70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 1.

Về xã Vĩnh Long, khi nhắc đến ông Đới, từ người già cho tới trẻ nhỏ không ai là không biết. 70 năm gắn bó với nghề y, ông đã chăm sóc sức khỏe cho không biết bao nhiêu thế hệ bà con nơi đây.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xứ Thanh, khi bước qua tuổi 20 ông lên đường nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ ông được cử học y tá và trưởng thành trong lực lượng quân y. Nhiệm vụ hàng ngày của ông cùng các chiến sỹ quân y chăm sóc sức khỏe cho bộ đội.


70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 2.

Trong những năm công tác tại trạm y tế xã, ông vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa và buổi tối đi khắp các thôn để đến thăm khám cho những người dân bị bệnh.

Lúc này, Vĩnh Long vẫn còn là một xã nghèo của xứ Thanh. Con đường tới nhà dân là đường đất, trời nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội nhưng chiếc xe đạp cọc cạch vẫn cùng ông vượt hết nắng, mưa từ năm này qua năm khác. Những năm chưa có điện đường, chiếc đèn pin le lói là người bạn đồng hành cùng ông vượt đêm tối tới thăm khám cho bà con.

"Tới năm 1995 khi đã đến tuổi nghỉ hưu, tôi không còn công tác ở trạm y tế xã nhưng vẫn tiếp tục phục vụ bà con" – ông kể.

Nhớ lại những ngày phương tiện liên lạc còn khó khăn, nhưng người dân trong cả xã vẫn tìm tới ông để nhờ khám bệnh. "Ngày trước chưa có điện thoại, người dân tới tận nhà tôi để hẹn lịch khám. Những năm gần đây tuổi đã cao, có ca bệnh gấp hay đêm tối, người dân thường tới tận nhà đưa đón. Nhìn thấy sự trân trọng, yêu quý mà bà con dành cho mình, tôi càng quyết tâm, hết lòng để cứu người", ông Đới nói.

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 3.

Chiếc điện thoại đen trắng đã bạc màu là "cầu nối" giữa ông và người dân đã hơn chục năm gần đây, nhờ vậy mà việc đặt lịch thăm khám cũng dễ dàng hơn. 

Ông kể rằng, ông có thể nhớ tên các hộ dân trong từng thôn, từng xóm, thuộc từng ngóc ngách, địa chỉ các gia đình.

Chỉ cần đọc tên và địa chỉ, ông có thể tìm đến tận nhà mà không cần hỏi thăm. "Thậm chí, nhiều người chỉ cần nghe giọng qua điện thoại tôi có thể đoán ra đó là ai, nhà ở đâu, trong nhà gồm những thành viên nào, tình trạng sức khoẻ từng ra sao" – ông Đới tâm sự.

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 4.


70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 5.

Cần mẫn hơn 70 năm để chăm sóc cho người dân nhưng đồ nghề của ông cũng chẳng mấy cầu kỳ, một túi vải nhỏ, chiếc áo mưa gấp gọn trong giỏ xe đạp, chiếc mũ cối bạc màu và đôi dép tổ ong.

Trong chiếc túi nhỏ của ông có thêm chiếc hộp đựng các loại thuốc, kim tiêm và dụng cụ y tế. Ngoài ra có thêm một tờ giấy nhỏ ghi lại "bệnh án" người bệnh với những thông tin vô cùng ngắn gọn. 

Khi được hỏi về tờ giấy cầm trên tay, ông nói: "Tôi nhớ hết từng trường hợp bệnh nhân. Có ngày có tới 20 người ốm, tôi không cần tới sổ sách mà chỉ cần tờ giấy nhỏ ghi lại để sau này tiện chăm sóc, phần lớn thông tin khác tôi nhớ hết trong đầu".

7h sáng mỗi ngày, ông bắt đầu đạp xe từ nhà đi tới các gia đình có người bị bệnh, sau đó quay về ăn trưa và nghỉ ngơi. Đến 2h chiều, ông lại tiếp tục hành trình của mình. Những ngày bị ốm không thể đi thăm khám, bà con lại nhờ người thân đưa tới tận nhà ông để tiêm truyền, lấy thuốc.

Đều đặn năm nào cũng như năm nào, đúng chiều 30 Tết ông mới nghỉ ngơi. Sau khi đón giao thừa cùng gia đình, nếu mùng 1 hoặc mùng 2 có người đau ốm, ông lại tới thăm khám. "Người ốm thì đâu có nghỉ Tết, người ta vẫn cần mình mà" – ông nói.

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 6.

