70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn

10-09-2016 10:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới mỗi năm tại Việt Nam là hơn 34.000. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, vì đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

70% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn

Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo: “Liệu pháp nhắm trúng đích – Hành trình 10 năm kéo dài sống còn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ” do Bệnh viện K vừa tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về bệnh ung thư.

Thông tin tại hội thảo cho biết, theo dữ liệu của Globocan 2012, mỗi năm thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới và 1,6 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm chúng ta có khoảng 22,000 ca mắc mới và 19,500 bệnh nhân tử vong.

Theo các chuyên gia, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới mỗi năm tại Việt Nam là hơn 34.000. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, vì đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư phổi

TS. BS  Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa nội II, Bệnh Viện K cho hay, yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư phổi (nguyên phát) là hút thuốc lá. Tuy nhiên, ung thư phổi vẫn xuất hiện trên những người chưa từng hút thuốc. Những dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi thường không rõ ràng nên dễ bị bệnh nhân bỏ qua, và vì thế ung thư phổi thường được phát hiện muộn. Theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).

“Vì vậy, dù đã có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi vẫn thường có tiên lượng xấu và tỉ lệ sống thêm 5 năm khá thấp”- BS Hòa nêu rõ

Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, Tổ chức Y tế thế giới chia ung thư phổi thành 2 loại chính: Ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% các ca ung thư phổi, và bao gồm các loại chính: ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy, và ung thư tế bào lớn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý bệnh ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ, vốn là loại ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam và thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Chỉ 5% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ sống thêm 5 năm

Theo các chuyên gia, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổ biến nhất, 65% bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn, và 55% có di căn xa ở thời điểm chẩn đoán. Các bệnh nhân này chỉ có tỷ lệ sống thêm 5 năm là 5%. Bối cảnh điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ đã có nhiều tiến bộ trong khoảng một thập niên trở lại đây, bên cạnh các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị gây độc tế bào, đã xuất hiện vai trò chủ đạo của sinh học phân tử trong việc xác định đột biến gen EGFR của bệnh nhân ung thư phổi, dẫn đường cho việc chỉ định các liệu pháp nhắm trúng đích mới.

Hơn 64% bệnh nhân ung thư phổi Việt Nam có đột biến gen EGFR nhạy thuốc, là một đặc điểm thuận lợi cho việc điều trị bằng các liệu pháp nhắm trúng đích. Trong đó, erlotinib điều trị bước một đã được chứng minh giúp kéo dài trung vị sống còn toàn bộ hơn 31 tháng, trung vị thời gian sống bệnh không tiến triển hơn 1 năm cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn xa.

Trong bài trình bày tại Hội thảo, GS.BS. Roman Perez-Soler – Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Albert Eistein, Bronx, New York, Hoa Kỳ đã chứng minh erlotinib điều trị bước 1 kéo dài thời gian sống bệnh không tiến triển hơn 1 năm, gấp 3 lần hóa trị thông thường trên bệnh nhân có đột biến gen EGFR. Trong hơn một thập niên kể từ khi được phê duyệt, hơn một triệu bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đã được điều trị với erlotinib tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, erlotinib cũng đã được phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân hơn 10 năm qua.

Đa phần ung thư phổi đều phát hiện muộn

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, trên bệnh nhân có đột biến gen EGFR, erlotinib là một trong những liệu pháp trúng đích tối ưu hiện nay cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn tiến triển tại chỗ hay di căn xa. Ertonitib cũng đã được chứng minh có hiệu quả cao và giúp cải thiện chất lượng sốngtrên các bệnh nhân đã thất bại với các liệu pháp điều trị toàn thân trước đó.

Được biết, hiện tại ngoài bệnh ung thư phổi, erlotinib cũng được phê chuẩn điều trị ung thư tụy và hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới cũng đang được hưởng lợi ích sống còn từ liệu pháp này. Liệu pháp trúng đích erlotinib đã, đang và tiếp tục là một liệu pháp hiệu quả, là phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư, mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) là một tyrosine kinase xuyên màng, chịu trách nhiệm kiểm soát sự phát triển và tăng sinh bình thường của tế bào. EGFR đóng một vai trò quan trọng trong ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong tất cả các loại mô học của ung thư phổi không tế bào nhỏ bao gồm cả ung thư biểu mô tế bào vảy, tế bào khối u sống sót và tăng sinh theo con đường EGFR. Hầu hết các tế bào khối u ung thư phổi không tế bào nhỏ không bị đột biến EGFR. Tuy nhiên có khoảng 10-30% các khối ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến hoạt hóa thụ thể EGF biểu lộ trên bề mặt tế bào. Đột biến EGFR là trên 4 exon của gen, từ exons 18 đến 21 trong đó đột biến mất đoạn ở Exon 19 và đột biến L858R trên exon 21 chiến 90% các đột biến. Đột biến tại các vị trí này làm thay đổi sự cân bằng dẫn đến tình trạng hoạt hóa sự phát triển của khối u. Tình trạng hoạt hóa tạo ra dòng thác hoạt động tiền tăng sinh và tránh chết theo chương trình của tế bào ung thư. Kết quả là tế bào ung thư sẽ tăng sinh và tồn tại nhờ lộ trình tín hiệu qua EGFR.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn