Phụ nữ đi dày cao gót, mặc váy bó: dễ mắc suy giãn tĩnh mạch
Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, t rung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ hoá dần.
Tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa nội thần kinh hay thần kinh cột sống vì tê chân hoặc khám chuyên khoa da liễu xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch khá cao, khoảng 20-30%.
Theo ThS, BS Lê Nhật Tiên, Phó khoa Nội, Can thiệp tim mạch – hô hấp, Bệnh viện Việt Đức, bệnh suy giãn tĩnh mạch hay gặp ở nữ giới hơn nam giới vì phụ nữ là đối tượng hay đi giày cao gót, mặc đồ bó, làm công việc đứng nhiều và đặc biệt, phụ nữ phải trải qua quá trình sinh nở.
ThS.BS Khổng Tiến Bình thăm khám cho người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch
Trong quá trình mang thai, người phụ nữ có những hạn chế trong cơ chế chuyển máu từ chân về tim, sự hồi lưu tĩnh mạch kém hơn. Đặc biệt, trong lúc nằm nghỉ ngơi hay ngủ, bà bầu thì bị chèn ép tĩnh mạch đùi, khung chậu. Bên cạnh đó, các hoormon ở nữ giới cũng làm tăng sự nhạy cảm với suy giãn tĩnh mạch.
Bệnh viện Việt Đức từng điều trị cho một sản phụ trẻ 24 tuổi bị suy giãn tĩnh mạch nặng. Sản phụ đã giãn tĩnh mạch mạng nhện sau khi sinh xong bé đầu với biểu hiện các tĩnh mạch như giun ở dưới da. Khi sinh nở lần thứ 2, tình trạng suy giãn nặng hơn. Chỉ sau khi sinh xong em bé một tháng, sản phụ bị huyết khối tĩnh mạch, nguy hiểm tính mạng.
Thời gian qua, bệnh viện có chương trình phối hợp với một số trường học tầm soát cho thầy cô giáo cho thấy, tỷ lệ các thầy cô giãn tĩnh mạch cao hơn so với tỷ lệ chung của cộng đồng, khoảng 20-30%.
ThS.BS Lê Nhật Tiên cho hay, bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Các nghiên cứu lớn ở châu Âu, Mỹ cho biết, có khoảng 40% dân số trưởng thành mắc bệnh lý này, tiêu tốn chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đô la/năm tại Mỹ.
Tại Việt Nam, có khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch và bệnh này thường hay bị bỏ xót vì có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn hoặc chủ quan bỏ qua.
“Nhiều người khi thấy tê chân, căng bắp chân, chuột rút không thường xuyên liền bỏ qua nghĩ là bệnh thông thường. Tuy nhiên bệnh này cần phát hiện sớm, dễ dàng hơn công tác điều trị”, BS Tiên cho hay.
Suy giãn tĩnh mạch nguy hiểm như thế nào?
ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – Hô hấp cho biết, bệnh lý suy giãn tĩnh mạch diễn tiến âm thầm, từ từ và đôi lúc trong công việc sinh hoạt hằng ngày nhiều người bỏ qua triệu chứng đó. Bệnh này điều trị được khỏi, dứt điểm và quan trọng nhất là phải điều trị dự phòng, sau đó sẽ điều trị theo giai đoạn và kết hợp đa mô thức điều trị.
Suy giãn tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy ngoài da, nhưng suy giãn tĩnh mạch sâu sẽ không nhìn thấy vì nó nằm sâu ở trong cơ đi cùng động mạch.
Theo thống kê tại các bệnh viện lớn trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân xuất hiện ở nữ giới chiếm đến 70% trong tổng số người mắc bệnh. Nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên.
Chia sẻ thêm thông tin, ThS.BS Lê Nhật Tiên cho hay, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay nhầm lẫn với thần kinh cột sống thắt lưng, bệnh cơ xương vùng cẳng chân, đùi chân. Bệnh nhân có triệu chứng phù chân, chuột rút, tê bì, thậm chí cảm giác căng mỏi bắp chân về cuối ngày và một số trường hợp ngâm chân nước lạnh hoặc gác chân cao thấy nhẹ hẳn đi thì cần đi gặp bác sĩ để bác sĩ cho khám.
Nói về mức độ nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch, các chuyên gia cho hay, có khá nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh lý này muộn do bệnh tiến triển âm thầm. Đến khi bệnh nhân bị tràm da, sạm da vùng cẳng bàn chân, có người bị loét bàn chân mới đi khám chuyên khoa da liễu, lúc đó mới phát hiện có suy giãn tĩnh mạch.
