Bệnh nhân N.T.N (77 tuổi, Ân Thi, Hưng Yên) phát hiện ĐTĐ tuyp 2 và tăng huyết áp cách đây 8 năm, bệnh nhân từng bị tai biến mạch máu não 7 lần. Cách đây 5 tháng, bà N. xuất hiện các triệu chứng đau nhức, giảm vận động bàn chân 2 bên. Tuy nhiên gần đây dấu hiệu đau nhức, giảm vận động bàn chân 2 bên tăng lên, sau khi được người nhà đưa tới khám tại BV Nội tiết Trung ương, bà N. được yêu cầu nhập viện vào khoa Tim mạch.
Sau khi thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm, chụp chiếu cho kết quả: Đường máu 10,11 mmol/l; HbA1c 9, 9%; Creatinine 64 mol/l; Mức lọc cầu thận 34,3. Siêu âm mạch chi dưới xơ vữa rải rác nội mạc, đo ABI để tầm soát bệnh động mạch chi dưới. Bà N. được chẩn đoán: Bệnh động mạch ngoại biên/ ĐTĐ tuyp 2, rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh thận mạn giai đoạn 3, biến chứng thần kinh ngoại vi.
Bà N. được theo dõi và điều trị tại khoa Tim mạch, BV Nội tiết Trung ương thông qua việc kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, điều trị rối loạn mỡ máu, chống ngưng tập tiểu cầu kép, tăng tuần hoàn ngoại vi.
Hiện tại, sau 10 ngày điều trị đường huyết của bà N. đã được kiểm soát tốt, chân hết sưng, hết nóng đỏ, mạch mu chân và mạc chầy sau bắt rõ, bệnh nhân đã tự đi lại (lúc vào viện bệnh nhân phải ngồi xe lăn).
Bệnh nhân N.T.N đang được điều trị tại khoa Tim mạch BV Nội tiết Trung ương.
70% trường hợp ĐTĐ tử vong đều liên quan đến tim mạch
Theo các bác sĩ, bệnh ĐTĐ và tim mạch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đường huyết càng cao thì thời gian mắc bệnh ĐTĐ càng lâu, rủi ro mắc các biến chứng tim mạch càng lớn và một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân ĐTĐ chính là bệnh tim và đột quỵ.
Theo BS.CKII Trần Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nội tiết Trung ương cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp biến chứng do ĐTĐ, trong đó phổ biến và rất hay gặp là các biến chứng liên quan đến bệnh lý tim mạch như trường hợp của bà N. Theo số liệu gần đây nhất, có tới khoảng 70% các trường hợp ở bệnh nhân ĐTĐ tử vong đều liên quan đến tim mạch. Chính vì vậy, việc hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của bệnh sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ.
BS. Kim Oanh cũng cho biết thêm, bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.
Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch gây tắc mạch cấp tính gây nên các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... đe doạ nghiêm trọng tính mạng người bệnh, tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não... tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi, (đi cà nhắc cách hồi), hoại tử chi, cắt cụt chi...
"Có nhiều yếu tố làm nặng nề thêm biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ như: Tuổi cao, Tăng huyết áp; Rối loạn lipid máu; Béo phì; hút thuốc lá; Ít vận động; Tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim. Khi các yếu tố này kết hợp với ĐTĐ sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch lên nhiều lần. Trong số các yếu tố làm tăng mức độ nặng nề của biến chứng tim mạch thì có 2 yếu tố không thể tác động được đó là tuổi cao và tiền sử gia đình; các yếu tố còn lại đều có thể tác động làm thay đổi được. Chính vì vậy, khi điều trị bệnh ĐTĐ không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động"- BS. Kim Oanh chia sẻ.
BS. Kim Oanh khuyến cáo, việc kiểm soát tốt ĐTĐ có thể làm giảm các biến chứng tim mạch: Cụ thể là để giảm các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ người bệnh phải kiểm soát tốt đường huyết theo khuyến cáo của Hội ĐTĐ Việt Nam, điều trị các bệnh lý kèm theo như THA, điều trị các rối loạn chuyển hóa mỡ, hạn chế những thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, lười vận động, kiểm soát tốt cân nặng và có chế độ sinh hoạt hợp lý, khám định kỳ hàng tháng.