. Mùa trồng vào các tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10. Có thể trồng bằng mẩu gốc, sau 4 tháng có thể bắt đầu thu hoạch.
Thường nhân dân ta dùng lá, hái lá về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô dùng dần, thường hay dùng tươi đun nước uống hoặc nấu canh ăn hằng ngày.
2. Công dụng và liều dùng
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bồ công anh Việt Nam là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, hay bị mụn nhọt, đinh râu. Ngoài ra, còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu.
Liều dùng hằng ngày: 50 đến 100g lá tươi hoặc 30 đến 50g lá khô. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm đường cho dễ uống và dùng giã nát đắp ngoài, không kể liều lượng.
3. Bài thuốc chữa tắc tia sữa, mụn nhọt từ bồ công anh
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc chữa tắc tia sữa, mụn nhọt từ bồ công anh
- Chữa sưng vú, tắc tia sữa:
Bài 1: Hái 20 đến 50g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nát, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2-3 lần là đỡ (kinh nghiệm dân gian). Chú ý không đắp lên vết thương đã vỡ.
Bài 2: Bồ công anh 120g, sài đất 80g, thông thảo 12g, quả chộp phơi khô (vương bất lưu hành) 30g, gai bồ kết 20g, bạch tật lê 15g... Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
- Phương thuốc tăng tiết sữa:
Bồ công anh 60g, thông thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều. Dùng trong trường hợp sản phụ mất sữa. Vừa uống, vừa lấy bã thuốc, bọc trong vải sạch, làm nóng sát lên vú. Thường chỉ uống 2 thang là hiệu nghiệm.
- Trị viêm tuyến sữa cấp tính:
Bồ công anh 30g, liên kiều 20g, bạch tật lê 12g, thông thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Kết hợp dùng bồ công anh tươi lượng vừa đủ, giã nát, rang nóng, đắp vào chỗ đau.
- Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt:
Lá bồ công anh khô 20 đến 30g; nước 600ml (3 bát), sắc còn 200ml (1 bát) (có thể đun sôi kỹ và giữ sôi trong vòng 15 phút). Uống liên tục trong 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn.
- Chữa mụn trứng cá:
Bồ công anh 15g, sơn tra 12g, kim ngân hoa 15g, chỉ xác 10g, hổ trượng 12g, đại hoàng tẩm rượu 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng 1 lần, tối 1 lần.
- Trị các loại mụn nhọt sương độc cấp tính:
Thang Bồ công anh: Bồ công anh 20 - 63g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Bài trị mụn nhọt độc do nhiệt, trên da lở loét, mắt đỏ do phong hỏa:
Bồ công anh 20g, cúc hoa 12g, kim ngân hoa 12g, sinh cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Chú ý: Bệnh nhân không mắc chứng khí trệ, không sưng nóng thì không được dùng bồ công anh. Cơ thể gầy còm, già yếu tân dịch kém, trẻ em dưới 6 tuổi khi dùng phải cân nhắc liều lượng.
Người viêm ruột, tiêu chảy, thống kinh không dùng bồ công anh.
Kiêng kỵ: Khi đang dùng bồ công anh để chữa bệnh không ăn rau muống, đỗ xanh, thức ăn cay, rượu, bia làm mất tác dụng của thuốc hoặc phản tác dụng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bội nhiễm, hoại tử vì tự đắp thuốc lá vào vết thương theo lời thầy lang.