Đặc biệt, biến chứng muộn của bệnh lý này là giãn tĩnh mạch nhiều, ứ trệ ở chân thành búi tĩnh mạch cuộn âm hình thành huyết khối dẫn đến tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch, máu không hồi lưu được trở về, làm toàn bộ chân sưng phù lên, đau đớn.
Hình ảnh búi tĩnh mạch nổi rõ khi bệnh đã sang giai đoạn muộn
“Nguy hiểm nhất là huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong. Một trong nhưng nguyên nhân đột tử do suy giãn tĩnh mạch nặng. Đã có trường hợp có người sau 6-8 giờ ngồi trên máy bay bị suy giãn tĩnh mạch mà đột tử”- ThS. BS Lê Nhật Tiên cho hay.
Những ai có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới?
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
Người đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động
Một số nghề như giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ dệt, bác sĩ thẩm mỹ, cảnh sát giao thông,… do tính chất công việc nên buộc nhiều người phải ngồi hoặc đứng lâu. Khi đó máu sẽ dồn xuống chân và ứ đọng lại, tạo ra một áp lực gây cản trở quá trình máu trở về tim, dẫn đến bệnh.
Phụ nữ mang thai
Một trong những lý do giải thích cho tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao là do lúc mang thai, cổ tử cung mở rộng, các hormon tăng tiết và thay đổi một cách đột ngột. Hàm lượng tiết tố nữ tăng cao và khi thai to gây chèn ép tĩnh mạch cản trở máu về tim là nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch chân.
Tuy nhiên, vào lúc mang thai thì các mẹ bầu không có biểu hiện gì hoặc những triệu chứng sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng khoảng 3 - 5 năm sau, phụ nữ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát của bệnh giãn tĩnh mạch.
Phụ nữ đi giày cao gót thường xuyên
Cứ khoảng 2 - 3 bệnh nhân mắc bệnh thì mới có 1 bệnh nhân nam, điều đó còn do thói quen lựa chọn thời trang của nữ giới. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ.
Việc đi giày cao gót làm việc vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người đi giày bằng. Kèm theo đi giày cao gót, phụ nữ hay mặc quần áo bó nên khi ngồi, toàn bộ vùng chậu hông và đùi sẽ ép vào phần mềm trong đùi làm hồi lưu tĩnh mạch khó hơn. Vì thế, BS Khổng Tiến Bình khuyến cáo chị em nên chọn trang phục rộng rãi, đi đôi giày có chiều cao vừa phải.
Với chị em phụ nữ suy giãn tĩnh mạch nhẹ có thể sử dụng biện pháp dự phòng để không triệu chứng tiến triển tăng thêm. Tuy nhiên nghề nghiêp phải đứng nhiều, ngồi nhiều mà thường xuyên có triệu chứng tê bì nên đeo tất áp lực dự phòng để mức áp lực nhẹ với chân, thường dưới 15mm thuỷ ngân tránh làm giãn tĩnh mạch ra.
Đối với nghề giáo viên, đặc biệt với các cô giáo, nếu trong quá trình làm việc đứng nhiều nếu có dấu hiệu phù chân cuối ngày hay tê bì, mỏi nặng chân nên tranh thủ ngồi và có những bài tập mũi bàn chân tăng cường vận cơ hồi lưu tĩnh mạch. Khi có triệu chứng giãn tĩnh mạch kèm theo triệu chứng cơ năng phù chân, mỏi chân, tê chân nên đi khám bác sĩ để được tư vấn đeo tất áp lực dự phòng.
Người bị bệnh béo phì
Thông thường người bị béo phì rất dễ bị bệnh giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do những người béo phì hầu như đều có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động. Bên cạnh đó, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, người từng trải qua phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, mổ niệu, người nằm bất động do tai biến, bó bột, hoặc người thường xuyên làm việc trong môi trường nhiệt độ cao… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn. Thêm vào đó, việc khiếm khuyết van tĩnh mạch do bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh nặng.
Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già): tuổi thọ ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình lão hóa, trong đó có suy giãn tĩnh mạch...
Đặc biệt khi tham gia chương trình, ngoài được các chuyên gia tư vấn miễn phí, người bệnh sẽ được miễn phí siêu âm tĩnh mạch chi dưới.