Ngày 25/11, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã công bố kết quả Dự án đánh giá tác động của phát triển chăn nuôi đến sức khỏe cộng đồng (Ecomore). Phát biểu tại hội thảo, ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đánh giá cao các kết quả của Dự án tiếp cận Một sức khỏe có ý nghĩa quan trọng và sẽ là các bằng chứng thuyết phục để đưa ra các khuyến nghị về thực hành chăn nuôi tốt và vệ sinh cá nhân nhằm giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe đối với người dân trong khu vực.
Trong những năm qua, thế giới liên tục ghi nhận sự xuất hiện của các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như: SARS, cúm A (H5N1, H7N9), MERS-CoV, Ebola, Zika... đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh sức khỏe của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế. Trong đó phần lớn các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đều có nguồn gốc từ động vật và lây sang người. Theo WHO, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật, sự lây lan bệnh dịch từ quốc gia này sang quốc gia khác cũng trở nên nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chăn nuôi dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, trong số những hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được xem là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng do đây là ngành nghề tạo ra nhiều rác thải tại các vùng nông thôn, trong khi đây là ngành nghề chiếm tỷ lệ cao tại các vùng nông thôn. Phát triển chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thể dẫn đến 3 nhóm nguy cơ chính đối với sức khỏe: ô nhiễm môi trường; lây truyền bệnh từ động vật sang người; các bệnh và nguy cơ lây truyền qua thức ăn.
Ở Việt Nam, khoảng 74% dân số sống ở khu vực nông thôn và 65% phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi chiếm 26,8% tổng sản lượng nông nghiệp. Báo cáo gần đây cho thấy ở Việt Nam có khoảng 8,3 triệu hộ gia đình chăn nuôi gia cầm và 7 triệu hộ gia đình nuôi lợn, trong đó chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ chiếm khoảng 70% sản lượng chăn nuôi ở nước ta. Bên cạnh đó, để đảm bảo đạt được mục tiêu của Chiến lược Phát triển ngành chăn nuôi đến 2020, chăn nuôi ở nước ta càng ngày càng phát triển, do đó có thể có nhiều nguy cơ tới sức khỏe con người hơn.
Trong bối cảnh số lượng các nông trại chăn nuôi quy mô lớn ở nước ta ngày càng gia tăng, song còn nhiều tồn tại trong việc đánh giá các mối nguy cơ đến từ các hoạt động chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Dự án Ecomore được triển khai tại Việt Nam ứng dụng hướng tiếp cận Một sức khỏe là Dự án do Bộ Y tế phê duyệt và được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ. Dự án được xây dựng ý tưởng từ cuối năm 2012 và triển khai tại thực địa (Hà Nam) từ 2013-2015. Sau 2 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành.
Một trong những điểm nổi bật khi áp dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe trong khuôn khổ dự án tại Việt Nam là sự vào cuộc của các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cùng chính quyền các cấp tại địa phương từ quá trình khởi động, đặc biệt là cộng đồng người dân trực tiếp tham gia chăn nuôi.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thi Thơ, cán bộ dự án đã trình bày bản báo cáo các kết quả của dự án đánh giá tác động của phát triển chăn nuôi đến sức khỏe cộng đồng được thực hiện tại 2 thôn thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam, dưới đây là một số kết quả:
Về thực trạng sức khỏe ở người và động vật sống trong khu vực chăn nuôi phát triển và khu vực chăn nuôi truyền thống là các đối tượng trong nhóm tuổi lao động (15-55 tuổi) và người làm nông nghiệp có tỷ lệ các vấn đề sức khỏe cao hơn các đối tượng khác; so sánh về mức độ ô nhiễm môi trường cho thấy: môi trường tại thôn chăn nuôi phát triển ô nhiễm hơn so với thôn chăn nuôi truyền thống, tỷ lệ nhiễm Ecoli trên mẫu rau tương ứng 51 và 31%...
Từ các kết quả trên, TS. Thơ đưa ra khuyến nghị: Cần tăng cường hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh trong độ tuổi lao động với nghề nghiệp liên quan chăn nuôi và nông nghiệp; thực hành chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt những khu vực chăn nuôi mật độ cao và cần nghiên cứu thêm về các bệnh lây truyền từ động vật sang người như Leptospira, HEV...
GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đánh giá cao các kết quả được trình bày tại hội thảo, đồng thời giáo sư cũng hy vọng những thông tin được trao đổi và chia sẻ tại buổi hội thảo này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà tổ chức và đơn vị liên quan trong việc xây dựng kế hoạch trong tương lai.