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ông vẫn thăm khám cho người dân và tuân thủ quy định phòng, chống bệnh. Cứ như vậy, đã 70 năm trôi qua, ông chưa từng một lần phải đi viện vì ốm đau hay bệnh tật.

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 7.

Ông vui vẻ kể: "Chắc vì ngày nào cũng đạp xe mấy chục cây số nên khớp chân khớp tay của tôi rất chắc khỏe. Cho tới nay cứ đều đặn ngày 2 bữa sáng – chiều là tôi lên đường đi khám bệnh cho bà con. Tôi cũng chưa phải đi viện lần nào. Duy chỉ có một lần chuẩn bị diễn tập dưỡng sinh gặp chỗ trơn trượt ngã đập đầu xuống đất. Con cháu thấy vậy lo lắng quá mới đi xuống tuyến tỉnh chụp chiếu. May mắn không vấn đề gì".

Nhiều lúc, gia đình khuyên ông ở nhà nghỉ ngơi vì tuổi đã cao nhưng một phần vì tình yêu nghề, một phần vì sự tin tưởng của bà con nên ông vẫn tiếp tục "giữ lửa". 

Bà Na, vợ ông Đới tâm sự: "Ông cũng đã lớn tuổi nhưng con cháu thấy ông tận tụy về nghề nên cũng động viên ông làm tới khi nào còn đủ sức. Được bà con thôn trên, xóm dưới yêu quý đó có lẽ là niềm vui lớn nhất cuộc đời làm thầy thuốc của ông ấy rồi".

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 8.

Trải qua những năm tháng kháng chiến rồi những tháng ngày đời sống bà con còn khó khăn và tới khi cuộc sống ấm no, đủ đầy, ông vẫn tiếp tục miệt mài chăm sóc cho sức khỏe của người dân trong xã. Với chiếc xe đạp cũ, hàng ngày ông rong ruổi trên khắp những con đường từ thôn này qua thôn khác.

Ông Đới tự đúc rút kinh nghiệm bằng việc nghiên cứu những ca bệnh từng chữa khỏi. Đo huyết áp, tim mạch, chăm sóc trẻ em viêm phổi, viêm phế quản, tiêm, truyền… là những công việc hàng ngày ông thường làm. Những trường hợp cảm thấy tự tin, đủ sức chữa do tình trạng bệnh nhẹ thì ông nhận lời chữa. Còn những trường hợp bệnh tình người ốm nằm ngoài khả năng, hoặc diễn tiến có chiều hướng phức tạp ông liền khuyên người dân tới cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh để thăm khám từ đầu, đảm bảo an toàn.

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 9.

Những năm gần đây, mạng lưới y tế cơ sở ngày một tốt, mỗi thôn đều có một người phụ trách. Tuy nhiên không có nhiều người theo đuổi với nghề lâu được như ông. Bà con cũng quen thuộc với người thầy thuốc đã gắn bó bao thế hệ trong gia đình từ ông bà, cha mẹ tới trẻ nhỏ.

Mái tóc đã bạc, những vết đồi mồi hay nếp nhăn trên khuôn mặt không làm bà con thay đổi sự tin yêu với ông. "Nhiều gia đình, tôi tới khám cho cả ông bà, bố mẹ rồi cả con nhỏ" – ông Đới tâm sự. Đây có lẽ chính là món quà quý giá nhất và cũng là động lực để ông tiếp tục tình yêu với nghề.

Đã 70 năm gắn bó, chính từ cái tâm với nghề, sự liêm khiết mà nhiều người tin tưởng và rất quý trọng ông. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, ông đều hỗ trợ tiền thuốc men. Khi được hỏi về những trường hợp bệnh nhân đau ốm nhưng chưa có tiền để trả, ông cười tươi rồi bảo: "Những trường hợp khó khăn quá, ốm đau tiêm thuốc 2-3 ngày là khỏi tôi đều giúp đỡ".

70 mùa xuân gắn bó với nghề thầy thuốc và ước muốn chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến khi tròn 100 tuổi- Ảnh 10.

Ông Đới với những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt đang góp một phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến cơ sở.

Sau gần một thế kỷ, nhiều thứ đã đổi thay nhưng chỉ có chiếc bóng lưng gầy và những vòng quay xe đạp trên khắp các con đường làng của ông Đới vẫn vậy. Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều thế hệ người dân ở xã Vĩnh Long... Ông tự sự:

93 tuổi đời

70 năm tuổi ngành

Với đôi mắt sáng ngời

Bộ óc còn minh mẫn

Đôi bàn tay mềm mại

Đôi chân còn chắc khỏe

Hàng ngày vẫn đạp xe

Đi khắp nơi trong xã

Để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đến khi tròn 100 tuổi.

Ý kiến của bạn