Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía thành phố Hà Nội. Ngoài ra, vùng mây đối lưu từ phía huyện Thạnh Thất, Quốc Oai có xu hướng di chuyển về phía thành phố Hà Nội.
Cảnh báo trong khoảng 20 phút đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông, sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố có thể ngập sâu từ 10-20cm, một số tuyến có thể ngập sâu hơn, ở mức 25-30cm, trải rộng trên 10 quận nội thành gồm Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Quận Ba Đình các tuyến cần chú ý gồm Huỳnh Thúc Kháng, Thành Công, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ…
Cụ thể tại quận Tây Hồ, người dân cần lưu ý các đường Thụy Khuê, Phúc Xá; Quận Hoàn Kiếm có các phố Phùng Hưng, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Nguyễn Siêu-Ngõ Gạch, Tông Đản, Quang Trung-Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành-Hàng Nón đều có nguy cơ ngập.
Quận Đống Đa cần chú ý các phố Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Kim Liên….
Quận Thanh Xuân có nhiều tuyến dễ ngập nhất bao gồm Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân-Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn…
Quận Hai Bà Trưng, người dân cần lưu ý đê Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn và Yéc-xanh.
Quận Cầu Giấy, khu vực ngã tư Dương Đình Nghệ-Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangman), Hoàng Quốc Việt đoạn gần Đại học Điện Lực, Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình và phố Hoa Bằng đều đặc biệt cần lưu ý.
Quận Hoàng Mai có các phố Thịnh Liệt, đường Đền Lừ, Hoàng Mai, phố Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định công và các tuyến khác.
Quận Nam Từ Liêm cũng cần lưu ý Đỗ Đức Dục, Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long…
Quận Hà Đông cần lưu ý phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Phùng Hưng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa và các tuyến khác...
Cảnh báo cấp độ rủi ro do thiên tai do ngập lụt ở cấp 1. Cánh bảo các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến này có thể gặp khó khăn, gây tắc nghẽn cục bộ, đặc biệt với tình trạng cây gãy đổ sau bão số 3 quét qua Hà Nội (ngày 7/9) chưa được xử lý triệt để.
Theo dự báo mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đã có khu vực ở Hà Nội có lượng mưa vượt mức 200mm. Cụ thể tính từ 19 giờ ngày 09/9 đến 8 giờ ngày 10/9 tại Mỹ Đức ghi nhận lượng mưa 273,8mm.
Dự báo trong ngày 10/9, Hà Nội nhiều mây và có mưa to đến rất to, có dông rải rác nhiều nơi. Gió Đông đến Đông Bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-25 độ C, cao nhất từ 26-28 độ C.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3