7 triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bạn nên biết

26-08-2021 09:45 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Ngay cả việc quan hệ tình dục an toàn cũng không có gì đảm bảo là bạn sẽ không bị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bởi đối tác của bạn có thể bị nhiễm STD dù không có triệu chứng, và sau đó vô tình truyền bệnh STD cho bạn.

7 triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bạn nên biết - Ảnh 1.

Không phải tất cả các trường hợp bị bệnh lây qua đường tình dục (STD ) đều có triệu chứng

Tiến sĩ Christine Greves công tác tại Bệnh viện Phụ nữ & Trẻ sơ sinh Winnie Palmer ở Orlando, Florida (Mỹ) cho biết: "Không phải tất cả các trường hợp nhiễm STD đều có triệu chứng. Ngay cả khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, vẫn có thể dễ dàng nhầm với tình trạng bệnh khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu".

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cứ 5  người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người bị STD. Vậy, những triệu chứng STD nào bạn cần biết để phát hiện? Có bảy triệu chứng STD phổ biến nhất.

Thực tế, các triệu chứng STD na ná giống nhau, vì vậy việc trải qua bất kỳ triệu chứng nào trong số 7 triệu chứng này đều có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Tất nhiên, xuất hiện một trong những triệu chứng này không hoàn toàn có nghĩa là bạn mắc STD, nhưng nó làm tăng khả năng xảy ra.

Các triệu chứng STD thường gặp

Bỏng rát khi đi tiểu

Nếu bạn cảm thấy như bị dội lửa khi đi vệ sinh, thì có thể nghĩ tới bệnh STD. "Đây có lẽ là triệu chứng phổ biến nhất mà chúng ta thấy ở các bệnh lây truyền qua đường tình dục" – Tiến sĩ Michael Angarone, Phó giáo sư khoa các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ ) cho hay.

Triệu chứng này bắt nguồn từ tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, khi vi khuẩn bám vào màng nhầy của niệu đạo gây ra tình trạng viêm. Kết quả là, người bệnh có cảm giác nóng rát khi đi tiểu và đi vệ sinh nhiều. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, bệnh lậu và bệnh trichomonas có thể là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này.

Ra dịch bất thường

Vi khuẩn bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng roi trichomonas, chlamydia hoặc bệnh lậu có thể tấn công hệ thống sinh dục, gây kích ứng và tiết dịch bất thường.

Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu khi không phải thời điểm "đến hẹn" trong tháng là tiếng chuông báo động và có thể nguyên nhân là do STD gây ra. Tiến sĩ Greves cho biết: "Virus HPV là nguy cơ cao cho cổ tử cung, nó có thể gây chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo cũng có thể gây kích ứng màng nhầy của âm đạo, gây chảy máu".

Âm đạo bị rát hoặc ngứa

Ngứa và rát âm đạo là dấu hiệu nhận biết của nhiễm trùng nấm men. Nhưng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và chlamydia cũng có thể gây ra các triệu chứng đó. "Các mô âm đạo chỉ nhạy cảm hơn nếu bạn bị STD. Nó bị viêm và các cơ chế bảo vệ bình thường có thể bị gián đoạn" – Tiến sĩ Greves cho biết.

Bị đau khi quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục đau đớn là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Theo Tiến sĩ Greves, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu có thể dẫn đến quan hệ tình dục đau đớn vì chúng gây viêm âm đạo. Mụn rộp cũng có thể dẫn đến giao hợp đau đớn vì tổn thương có thể hình thành trong âm đạo và trên cổ tử cung, sau đó bị kích thích và viêm trong khi quan hệ tình dục. 

Có vết sưng, rộp trên bộ phận sinh dục

Sưng rộp có thể là dấu hiệu của một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm mụn rộp sinh dục, HPV, giang mai và u mềm lây. Nếu bạn phát triển một vết sưng, vết loét hoặc mụn cóc, đừng lờ nó đi — ngay cả khi nó biến mất sau một vài ngày. Các tình trạng như mụn rộp sẽ có các đợt bùng phát đến và đi, nhưng bạn không thực sự loại bỏ được virus khi các vết loét chưa được tìm ra và chữa trị triệt để.

Bị đau vùng chậu

Cũng giống như quan hệ tình dục đau đớn, đau vùng chậu là một dấu hiệu cần chú ý. Chlamydia và bệnh lậu được biết là nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Tiến sĩ Greves nói: "Bệnh lậu hoặc chlamydia có thể góp phần gây đau vùng chậu vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến âm đạo mà còn lan đến tử cung và ống dẫn trứng".

Khi nào các triệu chứng STD bắt đầu xuất hiện?

Nó thực sự phụ thuộc vào từng dạng bệnh. Theo CDC, các triệu chứng Chlamydia có thể xuất hiện vài tuần sau khi bạn bị nhiễm bệnh. Với bệnh lậu, có thể từ 1-14 ngày sau khi bạn bị nhiễm bệnh. Đối với bệnh mụn rộp, hầu hết mọi người đều có các triệu chứng từ 2-12 ngày sau khi họ tiếp xúc, nhưng đợt bùng phát đầu tiên có thể xảy ra vài tháng và nhiều năm sau khi lần tiếp xúc ban đầu.

Giáo sư chuyên ngành sản phụ khoa Kjersti Aagaard  tại Đại học Y Baylor (Mỹ) cho biết "Thậm chí có những trường hợp STD như bệnh lậu có thể gây ra các triệu chứng thấp khớp ở khớp; và bệnh giang mai có thể lây nhiễm vào não để gây ra các triệu chứng". Còn Tiến sĩ Greves chỉ ra rằng mụn rộp, bệnh lậu và chlamydia cũng có thể gây sốt và ớn lạnh.

Khi nào cần điều trị STD?

Tiến sĩ Aagaard  khẳng định nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm STD, cần phải đi kiểm tra ngay. "Ngay khi bạn cảm thấy các triệu chứng, hãy nhấc điện thoại và đặt lịch hẹn với bác sĩ" - Tiến sĩ Greves đồng tình.

STD có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tổn thương vĩnh viễn đối với hệ thống sinh sản khiến người phụ nữ khó mang thai sau này. Đặc biệt, Chlamydia cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung có khả năng gây tử vong.

STD cũng có thể dẫn đến tình trạng được gọi là bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng nghiêm trọng các cơ quan sinh sản như tử cung và ống dẫn trứng. Và điều đó có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới, đau và chảy máu khi bạn quan hệ tình dục và tiết dịch bất thường có mùi hôi, theo CDC.

Tiến sĩ Angarone cho biết thêm: "Nếu bạn không được chẩn đoán và điều trị căn bệnh STD của mình, bạn có thể sẽ lây bệnh cho người khác".

Xem thêm video được quan tâm:

Bệnh chán ăn tâm thần có biểu hiện như thế nào-


Hà Anh (Theo Health)
Ý kiến của bạn