Vì sao chăm sóc trái tim khỏe mạnh lại quan trọng?
Trái tim là một cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong việc mang máu và oxy đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Chu trình bơm máu của tim được ví như "một nhà máy điện" giúp duy trì sự sống của con người.
Hơn nữa, các bệnh lý tại tim mạch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại nhiều di chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tim mạch đúng cách, trong đó có tập luyện rất cần thiết nhằm ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các tư thế yoga tăng cường sức khỏe trái tim
Tư thế cây cầu (Setu Bandhasana)
Tác dụng: Kéo căng, mở rộng lồng ngực, vai, cột sống, giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim và phổi, giúp tim bơm máu dễ dàng hơn. Thêm vào đó, động tác uốn cong lưng nhẹ nhàng này có thể giúp bình tĩnh tâm trí, giảm mức độ lo lắng, rất cần thiết cho trái tim khỏe mạnh.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên sàn, co đầu gối sao cho gót chân chạm mông. Hai tay đặt bên cạnh thân mình.
Dùng lực của cánh tay và bàn chân, nâng hông lên khỏi mặt sàn sao cho từ hông đến cổ là một đường thẳng.
Giữ nguyên tư thế trong vài giây và trở về vị trí bắt đầu.
Tư thế cây cầu giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường sức khỏe trái tim.
Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)
Tác dụng: Tư thế rắn hổ mang giúp tăng cường sức mạnh cho lưng và kéo căng cơ ngực, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Tư thế này còn giúp tăng dung tích phổi, hỗ trợ tim nhận được nhiều oxy hơn, giảm căng thẳng cho tim, hạ huyết áp và tốt cho sức khỏe trái tim.
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn, đặt lòng bàn tay xuống sàn, ngang ngực và mở vai, nâng phần thân trên lên.
Giữ nguyên tư thế trong 4 - 5 giây và trở lại vị trí bắt đầu.
Chó úp mặt (Adhi Mukho Svanasana)
Tác dụng: Đây là một trong những tư thế yoga nổi tiếng nhất giúp kéo căng toàn bộ cơ thể, bao gồm cả cánh tay, chân và cột sống. Tư thế này rất hiệu quả để cải thiện lưu thông máu trong tim và não, rất cần thiết cho sức khỏe của tim.
Ngoài ra, nó làm dịu hệ thần kinh, giúp hạ huyết áp và giảm nhịp tim.
Cách thực hiện:
Để thực hiện tư thế này, hãy bắt đầu bằng tư thế chống tay và đầu gối. Xòe rộng các ngón tay và ấn vào lòng bàn tay xuống sàn, sau đó nâng đầu gối.
Cố gắng tạo thành hình chữ 'V' ngược với cơ thể, giữ hai bàn chân rộng bằng hông và gót chân ép xuống sàn. Chú ý, giữ cột sống thẳng khi thực hiện tư thế này.
Tư thế cái cây (Vrikshasana)
Tác dụng: Tư thế yoga cân bằng này chủ yếu được biết đến nhằm giúp tăng cường sức mạnh cho đôi chân.
Tuy nhiên, nó cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách kết hợp hít thở sâu, đều đặn, giúp cải thiện lưu lượng oxy đến tim và lưu thông máu.
Thêm vào đó, tư thế cái cây giúp giảm căng thẳng và lo lắng để cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung.
Cách thực hiện:
Đứng trên chân trái với bàn chân phải đặt trên đùi trong của chân trái. Giữ nguyên tư thế trong vài giây.
Tư thế tam giác (Trikonasana)
Tác dụng: Tư thế duỗi người sang một bên này tác động đến chân, hông và ngực giúp kéo căng các cơ ngực, cải thiện chức năng phổi, cho phép quá trình thở tốt hơn. Điều này giúp lưu lượng oxy được cải thiện, từ đó giảm tải cho tim, hỗ trợ hệ thống tim mạch hoạt động bình thường dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tư thế tam giác cũng có thể làm giảm căng thẳng và hạ huyết áp, góp phần vào sức khỏe tim mạch nói chung.
Cách thực hiện:
Đứng với hai chân rộng hơn vai. Hít vào và duỗi thẳng cánh tay ngang vai, lòng bàn tay hướng xuống dưới.
Nghiêng người về phía bên trái, duỗi thẳng tay trái về phía sàn và đặt sau bàn chân. Tay phải đưa lên cao, mắt nhìn theo tay.
Giữ nguyên tư thế trong vài giây và lặp lại ở phía bên kia.
Cách thực hiện tư thế tam giác.
Tư thế cái ghế (Utkatasana)
Tác dụng: Tư thế cái ghế giúp tăng cường sức mạnh cho chân, cơ trung tâm, cánh tay, cải thiện chức năng của hệ thống tim mạch, tăng cường lưu thông máu và sức bền.
Cách thực hiện:
Đứng thẳng lưng, hai chân khép lại. Uốn cong đầu gối, hạ mông song song với sàn sao cho đầu gối không vượt quá mũi chân và giơ tay lên cao hơn.
Giữ nguyên tư thế trong 30 giây và duỗi thẳng chân để trở về vị trí bắt đầu.
Tư thế cái ghế.
Tư thế con mèo bò (Marjariasana)
Tác dụng: Động tác nhẹ nhàng này bao gồm việc chuyển đổi giữa hai tư thế: Con mèo (cuộn cột sống) và con bò (cong cột sống) có tác dụng giúp kéo căng cột sống và ngực, cải thiện lưu thông máu.
Bên cạnh đó, động tác này giúp giảm căng thẳng và căng cơ, giúp hạ huyết áp, hỗ trợ trái tim khỏe mạnh.
Cách thực hiện:
Quỳ trên hai gối, hai tay chống phía trước, giữ khoảng cách rộng bằng vai. Hít vào và uốn cong lưng dưới và ngẩng đầu lên để thực hiện tư thế con bò.
Thở ra thật sâu và hóp bụng, gù lưng lên, đầu hơi cúi xuống để thực hiện tư thế con mèo.
Mời bạn xem tiếp video:
Bảo vệ trái tim khỏe mạnh nhờ 8 loại thực phẩm giàu protein.